Triển lãm “Ngày xửa ngày xưa”:
Kể chuyện di sản bằng hội họa
VHO - Triển lãm tranh - tượng “Ngày xửa ngày xưa” của nhóm nghệ sĩ Heritage and Art sẽ diễn ra từ ngày 23- 27.8.2024 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội), trình làng 39 tác phẩm đặc sắc với nhiều góc nhìn đương đại về lớp trầm tích di sản từ ngàn xưa ông cha để lại.
“Ngày xửa ngày xưa… không chỉ là lời mở đầu cho muôn vàn câu chuyện cổ tích, mà ở đây, là mở đầu cho câu chuyện di sản mà mỗi nghệ sĩ với một phong cách nghệ thuật khác nhau, mong muốn “kể” cho người xem bằng ngôn ngữ hội họa.
Hòa quyện truyền thống- hiện đại
Ra mắt nhóm với triển lãm mang tên gọi hơi hướng hoài cổ- “Ngày xửa ngày xưa”, Heritage And Art (H&A) có 16 nghệ sĩ- 16 cá tính khác nhau. Ở chủ đề đầu tiên được khai thác về “văn hóa mỹ thuật cổ và bảo vật quốc gia”, H& A “trình làng” 39 tác phẩm thuộc các lĩnh vực, hội họa, đồ họa và điêu khắc với chất liệu đa dạng gồm kim loại, sơn dầu, lụa, trúc chỉ, gốm, sơn mài…
Khởi xướng và thành lập nhóm, họa sĩ Nguyễn Minh- Minh Phố chia sẻ: “Ngày xửa ngày xưa… không chỉ là lời mở đầu cho muôn vàn câu chuyện cổ tích thời ấu thơ, mà còn là mở đầu cho câu chuyện di sản mà chúng tôi muốn kể bằng ngôn ngữ hội họa”.
Trong câu chuyện ấy, không chỉ có các hình ảnh là họa tiết và hoa văn mỹ thuật cổ, không chỉ có các nhân vật của nghệ thuật múa rối nước, các hình ảnh của chạm khắc đình làng, tranh dân gian… mà còn là tầng tầng lớp lớp bề dày lịch sử, những giá trị di sản văn hóa Việt được kể qua góc nhìn mang hơi thở nghệ thuật đương đại.
“Kết hợp ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình để tôn vinh những giá trị di sản cha ông để lại, mảng đề tài rất thú vị nhưng cũng vô cùng hóc búa này sẽ là con đường dài mà nhóm nghệ sĩ quyết tâm theo đuổi, với đam mê và những cá tính nghệ thuật vốn đã định hình bấy lâu”, họa sĩ Minh Phố bộc bạch.
Điểm độc đáo và có sức thu hút mạnh mẽ của dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn nghệ sĩ đương đại” chính là việc các nghệ sĩ bằng tài năng của mình đã làm cho “nghệ thuật sống lại trong nghệ thuật”, “văn hóa sống lại trong văn hóa”.
Sức lan tỏa của dự án dường như được nhân bội khi có sự song trùng về “năng lượng cảm xúc” và có sự hòa quyện giữa “truyền thống và hiện đại”.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, kết nối di sản và hội họa là một chủ đề hay, được thực hiện bởi các nghệ sĩ trẻ đam mê, tâm huyết nên càng nhân lên nhiều ý nghĩa và cần được ủng hộ, khuyến khích.
“Ngôn ngữ hội họa khai thác, kể câu chuyện di sản là cách góp phần để công chúng hiểu nhiều hơn, yêu nhiều hơn những giá trị ngàn xưa để lại của cha ông.
Mỗi tác phẩm được khai thác từ chủ đề này không chỉ giúp các nghệ sĩ tiếp tục định hình phong cách, quảng bá tên tuổi mà còn phát huy giá trị di sản, theo con đường riêng để đến với công chúng một cách rộng rãi, ấn tượng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Những trầm tích văn hóa qua góc nhìn đương đại
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông Nguyễn Anh Minh cho biết, ngay khi tiếp cận với dự án, ông đã rất ấn tượng với con đường mà các nghệ sĩ đã chọn. Di sản và hội họa trước đây chưa có nhiều nghệ sĩ chọn lựa để gắn bó lâu dài, là đề tài mang đến nguồn cảm hứng nhưng cũng là thách thức đối với các nghệ sĩ.
“Với vai trò là một Bảo tàng quốc gia về Mỹ thuật, chúng tôi sẽ đồng hành, ủng hộ các nghệ sĩ tham gia dự án bằng nhiều cách, có thể về địa điểm tổ chức triển lãm, có thể là mua các tác phẩm chất lượng, đạt tiêu chí để đưa vào sưu tập của Bảo tàng”, ông Nguyễn Anh Minh cho hay.
Đồng hành và ủng hộ dự án của nhóm H&A ngay từ những ngày đầu tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam- họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ: “Người trẻ vẫn nhớ chuyện “ngày xửa, ngày xưa”, về nét đẹp Việt, văn hóa Việt, tâm hồn Việt, di sản Việt cho đến hôm nay vẫn trường tồn nguyên cốt, nguyên nét xuyên thế kỷ.
Họ đã làm cho người đi trước, người của ngày hôm qua phải thảng thốt, phải giật mình rằng, mình có bao giờ lãng quên nét cũ, duyên xưa của di sản?
Sự đánh thức, sự lay động, sự mách bảo của “ngày xửa, ngày xưa” đã cho những người trẻ mới của thế kỷ này lật những trang mới tinh cho lộ trình đẹp đẽ, sáng sủa của thế hệ mình”.
PGS.TS. Phạm Thái Việt nhận xét, dự án cũng như triển lãm của nhóm nghệ sĩ H&A đã “nhân bội cảm xúc và âm hưởng”: “Bên cạnh việc khẳng định bản sắc, tính độc đáo, không lặp lại và duy nhất của mỗi dân tộc trong dòng chảy của lịch sử nhân loại, di sản văn hóa còn trở thành nguồn tài nguyên của quốc gia khi trở thành đầu vào của Công nghiệp văn hóa, mang lại lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy việc giữ gìn và thắp sáng di sản văn hóa là xu thế tất yếu của thời đại.
Dự án “Di sản văn hóa Việt qua góc nhìn Nghệ sĩ đương đại” do họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố) khởi xướng và thành lập, với mong muốn kế thừa, gìn giữ, phát triển và quảng bá di sản văn hóa Việt đến công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.
Để có thể theo đuổi dự án “đường dài”, các nghệ sĩ trong nhóm sẽ tổ chức những chuyến đi điền dã lấy tư liệu, những chuyến đi trực họa, những cuộc gặp gỡ các nhân vật để tìm hiểu sâu rộng hơn về giá trị của di sản văn hóa Việt.
Dự án được triển khai từ đầu năm 2024 với các chuỗi hoạt động như: gặp gỡ các nghệ sĩ và lên ý tưởng; gặp gỡ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu mỹ thuật có uy tín; nghiên cứu văn hóa mỹ thuật cổ và Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm tranh - tượng “Ngày xửa ngày xưa”...
“Sau Triển lãm “Ngày xửa ngày xưa”, nhóm sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đưa nghệ thuật và di sản vào cuộc sống với các nhánh chủ đề như: Sáng tạo nghệ thuật cùng nghệ sĩ; Di sản qua ánh mắt trẻ thơ… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật thông qua di sản văn hóa ở các vùng miền”, họa sĩ Minh Phố cho biết.
Nhóm Heritage And Art (H&A) gồm 16 nghệ sĩ thuộc các thế hệ 7X, 8X và 9X, có phong cách sáng tác riêng biệt, định hình rõ nét và có vị trí nhất định trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam: Chu Viết Cường (Chu Cường), Lê Thế Anh, Trần Cường, Nguyễn Tiến Dũng, Khổng Đỗ Duy, Nguyễn Thế Hùng, Hồ Hưng, Vương Lê Mỹ Học, Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường), Hoàng Phương Liên, Vũ Thùy Mai, Nguyễn Long (Longnguyenkj), Cao Phương Thảo, Lê Đức Tùng, Trần Thược, Nguyễn Minh (Minh Phố).
“Làm mới chính mình trên cơ sở phong cách đã định hình chính là một thử thách mà mỗi nghệ sĩ cần vượt qua. Tôi sẽ vẫn tiếp nối câu chuyện di sản về Phố - Làng - Hạt gạo và cố gắng ngày càng đào sâu, chiêm nghiệm, bóc tách... để tìm kiếm và khám phá những trầm tích, tìm kiếm những giá trị ẩn tàng qua góc nhìn của thế hệ trẻ đương đại”, họa sĩ Minh Phố bộc bạch.
Họa sĩ Vương Lê Mỹ Học chia sẻ: “Được làm việc trong môi trường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, mỹ thuật là niềm vinh dự, trách nhiệm và tình yêu.
Hàng ngày tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật của các bậc tiền bối qua nhiều thời đại, sự thấm và ngấm từ lúc nào tôi cũng không hay. Niềm vui, sự hứng khởi trong lao động và sáng tác đến với tôi rất tự nhiên, nhẹ nhàng và tôi muốn lan toả tình yêu đó đến với mọi người”.
Họa sĩ Lê Thế Anh bày tỏ: “Tôi tin năng lượng tích cực sẽ mang đến mọi người tinh thần lạc quan, những nghị lực để vượt qua khó khăn thử thách.
Vì vậy, đề tài người vùng cao trong hội họa của tôi, dù vất vả, còn nhiều nghèo khó vẫn toát lên tinh thần can trường, dung hoà với thiên nhiên và yêu thương cuộc sống. Vẻ đẹp thiện lương chính là sự duy mỹ lý tưởng khiến trái tim chúng ta rung động. Chỉ cần thế thôi là đủ!”