Người “truyền lửa” vẽ mặt nạ Hát bội

PHAN HIẾU

VHO - Vừa nghiên cứu vừa chế tác, vẽ mặt nạ chân dung hát Bội bằng cả niềm đam mê, nhiệt huyết và tình yêu dành cho loại hình nghệ thuật truyền thống, ông Trần Ngọc Vân hy vọng tác phẩm mỹ thuật này là sản phẩm du lịch độc đáo, món quà lưu niệm mang dấu ấn văn hóa truyền thống Bình Định đến với du khách trong và ngoài nước.

 Người “truyền lửa” vẽ mặt nạ Hát bội - ảnh 1
Ông Trần Ngọc Vân đam mê vẽ mặt nạ của những nhân vật hát bội

 Chúng tôi đến thăm Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm tại phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn (Bình Định), đúng dịp đơn vị đang tổ chức khai giảng lớp mỹ thuật mang tên “Đồng Tâm - Kết nối yêu thương” cho trẻ khuyết tật. Lớp học càng đặc biệt hơn vì có sự tham gia của ông Trần Ngọc Vân, Chủ nhiệm CLB Face Art Bình Định, người đam mê vẽ và nghiên cứu chế tác những chiếc mặt nạ chân dung hát Bội bằng nhựa composite.

Ông là người “truyền lửa” vẽ mặt nạ chân dung hát Bội cho các em khuyết tật tại Trung tâm này trong suốt thời gian qua, với mong muốn các em sẽ biết đến nghệ thuật truyền thống Bình Định, cũng như tạo ra những sản phẩm du lịch mới mang tính nghệ thuật phục vụ du khách khi đến Bình Định. Ông Vân chia sẻ, “tôi cùng Ban lãnh đạo Trung tâm mở lớp mỹ thuật này để giúp các em vừa học văn hóa, vừa làm quen với thao tác vẽ mặt nạ hát Bội, làm ra những sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch. Quan trọng hơn là thổi hồn yêu thích hội họa vào tâm hồn các em”. Cầm chiếc cọ chăm chú vẽ màu trên mặt nạ chân dung hát Bội, em Phạm Hoàng Hải (11 tuổi) đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm phấn khởi chia sẻ: “Con rất vui được tham gia lớp học này, vừa thỏa thích thể hiện khả năng hội họa, vừa khám phá nét đặc trưng của những chiếc mặt nạ chân dung hát Bội mà lâu nay con chỉ thấy trên truyền hình, biểu diễn sân khấu.

Chia sẻ về lớp học này, bà Nguyễn Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm cho biết: Tham gia lớp học có 25 trẻ, các em được hướng dẫn những kiến thức mỹ thuật cơ bản, thực hành vẽ trên vật liệu nón lá và chiếc mặt nạ làm bằng chất liệu composite. Các em được tiếp cận với những sản phẩm làng nghề truyền thống của Bình Định như nón lá Gò Găng, gốm Vân Sơn, tiếp cận với nghệ thuật truyền thống qua mặt nạ hát Bội; rèn luyện các kỹ năng, hướng nghiệp, đồng thời tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch và góp phần quảng bá văn hóa, nghệ thuật truyền thống Bình Định.

Kể về cái duyên với việc vẽ mặt nạ, ông Vân cho hay mặc dù không phải là nghệ sĩ hát tuồng hay một họa sĩ, nhưng từ nhỏ đã theo cha đi xem hát bội và rất thích thú với loại hình nghệ thuật này. Hơn nữa, trong 20 năm làm các công việc liên quan đến văn hóa - du lịch, ông nhiều lần dẫn khách đến thăm quan các khu trưng bày mặt nạ hát Bội và họ rất thích thú với những gam màu này. Từ đó, niềm đam mê đối với việc vẽ mặt nạ càng thôi thúc ông sớm thực hiện những bức vẽ của mình. Chia sẻ thêm về điều này, ông Vân cho biết điều thôi thúc nhất khiến ông thực hiện những bức vẽ tạo hình mặt nạ hát bội chính là để tri ân những người theo nghề hát Bội. Cũng theo ông Vân, trong quá trình vẽ mặt nạ, ông đã chọn nhiều chất liệu để tạo hình, nhưng cuối cùng ông chọn vẽ trên chất liệu nhựa composite vì có độ bền cao, màu sắc khó phai theo thời gian. Trong quá trình tạo hình trên chất liệu này, ông cũng bỏ thời gian nghiên cứu, cũng như tham vấn nhiều người để có được những chiếc mặt nạ ưng ý, đồng thời để những bức vẽ được thực tế và độc đáo hơn.