Sân khấu Việt Nam - Nhịp cầu hữu nghị Việt - Nga:
Khi nghệ thuật trở thành sứ giả hữu nghị
VHO -Từ ngày 15 - 27.7.2025, trong khuôn khổ chương trình Sân khấu Việt Nam – Nhịp cầu hữu nghị Việt – Nga, Sân khấu Lệ Ngọc sẽ mang vở kịch Lá đơn thứ 72 sang lưu diễn tại Moscow và St. Petersburg (Liên bang Nga).
Bữa tiệc đa sắc tại xứ sở Bạch Dương
Với mong muốn đem đến cho cộng đồng người Việt tại Nga “bữa tiệc đa sắc”, bên cạnh Lá đơn thứ 72, Sân khấu Lệ Ngọc đã dàn dựng Chương trình Bản trường ca hữu nghị Việt – Nga , với thời lượng 120 phút, kết hợp giữa âm nhạc, sân khấu, múa và trình diễn trang phục dân tộc. Mỗi tiết mục là một chương hồi nghệ thuật giàu cảm xúc, tái hiện chặng đường 75 năm gắn bó bền chặt giữa hai quốc gia – từ những tháng năm chiến tranh đến hành trình hợp tác hòa bình hôm nay.

Dưới bàn tay dàn dựng của tổng đạo diễn NSƯT Văn Hải và sự tư vấn nội dung từ NSND Trịnh Thúy Mùi, chương trình được chăm chút kỹ lưỡng từ nội dung đến hình thức. Đó là các tiết mục giàu bản sắc như: Giữa Mát-xcơ-va nghe câu hò Nghệ Tĩnh (Hà Quỳnh Như), Xẩm – Lấy chồng già (NSND Thuý Mùi), Chèo cổ – Thị Mầu lên chùa (NSND Thuý Mùi – NSND Lệ Ngọc minh họa), Một vòng Việt Nam (NSƯT Hoàng Tùng, NS Công Phùng, NS Hoàng Nam)... và đặc biệt là đại cảnh tâm linh Hầu đồng – Ngũ biến kéo dài 45 phút – một tiết mục dàn dựng công phu, vừa linh thiêng vừa mãn nhãn.
Nhiều phong cách nghệ thuật từ dân ca, xẩm, chèo cổ cho đến nhạc trữ tình, múa dân gian và thời trang truyền thống sẽ cùng hội tụ trong một đêm diễn, mở ra không gian giao thoa giữa hai nền văn hóa. Các nghệ sĩ không chỉ biểu diễn mà còn trở thành “sứ giả nghệ thuật”, lan tỏa thông điệp về sự đoàn kết, đồng điệu giữa hai dân tộc Việt – Nga.
Được xem là “xương sống” của chương trình, Lá đơn thứ 72 là một lựa chọn không thể bỏ qua cả về nội dung tư tưởng, chất lượng vở diễn lẫn hành trình gian nan để đưa vở diễn đến được với nước Nga. Vở diễn lấy cảm hứng từ một vụ án có thật, xoay quanh câu chuyện cảm động về ông Đỗ Văn Chồi, người kiên trì suốt 8 năm kêu oan bằng 72 lá đơn gửi tới Bác Hồ.

Câu chuyện được nghệ thuật hóa sâu sắc bởi tác giả Hoàng Thanh Du, đạo diễn NSND Lê Tiến Thọ, và một ê kíp sáng tạo tâm huyết.
Tại Việt Nam, vở đã trải qua hơn 300 đêm diễn luôn cháy vé, nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ khán giả trong nước. Không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia, Lá đơn thứ 72 còn từng được biểu diễn tại Lào và Trung Quốc, gây ấn tượng mạnh mẽ và để lại dư âm sâu sắc về tinh thần nhân văn và giá trị tư tưởng trong tác phẩm.
Với lối dàn dựng chặt chẽ, sân khấu tối giản nhưng tinh tế, cùng sự hóa thân sâu sắc vào nhân vật của các nghệ sĩ như NSND Lệ Ngọc, NSƯT Văn Hải, NSUT Hoàng Tùng, Anh Tuấn..., Lá đơn thứ 72 không chỉ là một vở diễn, mà là lời tri ân chân thành gửi tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã không chỉ lãnh đạo cách mạng mà còn dành từng hơi thở cho công lý và hạnh phúc của nhân dân.
Vở diễn cũng phản ánh nhiều vấn đề xã hội nóng hổi như oan sai, tham nhũng, thói vô cảm của một bộ phận cán bộ, nhưng được thể hiện thông minh, sắc sảo, đầy chất nghệ thuật. Tiếng cười bật ra từ những nhân vật phụ như điều tra viên Tùng, công an khu phố… cũng chính là tiếng cười phê phán mang tính phản biện sâu sắc.
Lệ Ngọc, Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Sân khấu Lệ Ngọc biểu diễn tại Nga. Chúng tôi nhắm đến các trường đại học tại Nga, nơi có nhiều sinh viên Việt Nam và bạn bè quốc tế. Qua vở diễn Lá đơn thứ 72, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp sống, học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, hướng về cội nguồn, về lý tưởng chân chính của Đảng và dân tộc”.

Đây cũng là cách để cộng đồng người Việt tại Nga, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu thêm về lòng tin mãnh liệt vào công lý, vào Đảng, như chính cách nhân vật Đỗ Minh (hình tượng của Đỗ Văn Chồi trong vở kịch) không ngừng đóng Đảng phí dù bị tước quyền công dân. Những chi tiết ấy, đầy tính biểu tượng, khiến người xem không chỉ xúc động mà còn tự hào về truyền thống dân tộc.
Chuyến đi vượt gian nan của những nghệ sĩ xã hội hóa
Là một đơn vị xã hội hóa, tự chủ hoàn toàn về tài chính, Sân khấu Lệ Ngọc đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn để tổ chức chuyến đi đầy ý nghĩa này.
NSƯT Văn Hải, Giám đốc sản xuất, Chỉ đạo nghệ thuật Sân khấu Lệ Ngọc, đồng thời là người thủ vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở diễn, tiết lộ: “Chỉ riêng việc đưa sang một chiếc ghế mây, giống chiếc ghế Bác Hồ từng ngồi cũng đã tốn hàng chục triệu đồng tiền vận chuyển. Thiết kế cũng phải làm lại hết, để không phải mang từ Nga sang cồng kềnh, tốn kém. Là sân khấu xã hội hóa nên chúng tôi không có đội ngũ cơ hữu đủ cho một kịch. Do diễn viên thì không cố định, phải thay vai gấp mà vẫn phải tập luyện cật lực để không làm ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật. Chuyến đi lần này, quy tụ 25 nghệ sĩ".

Ngay từ khi thông tin lưu diễn được công bố, cộng đồng người Việt tại Nga đã háo hức chờ đón. Trên các trang mạng xã hội, lượng người đăng ký vé tăng không ngừng. Các buổi biểu diễn tại Đại học Sư phạm Quốc gia Nga và các trung tâm văn hóa tại Moscow, St. Petersburg được kỳ vọng là cầu nối tinh thần vững chắc giữa kiều bào và Tổ quốc.
Chương trình nghệ thuật Bản trường ca hữu nghị Việt – Nga và vở kịch Lá đơn thứ 72 biểu diễn tại Nga lần này không chỉ là một cột mốc trong hành trình của Sân khấu Lệ Ngọc, mà còn là một minh chứng cho nỗ lực không mệt mỏi của nghệ sĩ tư nhân vì nghệ thuật phụng sự cộng đồng. Trong thời điểm sân khấu xã hội hóa còn nhiều khó khăn, đây chính là một ngọn lửa nghệ thuật được nhóm lên từ tâm huyết, lòng yêu nước và sự tri ân sâu sắc với Bác Hồ. “Khi nhân dân còn gửi đơn thư là còn tin ở chính quyền, ở công lý” – câu nói của Bác Hồ trong vở diễn Lá đơn thứ 72 như lời nhắn nhủ mạnh mẽ gửi tới hôm nay và mai sau.
Chương trình được tổ chức dưới sự giới thiệu của Bộ VHTTDL Việt Nam, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga và sự phối hợp từ Viện Hồ Chí Minh – Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg. Trung tâm Thương mại Hà Nội – Moskva đóng vai trò đồng hành tài trợ địa điểm tổ chức, góp phần kiến tạo không gian nghệ thuật trang trọng và gần gũi ngay giữa lòng nước bạn.