Màu sắc mới cho vở diễn đề tài sử Việt
VHO - Thời gian qua, hàng loạt vở diễn sân khấu đề tài sử Việt đã ra mắt công chúng và đón nhận những tín hiệu tích cực.
Trong giai đoạn trầm lắng như hiện nay, nỗ lực của giới nghề là rất đáng ghi nhận. Bằng tình yêu và niềm say mê nghệ thuật, mong muốn được đóng góp, cống hiến những vở diễn chất lượng cao, các nhà hát công lập và đặc biệt là sân khấu xã hội hóa đã rất cố gắng trong tìm kiếm đề tài, đầu tư dàn dựng vở.
Xây dựng thương hiệu cho sân khấu sử Việt
Mới đây, Sân khấu Chí Linh - Vân Hà đã ra mắt vở Cải lương Sấm vang dòng Như Nguyệt. Đây là lần đầu một sân khấu xã hội hóa chuyên về tuồng cổ, thế mạnh là Hồ Quảng (tuồng Tàu), thử sức ở đề tài lịch sử Việt Nam.
Kịch tính, bất ngờ và tươi mới là những cảm nhận của khán giả khi thưởng thức Sấm vang dòng Như Nguyệt (tác giả Yến Ngân, đạo diễn NSƯT Chí Linh). Vở diễn kể về giai đoạn cuối trong cuộc chiến tranh Tống - Việt (1075-1077) khi quân ta dưới sự chỉ huy của Thái úy Lý Thường Kiệt lui về lập phòng tuyến trên sông Cầu… Tuy nhiên, nhân vật chính của câu chuyện lại không phải là Lý Thường Kiệt, vốn đã rất quen thuộc với mỗi người Việt Nam, mà là những danh tướng góp công lớn cho trận đánh như hai hoàng tử Chiêu Văn và Hoằng Chân. Bên cạnh đó, vở diễn cũng thể hiện đầy đủ sức hấp dẫn của nghệ thuật Cải lương tuồng cổ, nhất là phần âm nhạc đậm đà bản sắc cùng vũ đạo sân khấu kết hợp võ thuật đẹp mắt. Góp phần thành công cho Sấm vang dòng Như Nguyệt phải kể đến dàn nghệ sĩ có “thương hiệu” như NSƯT Chí Linh, NSƯT Vân Hà, NSƯT Tú Sương, NSƯT Võ Minh Lâm, NS Hoàng Hải, Thúy My, Lâm Minh Nghiêm, Chí Bảo…
Cải lương không phải là thể loại sân khấu dễ bán được vé, đặc biệt là đề tài lịch sử. Thế nhưng sân khấu Chí Linh - Vân Hà đã rất nỗ lực trong đầu tư dàn dựng, chăm chút kỹ lưỡng để vở diễn truyền tải được đến khán giả tinh thần yêu nước, nhớ ơn cội nguồn, mãi ghi khắc công ơn của các vị anh hùng, tướng sĩ… Thưởng thức Sấm vang dòng Như Nguyệt, dường như khán giả đang mong đợi những vở diễn tiếp theo cũng về đề tài này.
Thành công từ Liên hoan Sân khấu về đề tài thiếu niên, nhi đồng năm 2024 tại Hải Phòng với HCB cho vở diễn và nhiều HCV, HCB dành cho cá nhân, vở nhạc kịch Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Sân khấu Sen Việt liên tục có những suất diễn phục vụ nhiều đối tượng khán giả. Đây cũng là thành công ngoài mong đợi của Sen Việt khi mang một màu sắc hoàn toàn mới đến với sân khấu hè năm nay.
Lá cờ thêu sáu chữ vàng (tác giả Nguyên Phương, đạo diễn Lê Nguyên Đạt) lấy bối cảnh nước ta bị quân Nguyên Mông lăm le xâm lấn. Trước thế nước nguy nan, vua Trần Nhân Tông đã mở hội nghị để lấy ý kiến quần thần, bô lão về việc nên đánh hay hòa. Thiếu niên Trần Quốc Toản tuy tuổi nhỏ nhưng lanh lợi, dũng cảm đã cố gắng xin vua được tòng quân cứu nước. Tác phẩm khắc họa hình ảnh chàng trai trẻ với bầu máu nóng, không chịu ngồi yên khi Tổ quốc bị xâm chiếm. Đáng chú ý, vở được thể hiện theo hình thức nhạc kịch dân ca Nam Bộ với chất liệu là 50 bài lý, được NSƯT Võ Thanh Liêm hòa âm phối khí rất độc. Đây không chỉ là tác phẩm sân khấu mang thông điệp nhắn nhủ, giáo dục lòng yêu nước, mà còn giới thiệu đến thế hệ tương lai những làn điệu dân tộc, quê hương. Lá cờ thêu sáu chữ vàng đang được Sân khấu Sen Việt công diễn trong dịp hè.
Thành công từ nỗ lực bền bỉ
Vở kịch Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử (Nhà hát Idecaf) công diễn sau Tết vừa qua cũng là một điểm sáng về đề tài lịch sử. Tác phẩm bám sát chính sử, dù có hư cấu nhưng cũng không đi quá xa, tạo được thiện cảm nơi người xem. Trước đó, Idecaf từng nổi tiếng với các vở kịch sử như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê…
Cùng với đó, các vở Người ven đô (Sân khấu Đại Việt), Khúc tráng ca thành Gia Định (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và xa hơn là Thành Thăng Long thuở ấy, Yêu là thoát tội (Nhà hát Thế giới Trẻ, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM) đã diễn suốt nhiều năm cho hàng trăm ngàn lượt HSSV. Nói thêm về Người ven đô, năm 1976, vở diễn của tác giả Minh Khoa xuất hiện trên sân khấu với những nghệ sĩ nổi danh như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được… đã làm rung động biết bao trái tim mộ điệu. Nay Sân khấu Đại Việt của ông bầu Hoàng Song Việt dựng lại cũng đã gây hiệu ứng rất tốt, góp phần tạo “thương hiệu” cho sân khấu đề tài lịch sử ở thời điểm hiện tại.
Với sự đón nhận của khán giả dành cho các vở diễn gần đây cũng như nhìn lại những vở Cải lương sử Việt rất thành công trước đó, có thể nói rằng, đề tài này vẫn có sức hút đối với khán giả nếu như được đầu tư chỉn chu, nghiêm túc và sáng tạo. Có lẽ chính vì vậy, trong năm 2024, chuỗi Cải lương đề tài lịch sử sẽ được tiếp tục đầu tư như Đêm trước ngày Hoàng đạo (Sân khấu Đại Việt trong tháng 7); Truyền tích Điểu tiên (Sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang, tháng 10)… Đại diện Nhà hát Idecaf thông tin sẽ khởi động một số dự án để đưa vào chương trình Sân khấu Sử Việt học đường.
Trong nỗ lực đưa hát Bội đến gần với công chúng, dịp hè 2024, Nhà hát Nghệ thuật hát Bội TP.HCM phối hợp với nhóm Hiếu Văn Ngư (Cultura Fish) thực hiện chuỗi chương trình tìm hiểu về nghệ thuật hát Bội dành cho khán giả yêu mến diễn xướng truyền thống. Chuỗi chương trình sẽ diễn ra từ ngày 14.6 - 10.8 với các talkshow và workshop như lời mời chào khán giả tìm hiểu một cách bài bản qua nhiều hoạt động tương tác.
Có thể nói, các nghệ sĩ bằng tình yêu lịch sử và nghệ thuật dân tộc đã cố gắng chăm chút kỹ lưỡng để các vở diễn vốn được mặc định là đề tài khô khan, “khó nuốt” truyền tải đến khán giả với nhiều cung bậc cảm xúc. Thành công tuy chưa nhiều nhưng cũng đã tạo được tình cảm đặc biệt nơi người xem. Giới mộ điệu và người làm nghề kỳ vọng, những điển hình được khen ngợi sẽ tạo đà cho sân khấu sử Việt xây dựng cho mình chỗ đứng vững vàng trong lòng công chúng.