Một thập kỷ Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh
VHO - Nhân kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện của nhân loại (5.12.2013 - 5.12.2023), trong những ngày này, nhiều địa phương khu vực Nam Bộ tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng. Các hội thi, hội diễn, liên hoan về Đờn ca tài tử được tổ chức rộng khắp, bên cạnh cơ hội giao lưu, tranh tài, còn là trình diễn phục vụ khán giả mộ điệu, chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của loại hình âm nhạc dân tộc trong đời sống cộng đồng.
Các nghệ nhân tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ TP.HCM giải “Hoa sen vàng” năm 2023
Hội thi Đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương và Liên hoan Đờn ca tài tử lứa tuổi thiếu nhi tỉnh Vĩnh Long năm 2023 vừa khép lại vào tối 4.12 thì ngay sau đó, Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ TP.HCM giải “Hoa sen vàng” tiếp tục mở màn thi diễn từ ngày 4-7.12. Đây là những hoạt động được các địa phương tổ chức chào mừng kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đại diện của nhân loại (5.12.2013 - 5.12.2023).
Khẳng định vị thế và sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng
Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ TP.HCM giải “Hoa sen vàng” lần thứ VI năm 2023 do Trung tâm Văn hóa (TTVH) TP.HCM triển khai tổ chức, là sự kiện văn hóa ý nghĩa, được diễn ra định kỳ 2 năm/lần. Liên hoan góp phần bảo tồn, phát huy và tạo điều kiện lan tỏa sâu rộng giá trị độc đáo của DSVHPVT nghệ thuật Đờn ca tài tử. Hoạt động cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phượng, Phó Giám đốc phụ trách TTVH TP.HCM, trải qua hơn 100 năm định hình và phát triển, di sản Đờn ca tài tử được nhiều thế hệ nghệ nhân dày công vun đắp, sáng tạo ra nhiều trình thức hòa tấu, nhiều dạng thức sinh hoạt, sáng tác và cải biên hàng trăm làn điệu, biên soạn vô số lời ca mới thấm đậm tình người, tình đất phương Nam…Tất cả góp phần giúp cho loại hình nghệ thuật đặc sắc này khẳng định vị thế và sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng.
Đến nay, Đờn ca tài tử Nam Bộ vẫn được thực hành ở mọi lúc, mọi nơi trên khắp 21 tỉnh, thành từ Ninh Thuận cho đến Mũi Cà Mau. Đờn ca tài tử hôm nay không chỉ được bảo tồn và phát huy ở vùng nông thôn mà còn được lưu giữ cả trong môi trường đô thị hiện đại như ở TP.HCM. Loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh này vẫn “ngự trị” ở mọi không gian sinh hoạt cộng đồng: Từ làng quê, cánh đồng, cho đến nhà máy, công trường, trường học, khu du lịch sinh thái; vẫn phổ biến và thăng hoa ở Thành phố mang tên Bác.
Liên hoan chia thành 2 bảng: Bảng A gồm nghệ nhân, tài tử đờn ca do TTVH; TTVH - Thể thao; TTVH, Thể thao và Truyền thông của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tuyển chọn. Bảng B gồm các CLB Đờn ca tài tử, các cá nhân có năng khiếu đờn ca cổ nhạc đang hoạt động ở các đơn vị ngoài ngành Văn hóa (trường học, ban ngành, đoàn thể...); các nhạc công, nghệ sĩ là thành viên nòng cốt của phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương.
Liên hoan diễn ra từ ngày 4-7.12. Lễ tổng kết và trao giải diễn ra tối 8.12, trong khuôn khổ chương trình Kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử Nam Bộ là DSVHPVT đại diện của nhân loại.
Theo ông Phạm Minh Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long, Hội thi Đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương và Liên hoan Đờn ca tài tử lứa tuổi thiếu nhi đã thu hút trên 5.000 lượt tài tử, nghệ nhân các cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, người hâm mộ thuộc các tầng lớp nhân dân tham dự trực tiếp và hàng chục ngàn người xem trên các nền tảng mạng xã hội như youtube, zalo, facebook…
“Đờn ca tài tử Nam Bộ là DSVHPVT thứ 8 của Việt Nam được UNESCO ghi danh và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, điều đó thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam. Ngành VHTTDL của 21 tỉnh, thành từ Nam Trung Bộ đến miền Tây Nam Bộ đều đã xây dựng đề án, kế hoạch để bảo tồn và phát huy. Tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn I từ năm 2016-2021 và hiện nay đang thực hiện Đề án giai đoạn II từ năm 2022-2025”, ông Hoàng thông tin thêm.
Biểu diễn Đờn ca tài tử trong chương trình “Trên bến dưới thuyền” của TP.HCM
Trao truyền giá trị di sản cho thế hệ kế thừa
Hội thi Đờn ca tài tử, trích đoạn cải lương và Liên hoan Đờn ca tài tử lứa tuổi thiếu nhi được tỉnh Vĩnh Long tổ chức nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các CLB Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh; đồng thời tạo điều kiện để các nghệ nhân, tài tử có điều kiện thực hành di sản, trao truyền kinh nghiệm, phát hiện bồi dưỡng nguồn lực kế thừa, nguồn lực tham gia các hoạt động nghệ thuật cấp khu vực và Trung ương trong thời gian tới, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn.
Đây là lần đầu tiên Vĩnh Long tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử lứa tuổi thiếu nhi, qua đây nhằm phát hiện các tài năng nhí, để có sự vun bồi trong giai đoạn tiếp theo. “Chúng tôi đã chú trọng tìm kiếm nguồn thiếu nhi từ các gia đình có truyền thống nghệ thuật và đam mê đờn ca tài tử để mời nghệ nhân, tài tử có kinh nghiệm tham gia huấn luyện. Quá trình đó cũng diễn ra sự trao truyền kinh nghiệm, kỹ thuật cá nhân của các nghệ nhân, tài tử để tri thức mà họ đang nắm giữ không bị mai một đi”, ông Phạm Minh Hoàng bày tỏ.
Đờn ca tài tử hôm nay không chỉ được bảo tồn và phát huy ở vùng nông thôn mà còn lan tỏa trong môi trường đô thị hiện đại
Trong phát biểu bế mạc, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Long Phạm Minh Hoàng bày tỏ: “Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long tha thiết mong các đồng chí lãnh đạo các huyện, thị, thành phố; các cơ quan, đơn vị, sở, ban ngành tỉnh tiếp tục chỉ đạo đơn vị, địa phương mình tích cực tham gia các hoạt động hướng đến bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đội ngũ đờn ca tài tử lứa tuổi thiếu nhi vì đó là lực lượng quyết định sự phát triển của Đờn ca tài tử - Cải lương trong tương lai, đảm bảo sự vững bền cho DSVHPVT đại diện nhân loại đã được UNESCO ghi danh”.
Được xem là cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử, vùng đất Vĩnh Long đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nổi danh, có những cống hiến to lớn, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý. Theo thống kê, hiện nay trong toàn tỉnh có gần 900 CLB, đội, nhóm Đờn ca tài tử với hơn 8.000 thành viên. Để phát huy vốn quý đó, bên cạnh các cuộc hội thi, liên hoan, giao lưu Đờn ca tài tử, đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử lứa tuổi thiếu nhi với hình thức mời nghệ nhân, tài tử tập luyện, truyền nghề cho các em.
“Liên hoan và Hội thi nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các nghệ nhân, tài tử, trao truyền tri thức nghệ thuật đang nắm giữ và niềm yêu thích loại hình nghệ thuật tài tử cho thế hệ trẻ. Đồng thời, động viên các nghệ nhân, tài tử tiếp tục công hiến, tôn vinh loại hình nghệ thuật đặc sắc này để phát huy vai trò tham gia xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, ông Phạm Minh Hoàng nhấn mạnh.
Chương trình biểu diễn, giới thiệu về sự hình thành và phát triển của Đờn ca tài tử Nam Bộ tại chợ Bình Tây, TP.HCM
Bà Nguyễn Thị Hoài Phượng cũng cho hay, Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ TP.HCM giải “Hoa sen vàng” nhằm biểu dương, tôn vinh các nghệ nhân, các tài tử đờn, tài tử ca đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho phong trào hoạt động Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn TP.HCM. Liên hoan cũng tạo điều kiện để những ngón đờn hay, giọng ca tốt giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua đó, nâng cao tri thức nghề nghiệp, khả năng thực hành chuyên môn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật độc đáo vùng đất phương Nam.
THÙY TRANG