Nhà nước sẽ tiếp sức cho sân khấu đề tài sử Việt

THÙY TRANG

VHO - Đó là chia sẻ của NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển sân khấu cải lương tuồng cổ trên địa bàn TP.HCM”, do Sở VHTT và Hội Sân khấu TP tổ chức, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang mới đây.

Nhà nước sẽ tiếp sức cho sân khấu đề tài sử Việt - ảnh 1
Trích đoạn vở Cải lương tuồng cổ “Câu thơ yên ngựa” với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ Xuân Trúc, Tú Sương, Lê Thanh Thảo

Trong một thời gian dài, Cải lương tuồng cổ bị phản ánh là quá nhiều vở diễn từ tích truyện nước ngoài, tác phẩm khai thác đề tài lịch sử nước nhà chưa thật sự đẩy mạnh, chưa tạo được những dấu son đậm nét để góp phần khẳng định một giai đoạn ổn định và rực sáng của sân khấu Cải lương lịch sử Việt.

Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, những người làm công tác sân khấu đã bày tỏ trăn trở, tâm huyết về khó khăn bất cập liên quan đến kịch bản, âm nhạc, phục trang… cho Cải lương tuồng cổ.

Bên cạnh đó, chuyên môn ca diễn của nghệ sĩ, câu chuyện cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước để góp phần tạo nên diện mạo ngày càng sáng đẹp hơn cho sân khấu cải lương TP.HCM, cũng được thảo luận.

Nhà nước sẽ tiếp sức cho sân khấu đề tài sử Việt - ảnh 2
NSND Trần Minh Ngọc và các nhà giáo, nghệ sĩ, diễn viên tại tọa đàm

Báo động tình trạng thiếu nhạc công, họa sĩ,…

NSƯT, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM tâm tư, ở TP.HCM, số nhạc sĩ có thể làm nhạc cho cải lương, đặc biệt là cải lương tuồng lịch sử, tuồng cổ là không quá một bàn tay. Tương tự vậy, số họa sĩ, người làm phục trang, tác giả chuyên cho cải lương tuồng cổ, cũng quá ít ỏi. “Có một điều tôi cần báo động, hiện nay một số tác giả trẻ, bắt đầu có quan niệm thay đổi lịch sử, tự “hư cấu” nhân vật lịch sử đó theo cách của mình và thậm chí bóp méo đi. Chúng tôi có cuộc khảo sát khi đi đến các trường cấp 2, cấp 3, nhiều học sinh không biết về những nhân vật lịch sử quan trọng, và gần như các bạn xa lạ với cải lương. Đây là thực trạng cần lên tiếng”, NSƯT Lê Nguyên Đạt lo lắng.

Nhà nước sẽ tiếp sức cho sân khấu đề tài sử Việt - ảnh 3
Trích đoạn vở Cải lương tuồng cổ “Gió lộng cờ lau” qua sự thể hiện của các diễn viên nhí, thế hệ đang được đào tạo bài bản để kế thừa sân khấu dân tộc

NSND Hồ Văn Thành, chuyên viết âm nhạc cho các vở sân khấu, cũng cảnh báo có một hiện tượng là một số nhạc công “lẫn lộn” giữa âm nhạc cải lương và âm nhạc ở những đình chùa do các nhạc công này thường đi đánh nhạc ở đây. Bên cạnh đó, còn có sự lẫn lộn giữa âm nhạc Việt Nam và âm nhạc Đài Loan, Trung Quốc...

“Đáng ngại hơn, nhiều bạn không biết nốt nhạc nên những sáng tác mới đưa đến cho các bạn rất khó. Sân khấu miền Nam thiếu người ngồi trong dàn nhạc và gắn bó lâu dài, nên rất khó duy trì và phát triển được. Vì thế rất mong cơ quan chức năng quan tâm đào tạo nhạc công cho cải lương, đặc biệt là Cải lương tuồng cổ”, NSND Hồ Văn Thành bày tỏ.

Để tạo điều kiện cho Cải lương tuồng cổ phát triển, họa sĩ Lê Văn Định mong muốn có một liên hoan sân khấu chuyên nghiệp dành riêng chủ đề lịch sử Việt Nam.

Cải lương truyền thống cần được nâng cao, đổi mới

NSND Trần Minh Ngọc cho rằng, với thực trạng sân khấu hôm nay, sân khấu cải lương truyền thống cần được nâng cao, đổi mới cả về nội dung và hình thức.

“Với nhạc Hồ Quảng, ta không loại mà “gạn đục khơi trong”, chọn tinh hoa, loại bỏ những gì xa lạ với con người Việt Nam, những gì ảnh hưởng hoặc xâm phạm tới thị hiếu thẩm mỹ, truyền thống dân tộc, chuyển hóa những yếu tố tốt đẹp phù hợp với tư duy nghệ thuật của ta.

Tất nhiên công việc “khơi trong” không dễ dàng. Nên chăng cần có thời gian thử nghiệm để việc sửa đổi thành công - để sân khấu có thêm cái xem, chứng minh cho đặc trưng dễ dung nạp của sân khấu cải lương”, NSND Trần Minh Ngọc nêu ý kiến.

Nhà nước sẽ tiếp sức cho sân khấu đề tài sử Việt - ảnh 4
TS Mai Mỹ Duyên

TS Mai Mỹ Duyên đề xuất cần có tập huấn về văn học Sử Việt cho người sáng tác.

Theo bà, trong lớp tập huấn đó thì đối tượng đi học còn được tiếp thu hệ thống bài bản của Hát bội, Cải lương, Đờn ca tài tử, từ đó biết được sự phong phú của các bài bản âm nhạc để khai thác trong các vở Cải lương tuồng cổ.

TS Mai Mỹ Duyên cũng cho rằng, cần có chuyên gia nghiên cứu về trang phục cổ, để tư vấn, gợi cho các họa sĩ thiết kế mỹ thuật làm trang phục vừa đẹp, vừa giữ được hồn cốt dân tộc.

Theo NSƯT Lê Nguyên Đạt, việc đào tạo diễn viên cải lương, đặc biệt trong vai diễn tuồng lịch sử, không chỉ mang tính chất nhiệm vụ của ngành giáo dục nghệ thuật mà còn là trách nhiệm trọng yếu trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc.

Một đội ngũ diễn viên được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp sẽ là nền tảng vững chắc để nghệ thuật cải lương tiếp tục sống động và thích ứng với những thay đổi của xã hội hiện đại.

Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, thời gian qua Sở VHTT đã phối hợp với Sở GD&ĐT, đã có kế hoạch liên tịch, và thực tế một số sân khấu cũng đã phối hợp thực hiện, tuy nhiên vẫn chưa đủ.

Nhà nước sẽ tiếp sức cho sân khấu đề tài sử Việt - ảnh 5

Bà Thúy cho biết TP.HCM chuẩn bị khai mạc Liên hoan Sân khấu TP.HCM lần thứ nhất vào tháng 11.2024. Trong liên hoan này sẽ có bảng chấm thi dành riêng cho đề tài Sử Việt.

Thời gian qua Sở VHTT phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, quảng bá các tác phẩm nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó quảng bá những tác phẩm chất lượng cao. Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP để tiếp tục tổ chức và đầu tư cho đề tài Sử Việt trong thời gian tới.

“Nhà nước sẽ ‘hà hơi’ tiếp sức bằng việc giới thiệu những tác phẩm được dàn dưng tốt về đề tài Sử Việt, mang đến cho HSSV, người dân TP nhiều suất diễn để tạo động lực, khuyến khích sự sáng tạo của các sân khấu công lập và ngoài công lập.

Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục ký kết liên tịch với Sở GD&ĐT trong việc mở rộng nội dung, chương trình sân khấu học đường”, NSND Thanh Thúy khẳng định.