Tháng Bảy gọi tên “Cúc ơi”

Bài thơ linh thiêng giữa toạ độ lửa

NGÂN HÀ

VHO - Giữa toạ độ lửa Đồng Lộc năm 1968, bài thơ “Cúc ơi” vang lên như lời gọi hồn linh thiêng, dẫn lối tìm thấy thi thể cuối cùng trong 10 cô gái thanh niên xung phong. Tháng Bảy này, giữa đồi thông Bãi Dĩa, người người lại gọi tên những cô gái đã hoá bất tử.

Bài thơ gọi hồn và cuộc hội ngộ trọn vẹn của Tiểu đội 4

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bài thơ Cúc ơi của nhà thơ Yến Thanh vẫn day dứt người đọc như tiếng gọi vọng về từ chiến địa, đầy xúc cảm, linh thiêng và bất tử. Câu thơ, dòng chữ đã vượt khỏi biên giới văn học để trở thành chứng tích lịch sử, nhắc nhớ một thời bi hùng và thiêng liêng của dân tộc tại tuyến lửa Đồng Lộc.

Nhà thơ Yến Thanh (tên thật là Nguyễn Thanh Bính), giờ đã là một ông lão ngoài 80, tóc bạc phơ nhưng mắt vẫn sáng, giọng vẫn rưng rưng khi kể lại khoảnh khắc bi hùng nhất cuộc đời mình tại “tọa độ lửa” Đồng Lộc – nơi 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) đã mãi mãi nằm lại, gửi trọn tuổi xuân cho Tổ quốc.

Bài thơ linh thiêng giữa toạ độ lửa - ảnh 1
Lực lượng TNXP trên tuyến lửa Đồng Lộc những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Thời điểm đó, Ngã ba Đồng Lộc (thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, là “yết hầu” giao thông huyết mạch nối từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam qua tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh.

Đồng Lộc là tuyến vận chuyển người, vũ khí, lương thực, phương tiện… của quân ta từ hậu phương miền Bắc vào các chiến trường miền Trung – Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đế quốc Mỹ xác định, nếu phong tỏa được Đồng Lộc, có thể cắt đứt hoàn toàn mạch máu chi viện của ta cho miền Nam. Chính vì vậy, nơi đây trở thành điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ.

Từ tháng 3 đến tháng 10.1968, Mỹ đã thực hiện hơn 2.000 trận ném bom xuống khu vực Ngã ba Đồng Lộc. Trung bình mỗi ngày, mảnh đất này hứng 7-9 trận bom, cao điểm có ngày lên tới 15 trận. Mặt đất bị cày nát, khói bụi mù mịt, mọi tấc đất, mọi khúc cua đều nhuốm máu. Đội hình công binh, TNXP và dân công hỏa tuyến phải vừa đào hầm, vừa san lấp, vừa hứng pháo sáng và bom rải thảm.

Bài thơ linh thiêng giữa toạ độ lửa - ảnh 2
Di ảnh của 10 cô gái TNXP được treo tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh dữ liệu

Quyết không thể để tuyến đường chi viện cho miền Nam thân yêu bị chia cắt, bộ đội, TNXP và công nhân giao thông của quân ta đã chia thành từng tổ nhỏ, ngày đêm bám mặt đường, san lấp, sửa chữa, gài lại mìn cho xe qua ngay sau khi bom Mỹ vừa rơi. Ban đêm là thời điểm duy nhất xe ra mặt đường, nên mọi hoạt động san lấp, bảo đảm giao thông đều phải hoàn thành trước nửa đêm.

Ngày 24.7.1968, Đồng Lộc hứng trọn 15 trận bom của giặc Mỹ. 10 cô gái của Tiểu đội 4 - Đại đội 552 - Tổng đội 55 TNXP Hà Tĩnh nhận nhiệm vụ san lấp hố bom, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt cho xe chi viện vào chiến trường miền Nam. Đến 16h, một quả bom Mỹ dội xuống đúng hầm trú ẩn hình chữ A – nơi cả tiểu đội vừa chui xuống tránh bom. Hầm sập. Tất cả hi sinh.

Ngay sau trận ném bom, nhà thơ Yến Thanh, khi ấy là kỹ sư cầu đường đóng quân cách hiện trường một quả đồi, đã cùng đồng đội cuống cuồng chạy đến. Sau hơn hai giờ đào bới, 9 thi thể được tìm thấy. Riêng Hồ Thị Cúc – tiểu đội phó, cô gái hiền lành nhất đơn vị vẫn bặt tăm. Suốt đêm 24, rạng sáng 25.7, đồng đội chia nhau đào bới tìm Cúc trong tuyệt vọng. Ngày 25 trôi qua trong u uất và im lặng. Sáng 26.7, bàn thờ dã chiến lập ngay trên chiến địa, 10 cỗ quan tài tạm làm từ gỗ chiến trường nhưng vẫn còn trống một. Giữa không khí tang tóc, đau thương, nhà thơ Yến Thanh bỗng cảm thấy trái tim thúc giục điều gì đó.

Bài thơ linh thiêng giữa toạ độ lửa - ảnh 3
Bài thơ “Cúc ơi” được nhà thơ Yến Thanh viết bằng nước mắt, trái tim người lính

“Không ai bảo ai, tôi ngồi xuống và viết. Bài thơ như tự tuôn ra, không cần sửa câu nào. Đó là tiếng lòng, tiếng gọi của người sống gửi người đã khuất, là niềm xót thương của tôi và đồng đội dành cho Cúc”, nhà thơ Yến Thanh hồi tưởng lạiVà bài thơ Cúc ơi đã được hoàn thành trong hoàn cảnh như thế.

Những cô gái bất tử giữa chiến địa

“Tiểu đội đã xếp một hàng ngang

Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?

Chín bạn đã quây quần đủ mặt

Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân-Xanh

A trưởng Võ Thị Tần điểm danh

Chỉ thiếu mình em

(Chín bỏ làm mười răng được!)

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

Cúc ơi! Em ở đâu?”...

Đọc xong, ông đốt bài thơ trước bàn thờ. Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, tiếng đồng đội hô vang: “Cúc đây rồi!”. Thi thể Hồ Thị Cúc được tìm thấy trong một hố tròn, đầu đội nón sắt bẹp, vai ôm cuốc, hai bàn tay đã khô máu.

“Chúng tôi òa khóc. Không ai nói ra, nhưng ai cũng biết chính bài thơ ấy đã gọi em về”, nhà thơ Yến Thanh nghẹn ngào.

Bài thơ linh thiêng giữa toạ độ lửa - ảnh 4
Phần mộ của nữ liệt sĩ TNXP Hồ Thị Cúc tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Tiểu đội 4 thành lập năm 1967, từng có 17 người, sau nhiều đợt chuyển quân chỉ còn lại 10. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng chung một trái tim son sắt vì Tổ quốc.

Trần Thị Hường được biết đến với biệt danh là “sơn ca”, là người luôn hát giữa tiếng bom, thắp lửa tinh thần cho đơn vị. Nguyễn Thị Nhỏ, cô gái mồ côi từ nhỏ, lớn lên nương nhờ chị gái. Võ Thị Tần – A trưởng gan dạ, từng không ít lần cõng đồng đội chạy qua mưa bom bão đạn. Và Hồ Thị Cúc – cô gái sống lặng lẽ sau tai nạn bỏng thuở ấu thơ, được mọi người quý mến vì sự chịu thương, chịu khó.

Họ chỉ vừa tròn mười tám, đôi mươi. Tuổi thanh xuân chưa một lần khoác váy cưới, chưa từng nắm tay người yêu. Họ đã chọn đứng giữa bom đạn, lấy thân mình làm cột mốc giữ vững huyết mạch giao thông huyết yếu của cả miền Bắc chi viện miền Nam.

Bài thơ linh thiêng giữa toạ độ lửa - ảnh 5
Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc luôn ấm áp khói hương, tưởng nhớ công lao to lớn của 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP

Cúc ơi cùng bài thơ Ngã ba tên em sau đó được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày 29.9.1968. Giọng ngâm hòa cùng nền nhạc bi tráng khiến cả nước nín lặng. Tên tuổi của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc và bài thơ đã trở thành biểu tượng, vẻ đẹp bất tử, anh dũng của những nữ TNXP.

57 năm trôi qua nhưng Ngã ba Đồng Lộc chưa bao giờ nguội khói hương. Mỗi năm, hàng chục nghìn người từ khắp mọi miền Tổ quốc, hành hương về nơi này, nghiêng mình trước 10 ngôi mộ xếp thẳng hàng, nơi đồi Bãi Dĩa lộng gió, thông reo bốn mùa.

Bài thơ linh thiêng giữa toạ độ lửa - ảnh 6
Những ngày tháng Bảy, hàng nghìn người hành hương về Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, thành kính dâng lên mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP những đoá cúc trắng

“Bài thơ ấy, tôi không bao giờ chỉnh sửa. Vì nó không viết bằng bút, mà bằng máu trong tim”, nhà thơ Yến Thanh nói.

Ông khép lại cuộc trò chuyện với tôi trong ánh mắt xa xăm, như còn dõi theo những người đồng đội năm xưa trên con đường chưa bao giờ thôi khói lửa...