Nghệ sĩ đương đại kể chuyện di sản ngàn năm

PHƯƠNG ANH; ảnh: Nhóm H&A cung cấp

VHO - Những gương mặt “best seller” của thị trường mỹ thuật Việt Nam đã cùng hội tụ trong dự án nghệ thuật mang tên Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại. Mối lương duyên “mỹ thuật - di sản” vừa là cảm hứng sáng tạo, vừa là thách thức với các nghệ sĩ đã định hình cá tính nghệ thuật.

Nghệ sĩ đương đại kể chuyện di sản ngàn năm - ảnh 1
Triển lãm “Ngày xửa ngày xưa” của nhóm nghệ sĩ H&A mở đầu dự án

 Mở màn dự án là triển lãm Ngày xửa ngày xưa, thể hiện những góc nhìn mới mẻ của nhóm nghệ sĩ Heritage and Art (H&A).

Duyên xưa di sản trong hội họa

Triển lãm diễn ra từ ngày 23 - 27.8 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội). Tại đây, 16 gương mặt mỹ thuật đương đại gặp nhau ở điểm chung là tâm huyết và tình yêu đối với di sản văn hóa dân tộc.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ, thật tiếc khi Bảo tàng dịp này đã kín chỗ nên không thể xếp lịch cho Ngày xửa ngày xưa. Ngay khi tiếp cận dự án của nhóm H&A, ông đã rất ấn tượng với đề tài và con đường mà nhóm chọn lựa. Di sản và hội họa là đề tài đầy chông gai nếu muốn gắn bó lâu dài, nhưng cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo với từng nghệ sĩ. “Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ đồng hành, ủng hộ dự án bằng nhiều cách, có thể về địa điểm triển lãm ở những kỳ tiếp theo, hoặc mua các tác phẩm chất lượng, đáp ứng đủ tiêu chí để đưa vào sưu tập của Bảo tàng”, ông Nguyễn Anh Minh cho hay.

Ngày xửa ngày xưa không chỉ là lời mở đầu cho muôn vàn câu chuyện cổ tích, mà là còn mở đầu cho câu chuyện di sản, mỗi người với một phong cách nghệ thuật khác nhau sẽ kể cho công chúng bằng ngôn ngữ hội họa...”, họa sĩ Nguyễn Minh - Minh Phố, người khởi xướng và sáng lập nhóm chia sẻ. H&A tập hợp nhiều họa sĩ đã định hình tên tuổi trong nền mỹ thuật đương đại, để có thể đi chung một con đường, tất cả đều thừa nhận có nhiều cái khó. Làm mới chính mình là một thử thách mà họ cần vượt qua. “Chúng tôi đã tự đặt ra những câu hỏi, như họa sĩ Thế Anh sẽ làm mới đề tài quen thuộc về những em bé vùng cao như thế nào? Hiếu Mường sẽ đưa những tác phẩm gốm gắn với chủ đề di sản ra sao…? Hoặc như chính tôi, sẽ vẫn tiếp nối câu chuyện di sản về “Phố - Làng - Hạt gạo” và cố gắng ngày càng đào sâu, chiêm nghiệm, bóc tách để tìm kiếm, khám phá những trầm tích, giá trị ẩn tàng qua góc nhìn của thế hệ trẻ”, họa sĩ Minh Phố bộc bạch.

Còn với họa sĩ Khổng Đỗ Duy, “những di sản văn hóa, dân gian… luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của tôi, nhắc nhở tôi phải trân quý và biết ơn những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông. Trên tinh thần đó, tôi đã khai thác và đưa những hoài niệm, di sản văn hóa vào trong tranh với sự kết hợp hài hòa giữa hoài niệm và hiện tại, được thể hiện qua tạo hình và hòa sắc”.

Ý tưởng của các nghệ sĩ đương đại thuộc các thế hệ 7X, 8X và 9X được Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn ủng hộ: “Người trẻ vẫn nhớ chuyện “ngày xửa, ngày xưa”, nhớ về nét đẹp Việt, văn hóa Việt, tâm hồn Việt, di sản Việt. Họ đã làm cho người đi trước, người của ngày hôm qua phải thảng thốt, giật mình rằng có bao giờ lãng quên nét cũ, duyên xưa của di sản? Sự đánh thức, lay động, sự mách bảo của Ngày xửa, ngày xưa đã cho những con người của thế kỷ này lật giở những trang mới cho lộ trình đẹp đẽ, sáng sủa của thế hệ mình”.

Để vẽ về di sản không lệch chuẩn

Kết nối di sản và hội họa là một chủ đề hấp dẫn, lại được thực hiện bởi các nghệ sĩ trẻ đam mê, tâm huyết nên rất cần được ủng hộ, khuyến khích. Đây là cách góp phần để công chúng hiểu nhiều hơn, yêu nhiều hơn những giá trị ngàn xưa ông cha để lại. Mỗi tác phẩm được khai thác từ chủ đề này không chỉ giúp các nghệ sĩ tiếp tục định hình phong cách, quảng bá tên tuổi mà còn phát huy giá trị di sản, theo một con đường riêng để đến với công chúng một cách rộng rãi, ấn tượng hơn.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, phát huy sáng tạo về di sản văn hóa là điều ý nghĩa, nhưng các nghệ sĩ không được quên nguyên tắc khi vẽ về di sản, đó là sự chuẩn mực, không làm xô lệch những giá trị truyền thống. “Sự lệch chuẩn sẽ có thể khiến con đường đi của chúng ta không bền vững, thậm chí còn có thể khiến công chúng có cách nhìn, cách hiểu sai lầm, méo mó về những tinh hoa di sản. Điều này đã từng xảy ra đối với không ít loại hình sáng tạo nghệ thuật”, theo ông Bùi Hoài Sơn.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đồng tình quan điểm này. Ông cho rằng, dù là sáng tạo nhưng nếu không chuẩn xác thì rất dễ phản tác dụng. Ở góc độ này, đôi khi nghệ sĩ còn cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia về văn hóa, di sản…

Heritage and Art (H&A) gồm 16 nghệ sĩ, là 16 cá tính nghệ thuật khác nhau. Chủ đề đầu tiên được nhóm khai thác và trình làng trong triển lãm lần này là những tác phẩm về văn hóa mỹ thuật cổ và bảo vật quốc gia. 39 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc với chất liệu đa dạng như kim loại, sơn dầu, lụa, trúc chỉ, gốm, sơn mài…, đã kể câu chuyện di sản bằng ngôn ngữ hội họa, không chỉ là các họa tiết, hoa văn mỹ thuật cổ, các nhân vật rối nước, chạm khắc đình làng, tranh dân gian… mà còn là tầng tầng lớp lớp bề dày lịch sử và những giá trị văn hóa Việt.

Điểm độc đáo và có sức thu hút mạnh mẽ của dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại” chính là việc các nghệ sĩ, bằng tài năng của mình, đã làm cho nghệ thuật sống lại trong nghệ thuật. Sức lan tỏa của dự án bắt đầu từ sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại

Xác định theo đuổi “đường dài”, H&A sẽ tiếp tục tổ chức những chuyến đi điền dã, vẽ trực họa, gặp gỡ nhân vật để tìm hiểu sâu rộng hơn giá trị của di sản. “Sau Ngày xửa ngày xưa, nhóm tiếp tục thực hiện các hoạt động đưa nghệ thuật và di sản vào cuộc sống, như chuyên đề Sáng tạo nghệ thuật cùng nghệ sĩ, Di sản qua ánh mắt trẻ thơ… Chúng tôi sẽ đi đến nhiều vùng đất để nghiên cứu, sáng tạo; bên cạnh đó, kết nối và mở rộng “kênh” để các nghệ sĩ bán tranh, tượng, góp phần quảng bá và định hình thương hiệu nghệ thuật Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thế giới”, họa sĩ Minh Phố cho biết.