Hành trình hồi hương tác phẩm của vua Hàm Nghi
VHO - Du khách Việt Nam và quốc tế đã có cơ hội chiêm ngưỡng 21 tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi ngay tại khu di sản văn hóa Huế. Hành trình hồi cố “di sản” nghệ thuật của vị vua yêu nước trở về quê hương có sự chung tay của nhiều đơn vị, với sự nỗ lực và miệt mài hơn một năm chuẩn bị.
Triển lãm “Trời, Non, Nước” vừa được tổ chức tại tầng hai, điện Kiến Trung, khu di sản Hoàng cung Huế đã thu hút đông đảo du khách tham quan.
Lần đầu tiên, 21 tác phẩm gốc về hội họa của vua Hàm Nghi được giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật, là triển lãm quy mô lớn nhất về tác phẩm của vua Hàm Nghi tại Việt Nam.

Nhiều tác phẩm lần đầu được công bố
Nhiều nhà nghiên cứu, những người yêu mỹ thuật ở khắp các địa phương trong nước đã tìm về Huế để chiêm ngưỡng các tác phẩm gốc của vua Hàm Nghi mà vốn dĩ lâu nay họ chỉ thấy qua hình ảnh, video…
Trước đó, tháng 11.2024, TS Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi đã đại diện gia đình trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tác phẩm “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim” (Algiers). Tác phẩm này đang được trưng bày tại bảo tàng phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu.
Theo TS Amandine Dabat, cuộc đời của vua Hàm Nghi đã sáng tác khoảng hơn 100 tác phẩm, nhưng phần lớn đã bị thất lạc do thời điểm đó ông tặng cho bạn bè, người thân và sau đó được tiếp tục trao lại qua nhiều thế hệ…
Những tác phẩm được “tuyển chọn” cho cuộc triển lãm “Trời, Non, Nước” tại khu di sản Huế có cả các tác phẩm vua Hàm Nghi sáng tác ở Pháp và khi ở Algiers (Thủ đô của Algeria).
Điểm nổi bật những tác phẩm tại triển lãm là các bức tranh lần đầu tiên được công bố. Trước đó, năm 2022 và 2024, TS Amandine Dabat đã phối hợp với các đơn vị tổ chức triển lãm về cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở Nice và tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Phi và châu Á tại Vichy (CH Pháp); nhưng tại triển lãm “Trời, Non, Nước” thì chỉ trưng bày những tác phẩm hội họa chưa từng được trưng bày, ngay cả tại Pháp. TS Amandine Dabat cũng chính là một trong hai giám tuyển của đợt triển lãm lần này.
Giám tuyển Ace Lê đồng thời cũng là Tổng Biên tập Tạp chí Art Rebulik, đơn vị tổ chức triển lãm, thông tin: Khoảng 15 năm trở lại đây, các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi đã được giao dịch thường xuyên trên thị trường nghệ thuật tại Pháp.
Những nhà sưu tập Việt Nam đã phát hiện đời sống nghệ thuật của ông và tham gia đấu giá để sở hữu. Các tác phẩm trưng bày lần này cũng được các nhà sưu tập Việt Nam ở khắp ba miền cho mượn thông qua sự kết nối của Lân Tinh Foundation.
“Từ khi lên kế hoạch triển lãm, chúng tôi đã dành một năm rưỡi chuẩn bị các công đoạn. 10 nhà sưu tập Việt Nam đã bỏ nhiều tài nguyên và công sức để hồi hương tranh và đồng ý cho Ban tổ chức mượn tranh. Cùng với đó các khâu phục chế, bảo quản, thiết kế, sản xuất và vận hành cho triển lãm đều được thực hiện bởi những người Việt, đến từ 30 đối tác với 300 nhân sự”, ông Ace Lê thông tin.

Cuộc hội ngộ đầy cảm xúc nghệ thuật và lịch sử
Theo đại diện Ban Tổ chức, không gian triển lãm diễn ra tại khu di tích quốc gia đặc biệt nên các đơn vị phải có những tính toán kỹ càng, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ trong bảo vệ kết cấu công trình và nội thất của di tích cũng như đảm bảo công tác bảo quản tác phẩm. Cùng với đó, phải cân bằng giữa công tác đảm bảo an ninh cho tranh và trải nghiệm của khách tham quan…
Vua Hàm Nghi bị lưu đày sang Algier từ cuối năm 1888, và ông đã tiếp cận với hội họa phương Tây rồi sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật với nghệ danh Tử Xuân.
Theo các chuyên gia, phần lớn các bức tranh của vua Hàm Nghi xuất hiện trên thị trường đều là tranh được ông vẽ ở Pháp; trong khi đó phần lớn thời gian lưu đày của ông là ở Algier.
Để có được các tác phẩm mà vua Hàm Nghi từng sáng tác ở châu Phi, các giám tuyển và đơn vị tổ chức đã dành công sức tìm kiếm. Trong đó, bức tranh “Quang cảnh dinh thự El Biar” mà vua Hàm Nghi vẽ năm 1901 đã đước giới thiệu đến công chúng.
Được biết, trong số các tác phẩm vừa được trưng bày, phần lớn đến từ bộ sưu tập của Henri Aubé, một sĩ quan người Pháp ở Vichy và là bạn của vua Hàm Nghi.
Qua những nét vẽ, gam màu, ánh sáng và đường nét, người xem cảm nhận được những cung bậc cảm xúc của một vị vua yêu nước bị lưu đày nhưng không đánh mất bản sắc, một người dùng nghệ thuật để giữ gìn tâm hồn Việt Nam trong một thế giới xa lạ.
“Có thể vì lý do chính trị, vua Hàm Nghi đã tránh vẽ cảnh Việt Nam. Ông vẽ cảnh châu Phi hoặc Pháp, nhưng lại luôn ẩn chứa những yếu tố phảng phất gợi nhớ đến làng quê Việt. Thực dân Pháp có thể mang ngài ra khỏi Việt Nam, nhưng không bao giờ mang được Việt Nam ra khỏi Hàm Nghi”, giám tuyển Ace Lê nhận định.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ: Chuyến hồi cố các tác phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi lần này là cuộc hội ngộ đầy cảm xúc nghệ thuật và lịch sử.
Qua đó, mang đến nhiều trải nghiệm và kết nối tình cảm, sự gắn kết giữa đông đảo công chúng trong và ngoài nước; đặc biệt, truyền tải những thông điệp gắn với nhân vật lịch sử qua các giai đoạn bi hùng của đất nước.
Trước đó, cuối năm 2022, TS Amandine Dabat và gia đình trao tặng tác phẩm hội họa “Lac des Alpes” (tạm dịch: Hồ trên dãy núi Alpes) cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Đây là bức tranh gốc có giá trị nghệ thuật do vua Hàm Nghi sáng tác trong giai đoạn 1900-1903 khi ông đang bị lưu đày.
Tác phẩm này hiện đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Năm 2011, bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi được rao đấu giá ở Pháp.
Thời điểm đó, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) đã kết nối tham gia đấu giá nhưng thất bại. Những năm trở lại sau này, các tác phẩm nghệ thuật của vị vua này ngày càng được công chúng quan tâm. Vua Hàm Nghi và họa sĩ Lê Văn Miến được giới chuyên gia đánh giá là hai họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam.
Được biết, Ban Tổ chức triển lãm “Trời, Non, Nước” cũng đang xây dựng kế hoạch để đưa “di sản” nghệ thuật của vua Hàm Nghi đến trưng bày tại các địa phương khác trong nước.