Nhà hát Chèo Việt Nam gửi thông điệp tích cực, nhân văn qua “Tâm sự quê”

THANH MAI

VHO - Tối 18.9, Nhà hát Chèo Việt Nam đã ra mắt chương trình nghệ thuật Tâm sự quê. Vở diễn đề tài hiện đại nhưng cách dàn dựng giữ nguyên vẹn những nét đặc trưng của sân khấu chèo truyền thống đã khiến khán giả thêm yêu hơn nghệ thuật chèo. Chương trình nằm trong Kế hoạch của Bộ VHTTDL tổ chức các chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề.

Nhà hát Chèo Việt Nam gửi thông điệp tích cực, nhân văn qua “Tâm sự quê” - ảnh 1
Chương trình nghệ thuật Tâm sự quê là sự kết hợp tổng hoà giữa các yếu tố: diễn xuất, nghệ thuật ca múa hát, hệ thống nhạc âm nhạc

Ê kíp sáng tạo Tâm sự quê gồm: Tác giả: TS.NSND Lê Tuấn Cường, Đạo diễn: NSƯT Vũ Bá Dũng, Đạo diễn âm nhạc: NSƯT Đào Tuấn Hải, Trợ lý âm nhạc NSUT Phan Thiết, Biên đạo múa: NSƯT An Chinh, Thiết kế sân khấu:  Duy Toàn. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của hơn 70 nghệ sĩ thuộc 2 đoàn nghệ thuật Nhà hát Chèo Việt Nam. 

Đêm diễn ra mắt chương trình, toàn bộ nghệ sĩ Nhà hát biểu diễn không lấy công và doanh thu từ chương trình sẽ dùng để ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lụt. 

Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Lê Tuấn Cường, tác giả kịch bản của Tâm sự quê chia sẻ: “Hiện nay, trong tình hình các đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lụt. Có thể nói, người nghệ sĩ cũng chính là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá. Nghệ thuật luôn bám vào cuộc sống, không có nghệ thuật nào có thể tách rời khán giả. Lúc này, đất nước gặp khó khăn, anh em nghệ sĩ  phải có trách nhiệm đem lời ca, tiếng hát, góp phần chia sẻ mất mát với người dân.Vì vậy, Nhà hát đã đồng lòng cùng nhau tạo nên một buổi biểu diễn mang đầy ý nghĩa này”. 

Nhà hát Chèo Việt Nam gửi thông điệp tích cực, nhân văn qua “Tâm sự quê” - ảnh 2
"Tâm sự quê" tập trung làm nổi bật những nét đẹp trong văn hoá cuộc sống sinh hoạt tại các vùng quê Bắc Bộ
 

Tâm sự quê đã khắc hoạ sinh động, rõ nét cuộc sống làng quê Việt Nam trong nhịp sống đầy biến động của xã hội. Điều thú vị là chương trình hội tụ nhiều nghệ sĩ đã từng đạt giải thưởng cao trong các cuộc thi độc tấu hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc như: Độc tấu đàn bầu (Súy Vân); Hát chèo (Quê mẹ); Lời ru; Hòa tấu dàn nhạc (Nét quê)… Đặc biệt là chương trình mang tới những màn hát giao duyên đầy ý vị, những làn điệu dân ca trữ tình thấm đượm tình quê hương.

NSND Lê Tuấn Cường cho biết : “Để nghệ thuật truyền thống này tiếp cận được nhiều khán giả, khi xây dựng tác phẩm, chúng tôi luôn chú trọng ngoài thể hiện được nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật chèo mà tác phẩm phải mang hơi thở cuộc sống, của thời đại dẫu khai thác đề tài dạng nào. Chúng tôi muốn gửi tới thông điệp với khán giả dẫu bão tố, phong ba thì con người vẫn nắm chặt tay nhau vượt qua mọi khó khăn với tinh thần lạc quan”.

Nhà hát Chèo Việt Nam gửi thông điệp tích cực, nhân văn qua “Tâm sự quê” - ảnh 3
 

Chương trình truyền tải tới người xem tinh thần lạc quan, kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam trước những sóng gió, thiên tai. Dù phải đối mặt với nhiều thử thách, chông gai, song người dân Việt Nam vẫn giữ vững truyền thống của dân tộc từ ngàn đời: ý chí kiên cường, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau để vượt lên tất cả, cùng hướng về một tương lai tươi sáng hơn.  

Nhà hát Chèo Việt Nam gửi thông điệp tích cực, nhân văn qua “Tâm sự quê” - ảnh 4
Tâm sự quê quy tụ những nhạc công và giọng ca tên tuổi của sân khấu chèo

Sân khấu chương trình được đầu tư, trang trí tỉ mỉ, mỗi chi tiết đều mang đậm nét sinh hoạt văn hóa truyền thống như: Hồ sen thơm ngát, luỹ tre xanh rì, âm thanh gà vịt, khói bếp nghi ngút, cồng làng cổ kính, cảnh dân chài, cảnh đồng chốn thôn quê, hội làng… giúp khán giả quay ngược thời gian, trở về quá khứ.

Đạo diễn chương trình NSƯT Vũ Bá Dũng bày tỏ: “Văn hóa Việt Nam là dòng chảy lắng xuống qua nhiều thế hệ, chương trình Tâm sự quê có nhiều triết lý nhân sinh, tình đời, tình làng xóm, anh em bè bạn. Nghệ thuật chèo có nét hay chính là chắt lọc văn hóa từ đời sống người dân Việt Nam đem vào biểu diễn. Chèo có thể không ồn ào như các loại hình nghệ thuật khác nhưng ẩn trong đó là nhiều thông điệp nhân văn, ý nghĩa. Càng xem, càng thấy giá trị đặc sắc của nghệ thuật truyền thống này.”

Chính vì thế, khi xem chương trình, khán giả không chỉ được tận hưởng những phút giây thư giãn, mà còn có cơ hội trải nghiệm và suy ngẫm về cuộc đời.

Đến ủng hộ chương trình, bà Lưu Bích Ngọc (78 tuổi, Cầu Giấy) tâm sự: Chương trình mang đậm tính nhân văn. Mỗi người, mỗi nghề sẽ có cách đóng góp riêng. Bằng tài năng, lời ca tiếng hát của mình, người nghệ sĩ toả sáng, thăng hoa trên sân khấu, từ đó, khơi dậy, lan toả được tấm lòng nhân ái đến với mỗi khán giả. 

So với những thiệt hại do bão lũ gây ra, sự đóng góp, ủng hộ của Nhà hát chỉ là phần nhỏ, nhưng nó thể hiện được tấm lòng, tinh thần tương thân tương ái của các nghệ sĩ”, bà Ngọc bày tỏ.

Còn chị Nguyễn Đình Quỳnh Như (25 tuổi, Mỹ Đình) cho biết: “Lần đầu được thưởng thức một chương trình nghệ thuật truyền thống trọn vẹn đến vậy. Các nghệ sĩ toả sáng hết mình trên sân khấu, dường như họ sinh ra là để cống hiến cho nghệ thuật chèo. Xem hết chương trình, em không chỉ thêm biết và hiểu hơn về đặc điểm của chèo, nét đẹp văn hoá trong đời sống nông thôn mà còn được bồi đồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần tương thân tương ái…”.