Những thước phim viết nên sử thi dân tộc
VHO - Ra đời giữa khói lửa chiến tranh, Điện ảnh cách mạng Việt Nam không chỉ là chứng nhân, mà còn là người đồng hành bền bỉ cùng từng bước ngoặt lịch sử trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Mỗi khuôn hình, mỗi thước phim là kết tinh từ lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng hòa bình mãnh liệt và niềm tin son sắt vào một ngày mai độc lập, tự do.
Những nghệ sĩ - chiến sĩ điện ảnh đã mang cả trái tim và sinh mệnh của mình ra chiến trường. Họ lặng lẽ ghi lại hiện thực ác liệt bằng ống kính và tâm hồn người nghệ sĩ, để rồi tạo nên những bộ phim không chỉ có giá trị nghệ thuật, mà còn là di sản lịch sử vô giá.
Trong mưa bom bão đạn, giữa những trận tuyến rực lửa, có những khuôn hình được đánh đổi bằng máu và cả sự hy sinh.
Nhưng chính từ những mất mát ấy, điện ảnh cách mạng đã thắp lên ngọn lửa thiêng liêng của lòng yêu nước, làm sống dậy tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường của cả một dân tộc đang khát khao thống nhất non sông.

Lao trong súng bom, lửa đạn
TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà (Bộ VHTTDL) cho biết, năm 2025 - Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) cũng là dấu mốc 50 năm điện ảnh Việt Nam thống nhất, ghi dấu những chuyển động, phát triển không ngừng của nền “Nghệ thuật thứ bảy” luôn đồng hành cùng lịch sử đất nước.
Theo TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Điện ảnh cách mạng Việt Nam khai sinh từ trong khói lửa chiến tranh của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Điện ảnh Đồi Cọ lúc bấy giờ hầu hết là những nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, những người lính trẻ lên chiến khu, đi theo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Họ làm điện ảnh từ tình yêu Tổ quốc, với niềm tin cháy bỏng đi tới hòa bình, độc lập, tự do. Từ chiến khu Việt Bắc đến đường Trường Sơn, từ chiến trường Điện Biên Phủ đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những tác phẩm điện ảnh được làm trong gian khổ, những thước phim được quay tại chiến trường thể hiện khát vọng thống nhất non sông. Đội ngũ làm điện ảnh đã trưởng thành cùng hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định: “Các loại hình điện ảnh bao gồm phim tài liệu, phim truyện, hoạt hình… đã đồng hành với cuộc kháng chiến vĩ đại, phản ánh những mốc son trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Trong lửa đạn, khói bom, các chiến sĩ điện ảnh đã quay những thước phim quý báu, trở thành nguồn tư liệu mãi mãi sống cùng lịch sử”.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam xúc động bày tỏ, nhiều nghệ sĩ đã có những tác phẩm để đời. Với tinh thần dũng cảm, hy sinh quên mình, họ đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên các chiến trường ác liệt.
Những hình ảnh, thước phim nhiều khi phải đổi cả sinh mạng để ghi lại, giờ đây trở thành di sản hình ảnh vô giá về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.
Dòng sông chảy mãi
Một dấu ấn không quên của điện ảnh nước nhà là ngày 22.3.1975, khi quân ta bắt đầu tấn công Huế thì LHP Việt Nam lần thứ III bế mạc. Những người làm điện ảnh, cả phim tài liệu và phim truyện, đã khẩn trương lên đường theo bước chân thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, phối hợp với các đồng nghiệp của Điện ảnh Giải phóng để trực tiếp ghi hình và thể hiện trang sử hào hùng nhất của dân tộc: Đại thắng mùa Xuân 1975.
LHP Việt Nam lần thứ IV (1977) được tổ chức tại TP.HCM là kỳ LHP quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, với những thành tựu được sáng tác trong hai năm đầu của hòa bình, mở ra những hành trình sáng tạo của thời kỳ mới.
“Hiện thực lớn lao của toàn dân tộc trong suốt 30 năm đấu tranh kiên cường bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, thống nhất non sông, cùng những ước nguyện cao đẹp khi đứng trước một kỷ nguyên mới của hòa bình đã làm nên những cảm xúc sáng tạo bùng nổ, đánh dấu cuộc hội ngộ lớn của những đồng nghiệp hai miền Nam Bắc một nhà…”, NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Trong lịch sử phát triển của điện ảnh cách mạng, có nhiều tác phẩm đã trở thành kinh điển. Chung một dòng sông, bộ phim điện ảnh cách mạng Việt Nam ra mắt năm 1959, do Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam đồng đạo diễn, được ghi dấu là bộ phim truyện đầu tiên của miền Bắc sau năm 1954 và cũng là phim truyện đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam ra mắt đúng dịp kỷ niệm 5 năm Hiệp định Genève.
Trang sử điện ảnh cũng vinh danh nhiều phim Việt kinh điển khác: Cánh đồng hoang (đạo diễn Hồng Sến), Mẹ vắng nhà (đạo diễn Khánh Dư), Mối tình đầu (đạo diễn Hải Ninh), Về nơi gió cát, Xa và gần (đạo diễn Huy Thành), Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho đến tháng Mười (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Chuyện cổ tích cho tuổi 17 (đạo diễn Xuân Sơn), Thành phố lúc rạng đông (đạo diễn Hải Ninh), Tháng năm những gương mặt (đạo diễn Đặng Nhật Minh)…
Khẳng định sự chuyển mình và đổi mới trong 25 năm đầu tiên thống nhất của điện ảnh Việt Nam, có thể kể đến những phim truyện như: Gánh xiếc rong (đạo diễn Việt Linh), Tướng về hưu (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi), Tuổi thơ dữ dội (đạo diễn Vinh Sơn), Thương nhớ đồng quê, Hà Nội mùa đông 46, Mùa ổi (đạo diễn Đặng Nhật Minh), Ngã ba Đồng Lộc (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), Ai xuôi vạn lý (đạo diễn Lê Hoàng), Những người thợ xẻ (đạo diễn Vương Đức), Đời cát (đạo diễn Thanh Vân)…
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những thước phim lịch sử đi cùng năm tháng một lần nữa được trình chiếu, làm sống dậy những khoảnh khắc thiêng liêng trong nhịp đập của đời sống điện ảnh nước nhà, cũng như trong trái tim của đội ngũ làm phim Việt.
Cùng với đó, những gương mặt của điện ảnh Việt Nam đương đại cũng tiếp tục tạo nên những dấu ấn mới. Sau Đào, Phở và Piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn), đến dịp kỷ niệm lần này, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) - bộ phim truyện về những ngày hào hùng và bi tráng nơi địa đạo Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đang tiếp tục tạo nên một hiện tượng trong đời sống điện ảnh.
Mưa đỏ, tác phẩm điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng, lấy cảm hứng và hư cấu từ sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 cũng là tác phẩm đang được công chúng hồi hộp đón chờ.
Những “bom tấn” rạp Việt không chỉ là tín hiệu vui mà còn mở ra hy vọng mới cho điện ảnh về đề tài chiến tranh cách mạng. TS.NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà nhìn nhận: “Điện ảnh Việt Nam 50 năm sau ngày thống nhất hiện đang hướng tới những sản phẩm bứt phá về mặt nghệ thuật, nội dung lẫn bản sắc dân tộc.
Là một nền nghệ thuật cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, điện ảnh Việt Nam luôn lấy tiêu chí giáo dục tư tưởng tình cảm cho nhân dân bằng chất lượng nghệ thuật cao làm mục đích phấn đấu…”.