Âm nhạc thị trường khai thác chất liệu văn hoá truyền thống: Ghi nhận xen lẫn nỗi lo
VHO - Trước câu hỏi âm nhạc hiện nay có nên đi theo hướng khai thác các yếu tố đặc trưng của văn hóa dân tộc như một gợi ý, ý tưởng sáng tác không? Đã có hai luồng ý kiến đồng tình và không đồng tình.
Trong khuôn khổ lớp bồi dưỡng “VHNT Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Nguyên Phó Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh) đã truyền đạt chuyên đề “Thị trường hoá nghệ thuật âm nhạc và vấn đề bảo tồn giá trị văn hoá dân tộc: Vai trò của người làm phê bình” với nhiều vấn đề rất gợi mở.
Âm nhạc thị trường khá phổ biến
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm đưa ra nhận định, hiện nay âm nhạc thị trường được sử dụng khá phổ biến trong giới sáng tác âm nhạc, khi đánh giá các ca khúc được sáng tác nhanh, theo thị hiếu, có nội dung, cấu trúc hình thức đơn giản, lối xây dựng và phát triển giai điệu cũng như hòa âm phối khí cùng chung phong cách với đặc điểm: nhẹ, lạ, “bắt tai”.
Nội dung đa phần nói về tình yêu lứa đôi (thất tình, tan vỡ, dối lừa, sầu thương…); hình thức cấu trúc khác lạ, không quan tâm đến những quy chuẩn của cấu trúc hình thức cho ca khúc theo lối kinh viện (giống như hình thức của Thơ mới trong phong trào sáng tác những năm 30 đầu thế kỷ XX).

Ở đó giai điệu càng lạ càng tốt, nói như hát và hát như nói, không theo quy luật của thanh điệu tiếng Việt nhưng lại theo một quy luật chung là tiết tấu, cách thể hiện của giai điệu, các âm khu với cung bậc phi lý kết hợp với hòa âm theo lối nghịch của nhạc pop Mĩ (VD: Anh ơi ở lại của Chi Pu) và cố ý thoát ra khỏi quy luật hình thành và phát triển giai điệu của giai đoạn âm nhạc trước đây.
Do ca khúc thị trường của các nước châu Á hiện nay đều xuất phát từ ca khúc Pháp - Anh (nhạc Pop) nên giai điệu luôn bị chi phối bởi “tiết điệu” (Tango, Rumba, Ballad, Slow rock…), có những nét giống hoặc pha trộn nhạc Đài Loan (Trung Quốc), nhạc Hồng Kông (Trung Quốc), nhạc Nhật, kể cả một chút pop Mĩ với sự pha trộn nhiều thể loại giữa nhạc pop, country, jazz, blue… và sau này là rab.
Cùng với đó, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm cũng cho rằng, tác phẩm âm nhạc thị trường khai thác làn điệu dân ca, chất liệu âm nhạc dân gian. Khai thác văn hóa dân tộc là một trong những xu hướng chính của âm nhạc thị trường bởi nó dễ được chấp nhận, thu hút khán giả trong và ngoài nước.
Có nhiều kiểu/cách làm của âm nhạc thị trường: đối với âm nhạc dân tộc là biến đổi hình thức biểu diễn, rock hóa/ pop hóa các giai điệu dân ca (Bắc Bling - Hòa Minzy); cover, remix lại các bài dân ca hoặc ca khúc mang âm hưởng dân ca (Chiếc khăn Piêu, Xuống chợ)…; điểm chung là tính đại chúng của sản phẩm: không khó về nội dung, bắt mắt về hình thức, nghệ thuật và hình tượng âm nhạc không là yêu cầu đầu tiên.

Hiện nay, khai thác các yếu tố đặc trưng của văn học, văn hóa dân tộc như một gợi ý, ý tưởng sáng tác, ví du Để Mỵ nói cho mà nghe, Bánh trôi nước - Hoàng Thùy Linh; gần đây là Phương Mỹ Chi với một loạt bài được lấy ý tưởng từ các trích giảng văn học trong chương trình phổ thông trung học trong album Vũ trụ cò bay; Hòa Minzy có Thị Mầu, Kén cá chọn canh; Masew có Mời Trầu, Túy âm, Ái nộ, Nhất thân, Vô lương (chèn Chú đại bi)… là cách tiếp cận với khán giả trẻ.
Thuật ngữ “âm nhạc thị trường” đã rất quen thuộc không chỉ trong nhạc giới mà đối với cả công chúng, không còn là thuật ngữ chỉ một nhóm nhỏ những tác phẩm đang tham gia vào đời sống âm nhạc Việt Nam mà hiện đang chiếm ưu thế về số lượng, không gian trình diễn và giá trị kinh tế.
Âm nhạc thị trường bắt đầu có dấu hiệu ảnh hưởng, trở thành xu hướng của sáng tác, biểu diễn âm nhạc hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp âm nhạc. Sự lấn át và tạo nên xu hướng sáng tạo của âm nhạc thị trường, cùng với cơ chế tự chủ và kinh tế thị trường, đã thị trường hóa nghệ thuật âm nhạc và đó là điều khó tránh khỏi – bà Mỹ Liêm nhấn mạnh.
Những lo ngại
Trước câu hỏi âm nhạc hiện nay có nên đi theo hướng khai thác các yếu tố đặc trưng của văn hóa dân tộc như một gợi ý, ý tưởng sáng tác không? Đã có hai luồng ý kiến đồng tình và không đồng tình từ các học viên tham dự lớp bồi dưỡng.

Ý kiến không đồng tình cho rằng, giả sử nhiều tác phẩm âm nhạc cùng đi theo hướng này, bài hát nào cũng có những “pha trộn” như thế thì liệu âm nhạc có phải là một nồi “lẩu thập cẩm” không? Đây là một băn khoăn, thậm chí là lo ngại của không ít người quan tâm tới âm nhạc hiện nay.
Bên cạnh đó, âm nhạc truyền thống vẫn phải là “cái gốc”, nếu chúng ta pha trộn như thế thì liệu cái gốc đó có mai một? Và rồi người nước ngoài nhìn vào nghệ thuật truyền thống của chúng ta như thế nào, liệu có bị “méo mó” không, rằng chèo của chúng ta, hát bội của chúng ta là như vậy sao?
Cùng với một số lo lắng của các đại biểu, PGS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm cũng chỉ ra rằng, đã có dấu hiệu sáng tác bị lặp lại với các ca khúc phong cách pop - ballade nên xu hướng pha trộn giữa các thể điệu/ tiết điệu. Xuất hiện xu hướng cover, remix hay phối lại bằng các thể loại/ tiết điệu khác nhau tạo thêm màu sắc. Khai thác tác phẩm âm hưởng âm nhạc/ văn hóa dân tộc đôi khi chỉ là phần “nhìn”, làm lạ mắt, hấp dẫn hơn.
Ngược lại với quan điểm này là ý kiến ủng hộ việc khai thác các yếu tố đặc trưng của văn học, văn hóa dân tộc như một gợi ý, ý tưởng sáng tác. Một giảng viên đại học lấy ví dụ khi giảng dạy cho sinh viên về chèo hay hát bội… thì sinh viên không chú ý cũng như hứng thú lắm.
Nhưng khi cho sinh viên xem những clip, tác phẩm âm nhạc liên quan đến nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, hát bội… thì họ tò mò, hào hứng và thích thú, quan tâm hơn hẳn.

Theo giảng viên này thì chúng ta không nên quá khắt khe việc âm nhạc khai thác các yếu tố văn hoá truyền thống, vì nhiều khi phải để cho thế hệ trẻ yêu thích thì họ mới tìm hiểu kỹ và khơi dậy những đam mê với văn hoá dân tộc.
Chúng ta cũng không nên lo lắng việc người nước ngoài khi nhìn vào những yếu tố được xem như một lát cắt của văn hoá dân tộc khi được truyền tải trong một tác phẩm âm nhạc sẽ đánh giá khác về nền văn hoá dân dộc truyền thống của chúng ta.
Một ý kiến khác cũng cho rằng, nếu chúng ta hiểu rõ, hiểu sâu về văn hoá truyền thống và “biết cách đưa” khéo léo, nhuần nhuyễn các yếu tố này vào âm nhạc đương đại thì sẽ là cách kéo khán giả trẻ yêu thích, chú ý và thấy âm nhạc truyền thống gần gũi hơn. Từ đó tác phẩm cũng tạo nên những giá trị mới.
Nếu chúng ta cứ để im, “cất giữ vào kho” chất liệu văn hoá truyền thống, thì rất lãng phí mà phải làm cách khơi dậy, “sống dậy” kho tàng quý báu đó lên bằng cách “làm mới” cho giới trẻ cũng là một cách nên làm. Vấn đề là làm thế nào, làm tới đâu. Vì nếu không có hiểu biết mà tuỳ tiện pha trộn thì rất có thể tác phẩm không tạo nên giá trị mà sẽ biến thành “nồi lẩu thập cẩm”.
Chia sẻ thêm về quan điểm của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm cũng nhận định, việc nhận thức được xu hướng, đồng thời nhận diện được những tác động, mặt trái của thị trường hóa nghệ thuật âm nhạc sẽ giúp chúng ta có thể xây dựng nền âm nhạc Việt Nam có nội dung bảo tồn được giá trị truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển bền vững. Lý luận, phê bình âm nhạc Việt Nam sẽ phải làm gì để thực hiện sứ mệnh của mình trước tình hình này?
Và để giải quyết những xung đột như nêu trên, cuối cùng vẫn là “con người”. Các nhạc sĩ, nhà sản xuất, nghệ sĩ… đều phải được tuyên truyền, giáo dục, thấm nhuần tư tưởng nhân văn, hiểu biết giá trị văn hóa, truyền thống văn hóa dân tộc để có thể sáng tạo những tác phẩm vừa có tư tưởng, nội dung tốt vừa có giá trị nghệ thuật cũng như đạt được những định chuẩn thẩm mĩ - PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm nhấn mạnh.
Những giải pháp để lý luận, phê bình âm nhạc, khán giả, truyền thông tham gia vào đời sống nếu được thực hiện sẽ phần nào góp phần điều chỉnh đời sống âm nhạc cũng như tác động vào thị trường âm nhạc.