Báo Văn Hóa với chương trình Chung một tấm lòng - Việt Nam quê hương tôi:

Hướng về đồng bào vùng bão lũ

NGỌC TRUNG

VHO - Trong các ngày từ 27.9 - 1.10, Báo Văn Hóa đã phối hợp cùng CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam, các nhóm thiện nguyện An Việt, Nốt Lặng, Đi và Yêu tổ chức chương trình thiện nguyện Chung một tấm lòng - Việt Nam quê hương tôi, nhằm thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do mưa lũ sau cơn bão số 3 (Yagi), gồm: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên.

Hướng về đồng bào vùng bão lũ - ảnh 1
Ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa trao quà cho người khiếm thính tại Thái Nguyên

Hơn 4 tỉ đồng trao tặng các tỉnh miền Bắc

Những hoàn cảnh được hỗ trợ là người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam, hộ nghèo, các gia đình có thân nhân thiệt mạng trong đợt bão lũ vừa qua và một số trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Chương trình bắt đầu tại Phú Thọ, 700 phần quà đã được trao tặng tại 10 điểm của huyện Thanh Ba.

Tiếp đến là Yên Bái, địa phương vừa gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai với 920 phần quà được trao đi. Trong đó, mỗi hộ gia đình bị cuốn trôi nhà cửa tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên và thôn Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng.

Ngoài ra, đoàn còn đóng góp 29 triệu đồng để sửa chữa Trường Tiểu học Minh Chuẩn; tặng bút, vở cho học sinh tại huyện Lục Yên. Tổng giá trị tiền và quà được trao tại Yên Bái là 1,5 tỉ đồng.

Tại Lào Cai và Lai Châu, đoàn đã trao 1.000 phần quà với tổng trị giá 1 tỉ đồng cho các hoàn cảnh khó khăn; cùng với đó là 1.500 túi thuốc cho 14 trạm y tế xã. Vì địa bàn rộng và nhiều điểm cần hỗ trợ, đoàn đã chia làm 5 nhánh tỏa đi 5 điểm: Thị trấn Lu, xã Thái Niên, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng), điểm Trường Tiểu học Simacai và tỉnh Lai Châu để kịp thời đến với bà con.

Điểm cuối của hành trình thiện nguyện là tỉnh Thái Nguyên, đoàn đã tổ chức phát quà tại nhiều điểm, trong đó có Trung tâm Hỗ trợ phát triển GDHN trẻ khuyết tật, Hội người mù và huyện miền núi Định Hóa. 700 phần quà với tổng trị giá 1 tỉ đồng đã được trao đến tận tay người cần…

Trong hành trình 5 ngày, 3.300 phần quà với tổng trị giá hơn 4 tỉ đồng đã được gửi đến bà con trên địa bàn 5 tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là khối lượng công việc không nhỏ, nếu vào thời điểm khác, công việc sẽ chẳng dễ gì hoàn tất.

Hướng về đồng bào vùng bão lũ - ảnh 2
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch CLB Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng đoàn thỉện nguyện trao quà cho đồng bào gặp nhiều khó khăn do bão lũ

Tuy nhiên, đúng vào lúc này, vì “nghĩa dân tộc, tình đồng bào”, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân văn, tương thân tương ái, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của dân tộc, đoàn thiện nguyện đã không quản ngại đường xa, đi lại khó khăn, nguy hiểm để đến với bà con.

Vì nghĩa đồng bào 

Khối lượng tiền, hàng nêu trên chỉ là con số đếm được, còn những đóng góp nhân lực, vật lực khác của BTC, các nhà hảo tâm, cộng tác viên… thật không thể nào đong đếm nổi. 

Theo chân đoàn thiện nguyện, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước nguồn năng lượng tích cực của tất cả các thành viên. Đặc biệt, có những cô, chú lớn tuổi nhưng vẫn miệt mài từ sáng sớm đến tối khuya phân chia, đóng gói từng phần quà, từng túi thuốc, thể hiện sự chăm chút, chỉn chu, yêu thương… tất cả đều xuất phát từ hai chữ “đồng bào”.

Hướng về đồng bào vùng bão lũ - ảnh 3
“Chung một tấm lòng - Việt Nam quê hương tôi” đã trao hơn 3.300 phần quà và tiền mặt, với tổng trị giá hơn 4 tỉ đồng cho nhiều tỉnh phía Bắc

Cũng cần chia sẻ thêm rằng, tham gia đoàn thiện nguyện, phần nhiều các thành viên đều từ miền Nam ra Bắc, đặc biệt là các nhóm thiện nguyện An Việt, Nốt Lặng,  Đi và Yêu tự bỏ tiền túi để trang trải chi phí đi lại, ăn ở.

Vừa tất bật điều phối khối lượng công việc khổng lồ, cô Trần Thị Danh (TP.HCM) vừa nói: “Thiên tai bà con miền Bắc vừa phải gánh chịu là quá lớn. Chứng kiến thiệt hại khủng khiếp như vậy, tôi không thể ngồi yên được. Tuổi cao sức yếu, nhưng tôi vẫn cố gắng tham gia đoàn thiện nguyện để góp chút công sức nhỏ bé với mọi người”. Cô Danh năm nay đã 69 tuổi và chỉ còn một tay…

Cùng với đó, cần ghi nhận sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm tại địa phương, họ đã nhiệt tình lăn xả hỗ trợ sức người, sức của cho đoàn thiện nguyện. Những chuyến xe ân tình chuyên chở miễn phí hàng hóa từ Nam ra Bắc, từ nơi tập kết đi đến những điểm phân phát xa xôi, đường đi lại gian nan, cách trở sau bão lũ. 

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch CLB Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam bộc bạch: “Đến giờ, khi khối lượng công việc đã hoàn thành, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Không chỉ là trọng trách nặng nề, mà chuyện đường sá đi lại khiến tôi vô cùng lo lắng. Có những chuyến phải khởi hành vào giữa đêm để kịp trao cho bà con. Tôi chỉ biết cầu nguyện sao cho mọi người đi đến nơi về đến chốn”.

Hướng về đồng bào vùng bão lũ - ảnh 4
Tình cảm người dân dành cho đoàn thiện nguyện

Cùng chung nỗi niềm, ông Huỳnh Việt Hoàng (Đà Nẵng) bày tỏ: “Đường đi qua các vách núi dựng đứng vô cùng nguy hiểm, nhất là đi vào Làng Nủ, hai bên đều sạt lở hết.

Chú lái xe dù kinh nghiệm đường trường lâu năm cũng phải thốt lên: Em sợ quá anh ơi! Còn chúng tôi ngồi phía sau chỉ biết cầu Trời, khấn Phật”. Ông Hoàng không cầm được nước mắt khi nói về trường hợp ông Sầm Văn Bống (Làng Nủ), mất đi cả gia đình gồm vợ, con trai, con dâu, cháu nội 38 ngày tuổi, con gái út trong vụ sạt lở; cũng như lúc vào thôn Ất Thượng, nơi có 9 người ra đi mãi mãi…

Suốt hành trình Chung một tấm lòng - Việt Nam quê hương tôi, nhiều giọt nước mắt đã rơi trước cảnh tang thương do bão lũ; những em bé thơ dại bỗng chốc trở nên mồ côi, trơ trọi giữa cuộc đời.

Đoàn thiện nguyện cũng vô cùng xúc động trước sự giúp đỡ nhiệt thành của chính quyền, cơ quan chức năng tại các địa phương đi qua, đặc biệt là cách ứng xử văn minh của bà con khi nhận quà từ thiện. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Văn Sơn (người dân Yên Bái) xúc động bày tỏ: “Chỉ biết nói lời cảm ơn đoàn đã đến với bà con lúc này. Giờ tôi mới hiểu câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no” chính là như thế!”.

Kết thúc hành trình thấm đẫm nhân văn, nhân ái, ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa cho biết: “Gần 3 thập kỷ qua, Báo Văn Hóa luôn đồng hành với bà con vùng bão lũ và đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi còn khó khăn. Để chia sẻ với các địa phương miền Bắc vừa gánh chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3, Văn Hóa tiếp tục phối hợp với CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức chương trình thiện nguyện, cùng chung tay hướng về đồng bào miền Bắc.

Chỉ trong một thời gian ngắn, chương trình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân, nhà hảo tâm và độc giả trên cả nước. Để đáp lại sự tin tưởng và những tấm lòng thơm thảo ấy, chúng tôi không quản ngại khó khăn, mang những phần quà đầy ý nghĩa đến với bà con, góp phần giúp họ khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống”.