Đào tạo ngành Sân Khấu - Điện Ảnh:
Từ nhận diện vấn đề đến hành động
VHO - Tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy và học của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM” diễn ra vừa qua, các đại biểu đã thẳng thắn thừa nhận những bất cập trong chương trình đào tạo, đồng thời đưa ra các giải pháp thực tiễn nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng học tập, giúp sinh viên đáp ứng tốt hơn yêu cầu của ngành công nghiệp sáng tạo trong thời kỳ mới.

Chương trình đào tạo: Thiếu liên kết, thừa hình thức
Theo TS Phạm Huy Quang, Quyền Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trưởng BTC Hội thảo, giáo dục đại học đang đối mặt với những yêu cầu đổi mới mạnh mẽ để bắt kịp xu thế hội nhập. Nâng cao chất lượng đào tạo không chỉ là mục tiêu trọng tâm mà còn là động lực phát triển bền vững của mỗi cơ sở giáo dục.
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim TFS, Đài Truyền hình TP.HCM nhận định: Trong bối cảnh giáo dục 4.0 với triết lý “lấy người học làm trung tâm”, mục tiêu cuối cùng của đào tạo là trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng thực tiễn để làm việc và phát triển nghề nghiệp.
Tuy nhiên, chương trình hiện tại còn thiếu nhiều yếu tố cốt lõi. Một trong những bất cập lớn là sự rời rạc giữa các môn học, khiến chương trình thiếu tính liên kết và bổ trợ lẫn nhau. Dù có đầy đủ tên gọi, nhiều môn lại thiếu chiều sâu, không gắn liền với thực tế nghề nghiệp.
Điều này khiến giảng viên chậm đổi mới phương pháp giảng dạy, trong khi sinh viên học mà không hiểu rõ mục tiêu, dẫn đến tình trạng đào tạo thiếu hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, cần một cuộc “giải phẫu” triệt để, không chỉ chỉnh sửa mà phải tái cấu trúc chương trình một cách khoa học, đảm bảo tính liên thông giữa các học phần, gắn kết chặt chẽ với yêu cầu của ngành công nghiệp sáng tạo.
Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển, chương trình đào tạo ngày càng tập trung vào việc trang bị cho sinh viên những kỹ năng linh hoạt, giúp họ thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường làm việc.
Để không bị tụt hậu, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cần mở rộng và bổ sung các môn học mang tính ứng dụng cao, không chỉ hỗ trợ chuyên ngành chính mà còn đáp ứng xu hướng nghề nghiệp hiện tại, như: Sản xuất nội dung số, Phim chiếu mạng (web drama), Kể chuyện đa phương tiện (multimedia storytelling)… sẽ giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện hơn, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình hay sân khấu, mà còn mở rộng sang các nền tảng kỹ thuật số, nơi ngành công nghiệp giải trí đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của vũ đạo trong đào tạo diễn viên Cải lương. Theo ông, đây không chỉ là kỹ năng biểu diễn mà còn là phương tiện truyền tải tâm lý, cảm xúc và tính cách nhân vật, góp phần tạo nên nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật này.
Tuy nhiên, thực tế giảng dạy môn vũ đạo Cải lương hiện nay vẫn còn nhiều bất cập: Cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu, đội ngũ giảng viên còn thiếu, phương pháp giảng dạy chưa đổi mới. Đặc biệt, sinh viên ít có cơ hội tiếp xúc với các nghệ nhân vũ đạo Cải lương - những người có thể truyền đạt kinh nghiệm và tinh hoa của bộ môn này.
“Vũ đạo không chỉ đơn thuần là động tác hình thể mà còn là linh hồn của nhân vật trên sân khấu. Nếu không được đầu tư bài bản, diễn viên sẽ thiếu đi một phần quan trọng trong kỹ năng biểu diễn, ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm nghệ thuật”, theo NSƯT Lê Nguyên Đạt.
Cải tiến cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp, thúc đẩy sáng tạo
Chia sẻ về vai trò của âm nhạc trong điện ảnh và sân khấu, NSND Hồ Văn Thành nhấn mạnh, sự phát triển đa dạng của ngành Điện ảnh - Truyền hình đòi hỏi nghệ thuật âm nhạc phải không ngừng sáng tạo, đổi mới để phù hợp với tổng thể tác phẩm.
Dù đã có những nỗ lực trong việc trang bị phương tiện phục vụ giảng dạy nhạc phim và âm nhạc sân khấu, nhưng hệ thống thiết bị hiện nay đã lỗi thời, không đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ kết nối âm nhạc với điện ảnh và sân khấu vẫn chưa đạt chuẩn, gây khó khăn trong việc đo lường hiệu quả và phát huy tính sáng tạo trong xử lý âm thanh.
Không chỉ thiếu hụt về công nghệ, việc sử dụng âm nhạc trong các tác phẩm điện ảnh - sân khấu đôi khi còn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến những quan điểm sai lệch. Nhiều sản phẩm của sinh viên dù có nội dung tốt nhưng không thể tham gia các liên hoan phim, cuộc thi hay trình chiếu trên nền tảng số vì sử dụng nhạc không bản quyền hoặc không phù hợp.
“Việc lạm dụng nhạc có sẵn từ các nguồn khác khiến đạo diễn mất đi dấu ấn sáng tạo riêng. Khi một bộ phim hay vở diễn sử dụng nhạc từ những tác phẩm nổi tiếng, khán giả dễ bị phân tâm, làm giảm sức hút của nội dung chính. Hơn nữa, vấn đề bản quyền cũng là một rào cản lớn, có thể ảnh hưởng đến giá trị của tác phẩm và cơ hội phát hành”, NSND Hồ Văn Thành nhận định.
Còn theo đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, để cải thiện chất lượng đào tạo, cần có kế hoạch chi tiết và lộ trình thực hiện rõ ràng. Ông nhấn mạnh: Luật Giáo dục Việt Nam đã trao quyền tự chủ cho các trường đại học, cho phép họ xây dựng chương trình, giáo trình và kế hoạch giảng dạy. Dựa trên nguyên tắc “lấy người học làm trung tâm”, các hội đồng khoa học và đào tạo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc rà soát, điều chỉnh và thiết kế chương trình sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng đề xuất, cấu trúc chương trình đào tạo ngành phim ảnh cần được xây dựng thành ba nhóm nội dung chính: Kiến thức nền tảng về điện ảnh - truyền hình, giúp sinh viên hiểu về lịch sử, lý thuyết, ngôn ngữ điện ảnh, truyền hình, từ đó phát triển tư duy nghệ thuật vững chắc; Kỹ năng chuyên ngành, tập trung vào các kỹ thuật cần thiết để sinh viên có thể thực hiện một dự án phim, bao gồm vai trò đạo diễn, quay phim, diễn viên; Thực hành và sáng tạo, giúp sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tế, rèn luyện tư duy sáng tạo và nâng cao khả năng làm việc nhóm.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS. TS.NGƯT Phan Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Bà cho rằng, việc đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ tài chính cho sinh viên, cũng như khuyến khích sáng tạo thông qua các cuộc thi và liên hoan phim là những yếu tố thiết yếu giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Bà Bích Hà cũng kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, trường học, các hãng phim, nhà sản xuất và đội ngũ làm phim nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo gắn liền với thực tiễn, góp phần phát triển bền vững cho điện ảnh TP.HCM trong tương lai.
Hội thảo tập trung thảo luận về những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo, gồm: Rà soát, cập nhật chương trình giảng dạy theo hướng sáng tạo và ứng dụng công nghệ; Tăng cường thực hành, giúp sinh viên phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm; Mở rộng hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo thêm cơ hội kiến tập, thực tập và sản xuất thực tiễn; Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua bồi dưỡng chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế.
Những giải pháp này không chỉ giúp sinh viên có hành trang vững chắc trước khi bước vào nghề mà còn góp phần đưa nền điện ảnh - truyền hình Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hội nhập.