Họa sĩ Ngọc Linh: Những mùa xuân với điện ảnh
VHO - Họa sĩ lão thành Ngọc Linh là hoạ sĩ duy nhất còn lại của khoá Mỹ thuật kháng chiến lừng lẫy, tài ba và danh tiếng, cả lớp đều là các học trò yêu của danh hoạ Tô Ngọc Vân. Ông cũng là một trong số ít hoạ sĩ tham gia xây dựng, đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành Thiết kế mỹ thuật của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Ông cũng đã có những đóng góp ngay từ bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông (1959), để lại dấu ấn sâu đậm trong bộ phim Vợ chồng A Phủ (1961), Kim Đồng (1963) và những phim sau này.
Cuốn sách Ngọc Linh - Hội hoạ của mùa xuân được NXB Mỹ thuật ấn hành năm 2025 đã đánh dấu sự nghiệp của Hoạ sĩ lão thành Ngọc Linh với 95 tuổi đời trọn vẹn niềm say mê sắc màu qua những nẻo đường xuân từ Chiến khu Việt Bắc tới ngày thống nhất non sông liền một dải.
Từ năm 1960- 2025, họa sĩ Ngọc Linh đã có 12 triển lãm cá nhân. Tranh của ông luôn gắn với đề tài mùa xuân tràn đầy tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam qua những gam màu thắm đượm luôn mang lại sự lạc quan, tin yêu cuộc sống.

Với kiến thức hội hoạ cơ bản, hàn lâm tiếp thu từ khoá Mỹ thuật kháng chiến (1950-1954), cùng với góc nhìn của một hoạ sĩ điện ảnh (như ông thường tự gọi), tranh của ông thường có những khung khổ vượt quá giới hạn của một bức tranh thông thường với chiều rộng trải dài, miêu tả chi tiết cảnh vật, đem lại cái nhìn toàn cảnh, như một góc máy lia rộng để thấy hết vẻ đẹp của con người và thiên nhiên. Đây là một đặc điểm nổi bật khẳng định sự sáng tạo độc đáo của hoạ sĩ.
Đặc biệt với đề tài phong cảnh và dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, tranh của ông cho thấy sự quan sát tỉ mỉ qua từng dáng vẻ, hoạt động của nhân vật, cùng những chiếc gùi trĩu nặng trên lưng, con dao quắm dắt bên mình, vò rượu, chiếc khèn trên tay cùng ngựa trắng, lợn lang, gà đàn đầm ấm sung túc trên bối cảnh trùng điệp núi rừng, hoa ban hoa đào bên nếp nhà sàn, mây trắng mây xanh quyến luyến trên bầu trời bảng lảng khói lam chiều.

Đặc biệt, ngay từ rất sớm, ông đã sử dụng những gam màu đặc biệt, “khó dùng’ theo quan niệm một thời. Bảng màu tươi rói mà thắm thiết, đậm âm hưởng dân gian đã làm nên một sắc màu hội hoạ Ngọc Linh riêng biệt.
Nguồn cội gia tộc họ Vi hiển hách, quê hương tại bản Chu (xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), họa sĩ Ngọc Linh có những hiểu biết sâu sắc về đời sống đồng bào các dân tộc miền núi ngay từ những ngày đầu theo người anh rể- bác sĩ Tôn Thất Tùng đi kháng chiến, lên Chiến khu Việt Bắc, theo học mỹ thuật ngay trong rừng núi, bên đèo bên suối.
Đến 1954, được tham gia công tác tại Điện ảnh Đồi Cọ tại An toàn khu Định Hoá (Thái Nguyên), từ đây ông rong ruổi theo những thước phim đen trắng đầu tiên của ngành điện ảnh non trẻ mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 147/SL thành lập ngày 15.3.1953.

Những bước đường dấn thân gian nan từ những năm tháng tuổi trẻ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong các tác phẩm của ông sau này.
Để chuẩn bị làm bối cảnh cho phim Vợ chồng A Phủ, ông đã lặn lội gần hai năm ròng rã, lên tận các bản Mèo nơi vùng núi cao Tủa Chùa, Lai Châu để lấy tư liệu, vẽ phác thảo. Ông vẽ gần 200 phác thảo bối cảnh cho bộ phim tương lai, khi đó vẫn đang là truyện phim/kịch bản văn học.
Ở tuổi 95, ông nhớ lại: “Chú vẽ cẩn thận, chi tiết lắm; chú phác thảo bối cảnh theo từng góc máy, không thiếu một góc độ nào. Khương Mễ quay khó tính đấy”.

Ngay từ ngày ấy, trên generic của bộ phim đã ghi vai trò của ông là: “Trang trí và phục trang: Hoạ sĩ Ngọc Linh”, đây là một cách ghi danh rất hiếm hoi trong các bộ phim truyện Việt Nam, ngay cả ở thời hiện tại. Đồng thời có thể coi là một cách ghi nhận công lao và sức sáng tạo rất đáng khâm phục của ông trong thuở ban đầu của ngành thiết kế mỹ thuật điện ảnh.
Điều kiện khó khăn lúc đó không cho phép đoàn phim lên tận các bản Mèo để quay phim. Ông đã xây dựng bối cảnh một bản Mèo trên cốt 400 Ba Vì, ngoại thành Hà Nội dựa vào các bản vẽ nghiên cứu, phác thảo bối cảnh chi tiết.

Với việc dựng ngoại cảnh tại Ba Vì, nội cảnh tại trường quay của Xưởng phim Hà Nội ở số 4 Thuỵ Khuê, ông cùng các đồng nghiệp đã lao động đêm ngày để phục vụ cho đoàn quay đúng tiến độ: “Lấy 50 anh em ở Sơn Tây lên phát cây, phát cỏ để lấy mặt bằng”.
Riêng căn nhà của Thống lý Pá Tra dài gần 50 mét, cao 8 mét được dựng từ tranh, tre, nứa, lá; mua gỗ laty bên Cầu Đuống về bồi giấy xi măng rồi vẽ màu lên. Các viên ngói bằng giấy bồi được móc vào lưới đan mắt cáo.
Các bối cảnh lô-cốt, đồn địch đều được dựng nên bằng giấy xi măng bồi. “Đường hầm giao thông, Đồn Hồng Ngài, khu du kích đều làm bằng giấy bồi hết”. Cảnh A Phủ bị trói vào cột gỗ, cái cột là làm bằng giấy bồi đấy”.

Bối cảnh vườn đào được dựng trong thời tiết tháng Năm, hàng ngàn bông hoa đào bằng giấy đã được làm. Với sự quan sát tinh tế và trách nhiệm trong công việc, ông đã đề nghị mua hàng trăm cành đào từ miền núi Tây Bắc chở về Ba Vì để dựng nên vườn đào, chỉ vì “cành đào miền rừng núi nó khác với cành đào dưới xuôi”. Một chi tiết thể hiện tính chuyên nghiệp và nghiêm túc trong công việc của ông, để lại một bài học quý giá cho các thế hệ sau.
Để đảm bảo tính chân thực cho các cảnh quay, ông còn cho mua ngựa từ vùng cao Tủa Chùa, thuê cụ Ngân trông coi ngụa giỏi từ thời Pháp thuộc để huấn luyện cho diễn viên Trần Phương (vai A Phủ) biết cưỡi ngựa; ngoài ra ông còn cho mua cả hai con chó Mèo để thêm phần sinh động.
Công việc sáng tạo phục trang cho bộ phim Vợ chồng A Phủ cũng đã để lại một di sản nghề nghiệp đáng kính trọng. Toàn bộ trang phục của nhân vật và quần chúng trong phim đã được ông vẽ mẫu tỉ mỉ, đặt Trường Trung cấp Mỹ nghệ Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật công nghiệp) thực hiện may, thêu.

“Chú vẽ trên đấy xong mang về Hà Nội, tô màu cẩn thận rồi đưa về trường làm”. Hàng trăm bộ trang phục đã được may, thêu, đặc biệt sử dụng kỹ thuật thêu đắp vải tỉ mỉ để tạo hoa văn.
Các bộ trang sức được làm bằng giấy rồi cuốn giấy bạc bên ngoài để giả bạc. Ngày đó chưa có phim màu, nên hoạ sĩ Ngọc Linh đã sáng tạo để truyền tải được sự rực rỡ của trang phục đồng bào dân tộc chỉ qua những sắc độ đen trắng.
Ông chỉ đạo không làm theo màu sắc trang phục thực tế của đồng bào mà thiết kế, hướng dẫn tỉ mỉ để may, thêu hoạ tiết theo sắc độ đen trắng nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trên màn ảnh. Hiệu quả công phu này có thể nhìn thấy rõ nét trên các trang phục của A Phủ (Trần Phương), Thống lý Pá Tra (Văn Hoà) và con trai là A Sử (Hoà Tâm) cùng các nhân vật khác. Bộ váy áo của Mỵ (Đức Hoàn) là điểm nhấn đặc biệt dành cho vai nữ chính.
Hoạ sĩ Ngọc Linh nhớ lại: “Rất đặc sắc, vẽ kỹ lắm. Riêng bộ váy áo của Mỵ là làm hết 300 đồng, lương thời đó chỉ khoảng 50 đồng/1 tháng thôi. Chú sáng tạo thêm cái áo gile cho vai A Phủ, bên ngoài làm gì có”. Các bộ trang phục, váy áo thêu đắp từng ô vải nhỏ tạo hoa văn, với những sắc độ đậm nhạt làm nên bản hoà sắc trên từng thước phim đen trắng, minh chứng cho tài năng và công sức của ông.


Trường quay tại Xưởng phim Hà Nội tại số 4 Thuỵ Khuê ngày ấy lưu dấu nhiều kỷ niệm gắn bó với ông qua nhiều bộ phim với nhiều gian nan, vất vả. Bộ phim Kim Đồng (1963) ngay tiếp sau đó ông đã dựng nguyên một dòng suối trong trường quay: “Chú cho be gạch, bồi giấy tạo hình đá, bờ suối, hoa lá làm giả, rồi cho nước chảy vào là quay được cảnh suối đêm rồi”.
Những ngày đầu của điện ảnh phim truyện Việt Nam đã ghi dấu sự lao động nghiêm túc, sức sáng tạo không ngừng của những người nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, trong đó hoạ sĩ Ngọc Linh là một trong những thế hệ hàng đầu.
Cùng với các đoàn phim, ông đã đặt chân đến mọi miền đất nước, từ Tủa Chùa đến mũi Cà Mau, từ Quảng Ninh đến Vũng Tàu, Côn Đảo.

Dấu ấn sâu sắc hơn cả mà ông để lại chính là từ những năm tháng gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Khi quay xong phim Kim Đồng, ông đã ở lại Cao Bằng thêm một tháng để đi vẽ non nước Cao Bằng. Chân dung đất và người Cao Bằng ngày ấy được ông gìn giữ đến tận bây giờ, trong đó có chân dung người mẹ của Anh hùng liệt sĩ Kim Đồng.
Nghệ thuật Điện ảnh đã góp phần mang lại cho hoạ sĩ Ngọc Linh những góc nhìn đa chiều trong hội hoạ, làm nên sự khác biệt trong tranh ông. Cách cảm nhận cuộc sống một cách thực tế, chi tiết nhưng luôn lạc quan, yêu đời, yêu mình, yêu người đã làm nên sức sống, sự tươi xanh, trong trẻo trong sắc màu tranh của ông, làm nên những mùa xuân hội họa của Ngọc Linh.

Tham gia ngay từ những ngày đầu ngành điện ảnh được thành lập, với hơn 30 năm lao động, làm hoạ sĩ thiết kế mỹ thuật cho 25 bộ phim, hoạ sĩ Ngọc Linh đã cho thấy tài năng, thái độ nghiêm túc, cầu thị, sự say mê nhiệt huyết trong lao động sáng tạo; để lại những giá trị không nhỏ trong ngành Thiết kế Mỹ thuật điện ảnh mà ông là thế hệ đầu tiên xây dựng, khẳng định vai trò quan trọng.
Những bài học qua các tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển đã luôn dược các thế hệ sau lưu giữ, nghiên cứu và học hỏi với sự kính trọng sâu sắc. Ông đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.