“Nốt trầm” cải lương sử Việt
VHO- Nhìn vào các cuộc thi như Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc, Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang… hay trong kịch mục của nhiều đoàn nghệ thuật hiện nay, có thể thấy đề tài lịch sử luôn xuyên suốt. Tuy nhiên, con đường “cải lương lịch sử” lại không hề dễ đi, khi các sàn diễn tại TP.HCM thời gian qua có quá nhiều vở mang tuồng tích “ngoại”.
Nghệ sĩ Lê Trung Thảo viết kịch bản, dàn dựng và tự diễn vai Lê Quýnh (một trung thần nhà Lê) trong tiết mục “Lưu vong” tại cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang
Khát kịch bản sử Việt
Mới đây nhất, hai vở cải lương Sóng gió Đại Minh triều và Mão Đoan Tinh giáng thế cùng diễn ra vào tối 8.7; tiếp đến, ngày 15.7, ba vở Bao Công tra án Quách Hòe, Mộc Quế Anh dâng cây, Má hồng Phi nữ cùng lúc sáng đèn; còn vở Hoàn Châu cách cách diễn ra vào tối 22.7. Đáng nói, đây đều là những vở có tuồng tích Trung Hoa. Phải chăng, tuồng sử Việt khó đạt doanh thu cao hay đã cạn kiệt ý tưởng kịch bản, nên các sân khấu phải khai thác với những vở diễn cũ và mang tuồng tích ngoại?
Những trang sử vàng, những hình tượng anh hùng, những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước đã được trở lại sống động và đầy quyến rũ qua những sáng tạo trên sàn diễn Việt; nhiều bài học về công lao dựng nước, giữ nước, nhân sinh quan và phẩm chất tốt đẹp của những nhân vật lịch sử đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Qua bao năm, các vở diễn như: Tiếng trống Mê Linh, Nhụy Kiều tướng quân, Thái hậu Dương Vân Nga, Câu thơ yên ngựa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Má hồng soi kiếm bạc… đã để lại những xúc cảm đầy tự hào trong lòng người mộ điệu. Thế nhưng, những năm qua, sân khấu của chúng ta lại hiếm hoi các vở diễn mang đề tài lịch sử đất nước. Đáng nói hơn, trong khi kịch bản cải lương lịch sử mới khan hiếm thì các kịch bản kinh điển lại quá sức với một số sân khấu. Bởi không phải đơn vị nào cũng có thể đủ nội lực để có thể đầu tư dàn dựng hay tái dựng với phiên bản mới và vượt qua được “cái bóng” cũ quá lớn.
Theo giới chuyên môn, đề tài lịch sử, chính sử hay dã sử đều có cách khai thác chất liệu, kịch tính, số phận nhân vật, những nút thắt mở để hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Vì thế, lý do cải lương sử Việt ngày càng khan hiếm, đầu tiên là do thiếu kịch bản hay và thứ hai là thiếu kinh phí đầu tư. Rõ ràng, làm cải lương lịch sử phải đảm bảo tôn trọng các yếu tố chủ chốt trong cốt truyện, đồng thời bối cảnh, trang phục cũng phải có những nghiên cứu nhất định. Nhưng chỉ đảm bảo tái hiện một giai đoạn, một câu chuyện lịch sử thôi là chưa đủ để thuyết phục công chúng, cải lương sử Việt còn phải “thổi” vào đó hơi thở mới, phải lồng ghép những câu chuyện phù hợp với các vấn đề nóng hổi đương thời thì mới thu hút được người xem. Theo soạn giả Hoàng Song Việt, “am hiểu phong tục dân tộc, chí ít là phong tục của giai đoạn lịch sử mà vở diễn thể hiện là yêu cầu hàng đầu của nghệ sĩ và soạn giả, có như vậy mới đem lại dung dáng đích thực của không khí thời đại”. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là các cây viết trẻ chưa đủ kiến thức để tiếp nối con đường sáng tác kịch bản cải lương tuồng cổ, điều này đã tạo nên lỗ hổng lớn về lực lượng sáng tác hiện nay. Cùng với đó, kinh phí đầu tư của cải lương lịch sử rất cao, cao hơn nhiều so với cải lương tâm lý xã hội thông thường và đây cũng là “bài toán” khiến nhiều sân khấu phải “đau đầu”.
Không những thế, câu chuyện quảng bá tác phẩm cũng chưa được các sân khấu thật sự chú trọng, đặc biệt là nhà hát, đơn vị công lập. Rõ ràng, để vở diễn thu hút còn cần sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên tài năng, những tên tuổi “vàng” được khán giả mến mộ. Về phía công chúng, họ luôn chờ đợi sân khấu có phong cách kể chuyện mới lạ, sáng tạo, độc đáo, thế nhưng giới làm nghề của chúng ta dường như vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng ấy. Đây chính là những nguyên nhân góp phần gây nên sự mai một của sân khấu cải lương lịch sử.
… nhưng không nản lòng
Ít nhưng không phải không có, một số sân khấu cải lương đã nỗ lực tái dựng và dàn dựng mới các vở diễn lịch sử được công chúng yêu mến như: Thái hậu Dương Vân Nga, Thanh gươm nữ tướng, Rạng ngọc Côn Sơn, Trung thần, Thủy chiến Bạch Đằng Giang, Trung thần… Thậm chí, sân khấu cải lương xã hội hóa của NSƯT Vũ Luân dàn dựng vở Quang Trung hoàng đế với kinh phí lớn và sẵn sàng “chịu lỗ” để đưa hình ảnh “Người anh hùng áo vải” oai hùng lên sân khấu. Hay ở mùa diễn Tết, trong khi nhiều đoàn chọn tuồng tích Tàu để đảm bảo an toàn, thì duy nhất sân khấu Sen Việt và đoàn tuồng cổ Minh Tơ dám ra mắt vở sử Việt là Tô Hiến Thành xử án.
Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, con đường cải lương lịch sử chắc chắn không dễ đi, nhưng anh đã và sẽ nỗ lực để có thêm nhiều vở hay cho công chúng thưởng thức trong thời gian tới. Hy vọng trong tương lai gần, làng sân khấu sẽ cho ra mắt nhiều vở cải lương sử Việt chất lượng và tạo được dấu ấn mạnh mẽ. Hiện anh đang làm việc với một số đoàn nghệ thuật để hướng đến phát triển mảng này.
Bên cạnh những hạn chế mang tính chuyên môn, để cải lương sử Việt được đầu tư dàn dựng hấp dẫn, quy mô và sáng đèn thường xuyên, theo nhiều nghệ sĩ và khán giả mộ điệu, cần những chính sách đặc biệt từ nhà nước dành cho các đơn vị có đủ khả năng dàn dựng tác phẩm. Tiếp đến là công tác quảng bá và lan tỏa các tác phẩm kinh điển đến với giới trẻ, sinh viên, học sinh, người lao động, công nhân viên chức… Qua đó, không chỉ nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị nội dung, tinh thần và tính nghệ thuật của các vở diễn, mà còn góp phần khơi gợi, lan tỏa tinh thần yêu nước, tri ân các anh hùng lịch sử dân tộc tới đông đảo công chúng.
Bước chân vào địa hạt cải lương, nhất là cải lương lịch sử khó nhằn, thì từ người đầu tư, tác giả kịch bản cho đến đạo diễn, nghệ sĩ đều phải nỗ lực hết mình và vượt lên chính mình. Khán giả không hề quay lưng với cải lương lịch sử, chỉ là họ chưa tìm được tác phẩm hấp dẫn, hợp với tư tưởng và thẩm mỹ đương đại mà thôi.
BÁ TRƯỜNG