Nghệ thuật tuồng tạo sức hút với khán giả qua một vở đề tài dân gian

THUÝ HIỀN

VHO - Đêm diễn ra mắt vở tuồng “Thiếu phụ Nam Xương” của Nhà hát Tuồng Việt Nam tại Nhà hát Hồng Hà, Hà Nội chật kín các hàng ghế.

Nghệ thuật tuồng tạo sức hút với khán giả qua một vở đề tài dân gian - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng các đại biểu tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ trong đêm diễn ra mắt vở

Vở tuồng khai thác đề tài dân gian đã được cố tác giả, NSND Doãn Hoàng Giang viết từ cách đây hàng chục năm nhưng vẫn có sức hút kì lạ khiến khán giả ngồi xem và cổ vũ không dứt trong suốt hơn 2 tiếng đồng hồ. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Trần Ly Ly đã tới xem và cổ vũ các nghệ sĩ.

Những người làm sân khấu ở giai đoạn những năm 1980, 1990 hẳn khó có thể quên được sức hút của kịch bản Chiếc bóng oan khiên hay Thiếu phụ Nam xương đã làm mưa gió trên nhiều sân khấu cả nước. Đây là kịch bản do tác giả, NSND Doãn Hoàng Giang viết dựa theo truyện Người con gái Nam Xương trong tập truyện Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Hồi ấy, hàng chục đoàn chèo, tuồng, cải lương, dân ca kịch đã đua nhau dựng kịch bản này và đoàn nào cũng rất ăn khách. 

Câu chuyện kể về nhân vật Mai Hương là người phụ nữ thảo hiền, sống hết mình vì chồng vì con, luôn làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, người vợ. Nhưng nàng bị chồng nghi ngờ là không chung thủy, phản bội lời thề bởi con không nhận cha lúc chồng trở về nên nàng bỏ đi tự vẫn và được nhà sư cứu giúp đem về chùa dạy võ. Lúc đất nước gặp nạn can qua, nàng đóng giả nam nhi, lấy tên chồng là Trịnh Lang và xin gia nhập đội quân của Tổng trấn Lê Trung giúp vua đánh giặc cứu nước, trở thành một phó tướng tài ba lỗi lạc, mưu trí ngoan cường chiến thắng quân giặc. 

Nghệ thuật tuồng tạo sức hút với khán giả qua một vở đề tài dân gian - ảnh 2
Thiếu phụ Nam Xương là một vở diễn được dàn dựng công phu

Sau khi hết họa binh đao, dù trong thế sự đảo điên, tôi trung - gian nịnh lẫn lộn, có những kẻ đem lòng nhỏ nhen, ích kỷ đố kỵ với phó tướng Trịnh Lang. Nhưng được sự ủng hộ của bậc tôi trung như lão tướng Trần Dinh, Thiền sư Thiện Tâm, nàng đã được nhà vua trọng dụng làm Quan Tổng trấn. Chồng nàng, Trịnh Lang sau khi biết sự thật về vợ mình luôn kiên trinh, tiết lễ thờ chồng đã hối hận, cùng con phiêu bạt khắp nơi tìm vợ, tìm mẹ... Sau hơn 10 năm xa cách, gia đình họ lại được tái ngộ, đoàn viên trong niềm xúc động nghẹn ngào.

NSND Lê Tiến Thọ, đạo diễn vở Thiếu phụ Nam Xương cho biết: “Cách đây 30 năm, Đoàn Thanh niên Nhà hát Tuồng Việt Nam đã mời tôi dựng vở diễn này mang tên Chiếc bóng oan khiên và mời tác giả Khắc Duyên chuyển thể. Khi đó vở diễn không nằm trong chủ trương dàn dựng của Nhà hát, chỉ là công trình riêng của thanh niên nên phần trang trí, phục trang rất sơ sài. Không ngờ rằng vở diễn lại là vở ăn khách hạng nhất của Nhà hát với cả nghìn đêm diễn. Bởi vậy, khi Nhà hát chính thức phục dựng vở, tôi và ê kíp sáng tạo đã quyết tâm làm mới, dàn dựng vở diễn kỹ càng hơn, công phu hơn và mục đích là vở diễn sẽ phải hay, hấp dẫn được khán giả xem ngày hôm nay”.

Nghệ thuật tuồng tạo sức hút với khán giả qua một vở đề tài dân gian - ảnh 3
Các nghệ sĩ đã thể hiện rất tốt tâm lý nhân vật 

Thiếu phụ Nam Xương vẫn giữ nguyên ê kíp sáng tạo và có mời thêm hoạ sĩ, NSND Doãn Bằng tham gia trang trí, thiết kế sân khấu. Đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ cũng đã mạnh dạn chỉnh lý lại kịch bản, bỏ đi nhân vật công chúa, bỏ đi một số lớp đối thoại có tính gião đãi và thêm vào một số lớp có tính thời sự để phù hợp với đời sống hiện tại. 

Chia sẻ với Văn Hoá, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, PGS.TS Tạ Quang Đông nhận định: “Vở tuồng Thiếu phụ Nam Xương của Nhà hát Tuồng Việt Nam có cốt truyện hay, kết thúc có hậu, mang tính thời sự và gắn với thực tế. NSND Lê Tiến Thọ là một đạo diễn lão làng của sân khấu tuồng nên ông đã bám sát các trình thức biểu diễn của tuồng, khoe được những đặc trưng nổi bật như tính ước lệ, tính khoa trương, vũ đạo cũng như khai thác triệt để các làn điệu đặc sắc của tuồng vào các nhân vật. Vở diễn đã tạo điều kiện cho dàn nghệ sĩ trẻ tài năng của Nhà hát Tuồng Việt Nam trổ tài ca diễn, đặc biệt là lối diễn có chiều sâu cảm xúc, gần với khán giả”.

Nghệ thuật tuồng tạo sức hút với khán giả qua một vở đề tài dân gian - ảnh 4
Vở diễn mang tới cả những trò diễn thú vị, tạo tiếng cười

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, vở tuồng đề tài dân gian nhưng mang tính giáo dục cao khi đề cập tới thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ, mang theo âm hưởng hùng tráng về người phụ nữ tận trung báo quốc đồng thời đem lại bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc… 

Vở tuồng được tác giả phóng tác từ tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương trích trong Truyền kì mạn lục của danh sĩ Nguyễn Dữ, một tác phẩm văn học được giảng dạy trong chương trình THCS, chắc chắn với đối tượng giáo viên, học sinh nếu được tiếp xúc với tác phẩm này trên sân khấu tuồng sẽ có những trải nghiệm thú vị và mới lạ qua lăng kính của những người làm nghệ thuật.

Giới nghề khi xem vở diễn đều có chung nhận xét phiên bản Thiếu phụ Nam Xương lần này có nhiều đổi mới, chỉnh sửa từ kịch bản, dàn dựng, ê kíp sáng tạo. Có thể nói ngay rằng phiên bản lần này đã được nâng lên một tầm cao mới cả về nội dung và nghệ thuật. Đạo diễn, NSND Lê Tiến Thọ đã làm nên một vở diễn theo phong cách hiện đại trẻ trung nhưng vẫn đậm chất tuồng.

Nghệ thuật tuồng tạo sức hút với khán giả qua một vở đề tài dân gian - ảnh 5
Vở diễn khoe được những đặc trưng của sân khấu tuồng

Có thể nói sự đóng góp của dàn nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát Tuồng Việt Nam tham gia đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng tạo nên sức hấp dẫn cho vở tuồng. Dàn nghệ sĩ đều là những ngôi sao của sân khấu tuồng đang vô cùng sung sức như NSƯT Lộc Huyền, NSƯT Kiều Oanh, Mạnh Linh, Đình Thuận... đã cháy hết mình trên sân khấu, đã khiến đồng nghiệp có niềm tin về sự trường tồn của nghệ thuật tuồng. 

 NSƯT Lộc Huyền vai Mai Hương xứng danh cô đào hàng đầu của sân khấu tuồng hiện nay khi diễn tả tâm lý một nhân vật với diễn biến tâm lý phức tạp, lại có khi phải đóng giả một đấng nam nhi. NSƯT Kiều Oanh vào vai Thiền sư Thiện Tâm với khả năng ca, diễn, vũ đạo , nói lối xuất sắc. Với vai diễn này, Kiều Oanh đã chứng tỏ khả năng diễn xuất, khả năng hóa thân vào nhiều dạng vai của một nghệ sĩ tài năng. Mạnh Linh vai Trịnh Lang cũng đã chứng tỏ được thứ hạng một kép tuồng hàng đầu của sân khấu tuồng và thể hiện thành công một Trịnh Lang đầy bi kịch trái ngang...

 

Là một vở đề tài dân gian, được sáng tác cách đây hàng chục năm, vở tuồng Thiếu phụ Nam Xương sau hơn 30 năm được phục dựng, vẫn tạo được sức hút bởi những giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật. Những tràng vỗ tay liên tục từ đầu đến cuối vở diễn, sự hào hứng từ đồng nghiệp và đông đảo khán giả là tín hiệu vui cho nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam khi mang tới một vở tuồng hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của khán giả đương đại.