Mỹ thuật chiến tranh cách mạng:
Dòng chảy không thể mai một
VHO - Đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang cách mạng từ lâu đã trở thành mạch nguồn cảm hứng bất tận đối với các họa sĩ Việt Nam.
Sáng tác về chiến tranh không chỉ là một lựa chọn nghệ thuật, mà còn là cách để thế hệ hôm nay bày tỏ lòng tri ân với thế hệ cha anh - những người đã ngã xuống vì Tổ quốc...
Hòa cùng không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Triển lãm mỹ thuật đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).
Sự kiện giới thiệu 50 tác phẩm hội họa, điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao, như một lời nhắc nhở trang trọng về quá khứ hào hùng và tinh thần dân tộc bất diệt.

Không bao giờ cạn cảm xúc
Triển lãm mang đến cho công chúng một không gian nghệ thuật đầy rung động. Thông qua những tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, ký họa… các nghệ sĩ đã sử dụng ngôn ngữ tạo hình điêu luyện để tái hiện những trang sử vẻ vang của dân tộc - một thời máu lửa và bất khuất.
Mỗi bức tranh, mỗi tác phẩm như một lát cắt ký ức, mở ra hành trình ngược về những năm tháng hào hùng mà quân và dân ta đã viết nên trong cuộc kháng chiến giành độc lập.
Không chỉ dừng lại ở việc ngợi ca quá khứ, triển lãm còn khơi dậy suy ngẫm về giá trị của hòa bình, về sức mạnh tinh thần dân tộc trong hành trình dựng nước - giữ nước.
Từ đó, tiếp thêm nội lực, ý chí và niềm tin vào một tương lai phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc và thịnh vượng.
Đáng chú ý, triển lãm quy tụ đa dạng hình thức sáng tác, từ tranh sơn dầu, sơn mài, đến tượng đúc đồng, điêu khắc gỗ..., cho thấy sức sáng tạo dồi dào và nguồn cảm hứng không vơi cạn của các nghệ sĩ.
Dù chất liệu có khác nhau, nhưng điểm chung chính là tình yêu tha thiết với Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc được gửi gắm qua từng nét vẽ, đường tạc.
Một trong những tác phẩm gây xúc động mạnh là Khúc ca bi tráng - bức tranh sơn dầu tái hiện hình ảnh những người lính đã ở lại lòng đất mẹ trong Chiến dịch Mậu Thân 1968.
Tác giả Bùi Anh Hùng chia sẻ: “Tôi là con của một người lính đã hy sinh trong chiến dịch này. Cảm xúc đó chính là lý do khiến tôi cầm cọ để kể lại câu chuyện của cha mình và của hàng vạn người lính đã nằm lại trên chiến trường”.
Với anh, đề tài chiến tranh là câu chuyện của cả dân tộc, là những mất mát hiện diện trên ban thờ của hàng triệu gia đình Việt Nam. Dù không trực tiếp đi qua cuộc chiến, nhưng từ lời kể của các bậc cha chú, qua phim tư liệu, qua từng dòng nhật ký… họa sĩ Bùi Anh Hùng đã “sống cùng ký ức” và truyền tải điều đó lên toan vẽ bằng cảm xúc chân thành và góc nhìn nhân văn.
Mỗi thời khắc trọng đại của dân tộc như năm 1954, 1968, 1972, 1975… đều được anh thể hiện bằng những hình ảnh sâu sắc và gợi cảm. Không chỉ là sự phản ánh trực diện của cuộc chiến, anh còn mang đến cách tiếp cận nhẹ nhàng, bao dung hơn - của thế hệ hôm nay nhìn về quá khứ với lòng biết ơn và khát vọng hàn gắn.
“Tôi từng vẽ về thời khắc tiếp quản Thủ đô năm 1954 bằng hình ảnh người đánh đàn piano và những bàn tay đang vỗ - để nói lên rằng, bên cạnh công lao của người lính, còn có những hy sinh thầm lặng của người dân, trí thức, tiểu thương… Họ cũng chính là những người đã góp phần làm nên chiến thắng”, anh chia sẻ.

Khơi dậy xúc cảm thẩm mỹ trong thế hệ họa sĩ trẻ
Gần 20 năm giữ vai trò Trưởng Ban vận động sáng tác Mỹ thuật toàn quốc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của Tổng cục Chính trị, họa sĩ Trịnh Bá Quát là người gắn bó máu thịt với mạch nguồn sáng tạo giàu giá trị này.
Với ông, mỗi tác phẩm mỹ thuật về chiến tranh không chỉ là một sáng tác nghệ thuật, mà còn là một phần ký ức, một lát cắt lịch sử thấm đẫm tinh thần yêu nước.
Tuy nhiên, ông cũng không giấu được trăn trở khi nhìn vào thực tế hiện nay. Qua các kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc, ông nhận thấy tỷ lệ tác phẩm mang đề tài chiến tranh cách mạng ngày càng khiêm tốn.
Có năm chỉ chiếm khoảng 6-10%, thậm chí năm 2024, con số này chỉ còn 2%. Đây là một hồi chuông cảnh báo cho sự mai một dần của dòng chảy vốn từng là “xương sống” của mỹ thuật cách mạng Việt Nam.
Theo họa sĩ Trịnh Bá Quát, để giữ lửa cho mảng đề tài này, Bộ VHTTDL cùng Tổng cục Chính trị cần thường xuyên phối hợp tổ chức các trại sáng tác dành cho cả họa sĩ trong và ngoài quân đội.
Thông qua việc đi thực tế và tham gia trại, các tác giả có thêm chất liệu, cảm hứng và điều kiện để sáng tác những tác phẩm có giá trị phục vụ triển lãm, giáo dục truyền thống và lưu trữ văn hóa.
“Thế hệ họa sĩ thời kháng chiến chống Pháp gần như không còn. Thế hệ từng đi qua chiến trường chống Mỹ - những người vừa cầm súng, vừa cầm cọ - giờ cũng đã ở tuổi xưa nay hiếm. Trong khi đó, lớp họa sĩ trẻ chưa từng trải qua chiến tranh, nhưng họ vẫn có thể đồng cảm, tìm hiểu và thể hiện bằng góc nhìn của thế hệ hôm nay. Họ vẽ không phải bằng trải nghiệm trực tiếp, mà bằng trách nhiệm công dân và tình yêu Tổ quốc”, ông nhận định.
Điều đáng mừng là tại triển lãm mỹ thuật đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước, nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ đã thể hiện chiều sâu nhận thức và cảm xúc mãnh liệt về đề tài chiến tranh.
Họ không sao chép tư liệu cũ, mà tái hiện lịch sử theo cách hiện đại, sáng tạo, gợi mở những góc nhìn mới mẻ, nhân văn hơn về những năm tháng đau thương mà hào hùng.
Tuy nhiên, họa sĩ Trịnh Bá Quát cũng thẳng thắn cho rằng, dù Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư cho đề tài này, nhưng cơ chế hỗ trợ còn thiếu chiều sâu.
Nhiều họa sĩ trẻ ngần ngại theo đuổi vì “đầu ra”, tác phẩm khó tiêu thụ, phần lớn chỉ được sưu tầm mang tính lưu trữ. Nếu không có những chính sách khuyến khích thực chất hơn, nguy cơ đứt mạch sáng tạo là hoàn toàn có thật.
“Muốn có những tác phẩm lớn, mang tầm vóc dân tộc, lan tỏa được giá trị lịch sử và tinh thần yêu nước đến thế hệ hôm nay, thì phải đầu tư bài bản, có chiều sâu. Nhà nước cần chọn lọc, đầu tư theo từng giai đoạn - từ phác thảo kỹ thuật, phác thảo thể hiện, đến sản xuất hoàn chỉnh. Làm như vậy, may ra chúng ta mới có được những tác phẩm đỉnh cao, mang tính biểu tượng như bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ”, ông nhấn mạnh.