Tôn vinh hơn 100 nghệ sĩ, nhà làm phim nhân Ngày Điện ảnh Cách mạng Việt Nam
VHO - Tâm điểm tại lễ kỷ niệm 72 năm ngày Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15.3.1953- 15.3.2025), chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2025) là sự kiện vinh danh hơn 100 nghệ sĩ, nhà làm phim, ghi nhận công lao đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng của nước nhà.

Họ là những tên tuổi lão thành từng làm phim, quay phim, chụp ảnh, phục vụ công tác chiếu bóng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ; cùng nhiều ủy viên Hội Điện ảnh Việt Nam đã có đóng góp cho sự nghiệp điện ảnh của đất nước.
Lễ kỷ niệm và vinh danh được Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức ngày 15.3.2025 tại Hà Nội. Dự sự kiện có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Đinh Thị Mai, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng đông đảo các nghệ sĩ, người làm điện ảnh các thế hệ.
Trong chương trình, các đại biểu đã dành phút mặc niệm các nhà điện ảnh hi sinh trong thời gian chiến tranh và hội viên của Hội đã mất trong thời gian qua.
Đến hẹn lại lên, dịp 15.3 hằng năm đã trở thành ngày hội gặp gỡ, ôn cố tri tân của các thế hệ nghệ sĩ làm điện ảnh nước nhà.
Ngày 15.3.1953 tại thôn Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, giữa lòng Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến gió ngàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh, chính thức thành lập Ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Trải qua chặng đường 72 năm phát triển, Điện ảnh Việt Nam sinh ra từ Cách mạng, phụng sự lý tưởng của Đảng và gắn bó mật thiết với Nhân dân đã không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp tích cực cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam và xác lập nên vị thế của một nền điện ảnh tiến bộ, nhân văn trên thế giới.
Hàng trăm nghệ sĩ điện ảnh đã hi sinh trong các cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do dân tộc, nêu gương sáng về hình ảnh của người nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng. Một số tập thể trong ngành đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng, nhiều tập thể và Hội Điện ảnh Việt Nam đón nhận các huân, huy chương cao quý.
Năm nay, điều đặc biệt trong dịp kỷ niệm là hoạt động vinh danh, tri ân hơn 100 nghệ sĩ, nhà làm phim, ghi nhận công lao đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng của nước nhà. Trong số các nghệ sĩ được vinh danh có nhiều tên tuổi nổi tiếng, sống trong lòng công chúng.
Với những nghệ sĩ lão thành, họ là những nhà làm phim, nhà quay phim, phóng viên chiến trường, các cán bộ phụ trách kỹ thuật… đã có công ghi lại những thước phim, hình ảnh lịch sử trên chiến trường B (B4 - Trị Thiên Huế, B2 - Nam Bộ, B3: Khu 5), chiến trường C (Lào) và K (Campuchia).

Nhiều nghệ sĩ gạo cội, nổi tiếng với công chúng được vinh danh như NSND Đặng Nhật Minh, NSND Trần Văn Thủy, NSND Trần Thế Dân, nhà quay phim- NSƯT Phùng Đệ, nhà quay phim-nhiếp ảnh gia chiến trường- NSND Nguyễn Hữu Tuấn, kỹ sư Tạ Triệu Thôi, nhà quản lý Trần Hữu Thanh…
Nhiều nghệ sĩ đã có những tác phẩm để đời về cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập của quân và dân Việt Nam. Với tinh thần dũng cảm, hi sinh quên mình, nhiều nghệ sĩ điện ảnh đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên các chiến trường ác liệt.
Những hình ảnh, những thước phim mà các nghệ sĩ nhiều khi phải đổi cả sinh mạng để ghi lại giờ đây trở thành di sản hình ảnh vô giá về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta vì độc lập tự do dân tộc.
Sự kiện cũng trình chiếu bộ phim tài liệu “Quay phim chiến trường” của đạo diễn, NSƯT Vương Khánh Luông (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương), cho thấy nhiều người quay phim, người làm phim, người làm công tác điện ảnh khác không nhiều người biết đến, đã âm thầm, lặng lẽ đóng góp công sức ghi hình lại cuộc chiến và cuộc sống của họ sau này.

Đạo diễn Vương Khánh Luông nhận định, di sản điện ảnh thế giới đã có rất nhiều, nhưng trên thế giới không có nhiều cuộc chiến tàn khốc như Việt Nam. Di sản mà những nghệ sĩ này để lại là những thước phim vô giá, rất đa dạng, để thế hệ sau biết cha ông đã sống và chiến đấu như thế nào.
Chúc mừng các thế hệ nghệ sĩ, người làm điện ảnh Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ý nghĩa này, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Đinh Thị Mai nhấn mạnh, những thước phim kỷ niệm được trình chiếu một lần nữa khẳng định vai trò, công lao đóng góp to lớn của các nghệ sĩ điện ảnh, của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


“Mong rằng các nghệ sĩ điện ảnh các thế hệ tiếp tục cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền điện ảnh Việt Nam đương đại, với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, mang thông điệp cổ vũ, động viên cán bộ, Đảng viên và Nhân dân tiếp tục phát huy những thành tựu thắng lợi vẻ vang sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…”, bà Đinh Thị Mai bày tỏ.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú trân trọng nói lời tri ân đầy tự hào với những chiến sĩ, phóng viên chiến trường, những văn công, những người làm công tác điện ảnh chiếu bóng đã đi theo dọc dài đất nước để góp sức vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho nhân dân, Tổ quốc.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng cho rằng, trong suốt 72 năm qua, Điện ảnh Việt Nam đã có những thành tích đáng ghi nhận ở nhiều mặt, được Đảng và Nhà nước quan tâm, xứng đáng là lĩnh vực mũi nhọn trong bức tranh phát triển của nền văn hóa nước nhà.
Nhân dịp này, Hội Điện ảnh Việt Nam cũng trao Kỷ niệm chương cho các Ủy viên Ban Chấp hành từ nhiệm kỳ I (năm 1970) đến nay và một số cán bộ đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hội Điện ảnh Việt Nam.