Cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phê bình nghệ thuật số
VHO - Một trong những cơ hội mới để lan toả giá trị văn hoá Việt hiện nay là từ phê bình nghệ thuật số và truyền thông đa phương tiện. Tuy nhiên, đội ngũ lý luận, phê bình hiện nay vẫn còn thiếu và yếu, nhất là đối với lĩnh vực lý luận, phê bình nghệ thuật số. Đây là điều cần được báo động và cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực một cách nghiêm túc và bài bản.
Trong khuôn khổ lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá”, PGS.TS Trần Hoài Anh (Trường Đại học Văn hoá TP.HCM) đã có chuyên đề bàn về “cơ hội mới để lan toả giá trị văn hoá Việt” từ phê bình nghệ thuật số và truyền thông đa phương tiện.
Phương thức mới để kết nối công chúng các giá trị văn hóa
Theo PGS. TS Trần Hoài Anh, chủ trương của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số luôn được đặt ra. Năm 2016, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đề cập đến khái niệm “đổi mới sáng tạo” và khẳng định đổi mới sáng tạo cùng với khoa học, công nghệ trở thành động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Tiếp đến, trong nhiều năm qua vấn đề này cũng được khẳng định qua các nghị quyết của Đảng.

Đáng chú ý, năm 2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, xem đây là sự đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã khẳng định: “Phát triển văn hoá số bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghệ số đối với xã hội”.
PGS.TS Trần Hoài Anh cho rằng, một trong những cơ hội mới để lan toả giá trị văn hoá Việt hiện nay là từ phê bình nghệ thuật số và truyền thông đa phương tiện.
Phê bình nghệ thuật số có thể được hiểu là việc đánh giá, phân tích và bình luận về các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra hoặc lan truyền trên môi trường kỹ thuật số, bao gồm việc xem xét các khía cạnh như tính sáng tạo, kỹ thuật, ảnh hưởng văn hóa và ý nghĩa xã hội của nghệ thuật số.
PGS.TS Trần Hoài Anh cũng nhận định, nghệ thuật số thường có tính tương tác cao hơn so với nghệ thuật truyền thống, vì thế, việc đánh giá sự tương tác giữa tác phẩm và người xem là một yếu tố quan trọng.
Các nền tảng mạng xã hội và các kênh truyền thông trực tuyến giúp văn hóa Việt Nam được quảng bá rộng rãi, vượt khỏi biên giới quốc gia để đến với thế giới. Văn hóa Việt Nam có thể giới thiệu qua nhiều hình thức đa dạng như video, hình ảnh, âm thanh, nội dung tương tác, giúp thu hút sự chú ý và truyền tải thông tin một cách hiệu quả và hấp dẫn.
Việc công dân Việt Nam tham gia sáng tạo và chia sẻ các nội dung văn hóa trên môi trường số góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, tự hào về nguồn cội và các giá trị truyền thống.
Truyền thông đa phương tiện có thể góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể, thông qua việc số hóa và chia sẻ các tài liệu, hình ảnh, âm thanh, video.
Các sản phẩm truyền thông đa phương tiện có thể sử dụng để quảng bá du lịch văn hóa, thu hút du khách quốc tế đến trải nghiệm và khám phá văn hóa Việt Nam.
Cùng với đó, công nghệ số và truyền thông đa phương tiện đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực phê bình nghệ thuật, mở rộng không gian tiếp nhận và cung cấp những phương thức mới để kết nối công chúng với các giá trị văn hóa.
Cần có chiến lược toàn diện
Truyền thông đa phương tiện là một công cụ hữu hiệu để lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới nhưng cần được thực hiện một cách nghiêm túc, chất lượng và có trách nhiệm.
Sự phát triển của truyền thông đa phương tiện không tránh khỏi những mặt trái. Việc “giải trí hóa” quá mức có thể làm phê bình nghệ thuật mất đi chiều sâu học thuật...

"Truyền thông đa phương tiện phá vỡ “tính địa phương” và tạo ra văn hóa xuyên không gian đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Bên cạnh đó, truyền thông đa phương tiện biến di sản thành “tài sản mềm” nhưng cũng tạo ra sự lệ thuộc thị trường", PGS.TS Trần Hoài Anh nhận định.
Cũng theo nhận định của PGS.TS Trần Hoài Anh, để phê bình nghệ thuật số phát triển bền vững, cần có một chiến lược toàn diện nhằm bảo đảm giá trị văn hóa không bị mất mát trong quá trình chuyển đổi công nghệ.
Khi cân bằng được giữa tính phổ cập và chiều sâu học thuật, giữa sáng tạo hiện đại và bảo tồn bản sắc truyền thống, phê bình nghệ thuật trong thời đại số mới có thể trở thành một lực lượng định hướng thẩm mĩ, gìn giữ giá trị văn hóa và thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật trong xã hội đương đại.
"Đội ngũ lý luận, phê bình hiện nay vẫn còn thiếu và yếu. Điều này đối với lĩnh vực lý luận, phê bình nghệ thuật số lại càng nghiêm trọng hơn. Đây là điều cần được báo động và cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực một cách nghiêm túc mới đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ công nghệ số, truyền thông đa phương tiện", PGS.TS Trần Hoài Anh đề nghị.