Thêm thông tin quý về cuộc đời của vua Hàm Nghi
VHO - Ngày 5.11, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức tọa đàm, giới thiệu ấn phẩm Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger vừa được xuất bản bằng tiếng Việt vào tháng 10.2024. Bị lưu đày sang Algérie lúc mới 18 tuổi, dù mang thân phận tù nhân chính trị, nhưng vị vua này vẫn dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật.
Cuốn sách do TS Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ năm vua Hàm Nghi, nghiên cứu và biên soạn, được NXB Khoa học xã hội dịch và xuất bản từ bản gốc tiếng Pháp Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger do NXB Sorbonne ấn hành năm 2019. Cuốn sách là một công trình nghiên cứu tâm huyết của TS Amandine Dabat về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi trong vai trò một vị vua yêu nước và là một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Alger. Sách dày hơn 500 trang, trong đó có 71 trang tác phẩm mỹ thuật, 12 trang tác phẩm điêu khắc, 68 trang ảnh tư liệu, thư từ…
Theo TS Amandine Dabat, để thực hiện nghiên cứu này, cô đã dựa vào hai bộ sưu tập quan trọng, gồm: Bộ sưu tập Hàm Nghi do hậu duệ của ông lưu giữ, với khoảng 2.500 tài liệu, chủ yếu là thư từ, bao gồm cả thư ông nhận và các bản thảo ông viết trong thời gian bị lưu đày; và bộ sưu tập từ tài liệu của chính quyền Algérie được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia hải ngoại ở Aix-en-Provence (Pháp).
Bộ tài liệu này chứa đựng những văn bản hành chính và các dự án chính trị của chính phủ Pháp liên quan đến Hàm Nghi, cho ta thấy cách họ nhìn nhận ông như một tù nhân chính trị. Những thư từ trong Bộ sưu tập Hàm Nghi đã cho thấy rõ quan điểm của vua Hàm Nghi về chính quyền Pháp, về chính trị, cũng như các mối quan hệ xã hội và nghệ thuật của mình. Những lá thư này mở ra cái nhìn sâu sắc về mạng lưới xã hội và một phần đời tư của ông. Những tác phẩm nghệ thuật của Hàm Nghi, từ những bức tranh sơn dầu đến các tác phẩm điêu khắc đã phản ánh cách mà ông muốn thể hiện bản thân và quan niệm về thế giới.
Dù mang thân phận tù nhân chính trị nhưng vua Hàm Nghi đã dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật. Nhờ các mối quan hệ với những nhân vật nổi tiếng như nhà điêu khắc Auguste Rodin và nhà văn Judith Gautier, ông dần tiếp cận và hoà mình vào giới nghệ thuật và trí thức đương thời. Dù bị chính quyền Pháp giám sát nghiêm ngặt và coi là mối đe dọa nguy hiểm, ông vẫn giữ được liên lạc với gia đình và quê hương thông qua mạng lưới bạn bè quý tộc giữa Algérie, Đông Dương và Pháp.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, cho biết: Cuốn sách Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger tiếp cận các phông lưu trữ tư nhân và con cháu vua Hàm Nghi theo hướng minh bạch và coi trọng thiết chứng. Vì vậy, giá trị sử học, tư liệu học, thư mục học ở cuốn sách này là rất lớn. Trong chuỗi sự kiện tìm về lịch sử, văn hóa dân tộc thì cuốn sách này xuất hiện vừa đúng lúc và vừa đúng chỗ, đúng thời điểm; là dịp để quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế của Huế như là một trung tâm văn hóa đặc sắc của khu vực và thế giới.
“Nội dung của cuốn sách là lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ, hội họa, điêu khắc, văn chương, chính trị, là tâm sự, cuộc sống, là thư tiếng cá nhân, những biến cố lớn trong cuộc đời mưa Âu, gió Á và càng đặc biệt hơn khi nó gắn với cuộc đời của một vị hoàng đế bị lưu vong. Chưa có một công trình khoa học nào từng cung cấp cho chúng ta những thông tin mới mẻ như vậy về cuộc đời của vua Hàm Nghi từ góc độ của khoa học liên ngành theo đúng nghĩa của cái thuật ngữ này”, ông Cường nhấn mạnh. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết: Trước khi qua đời, vua Hàm Nghi đã để lại một gia tài đồ sộ về nghệ thuật, bao gồm 91 bức tranh và các tác phẩm điêu khắc khác, làm sửng sốt những người ở hậu thế, trong đó có TS Amandine Dabat. Đây được xem như là một nhân duyên thiên định để kết nối TS Amandine tìm hiểu về tổ tiên của mình và cô đã giành hơn 10 năm để làm luận văn tiến sĩ nghiên cứu về vị vua có số phận bi tráng trong lịch sử Việt Nam thay cho ý định nghiên cứu chuyên sâu về khảo cổ học Hy Lạp trước kia.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, những thông tin và tư liệu đồ sộ mà TS Amandine Dabat đã tiếp cận và nghiên cứu được rất hay, nhưng chỉ là một phần chứ chưa hết thông tin, tư liệu về vua Hàm Nghi. Qua những nghiên cứu ý nghĩa về vị vua này, mong sẽ sớm có một Bảo tàng mang tên vua Hàm Nghi tại Huế; có thêm những bộ phim tư liệu hay về vị vua yêu nước này để quảng bá và lan tỏa đến cộng đồng.
Cũng trong cùng ngày 5.11, TS Amandine Dabat đã trao tặng các kỷ vật của vua Hàm Nghi cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, gồm: Hiện vật Khay gỗ khảm xà cừ (kích thước dài 31,4cm; sâu 18,4cm; cao 10cm); bộ sách chữ Hán gồm Ngự chế canh chức đồ (2 quyển), Đan đồ huyện chí (26 quyển), Tăng đính thi kinh thể chí diễn nghĩa (5 quyển). Trong đó, Khay gỗ khảm xà cừ là một trong những hiện vật được đem từ Việt Nam mà vua Hàm Nghi luôn giữ bên mình như một kỷ vật gợi nhớ về quê hương. Còn bộ sách là một trong những cuốn sách vua Hàm Nghi từng đọc và còn lưu giữ được. Những kỷ vật này đã được Trưởng nữ của vị vua này là công chúa Như Mai lưu giữ cẩn thận.
Ngoài ra, các hậu duệ của vua Hàm Nghi cũng trao tặng các hiện vật quý như: Đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã, được sử dụng trong bữa ăn của nhà vua giai đoạn Cần Vương 1885 - 1889; Đôi tiềm bằng sứ, vật dụng của gia đình vua Hàm Nghi.