Bàn giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngành Sân khấu - Điện ảnh
VHO - Ngày 28.2, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng dạy và học của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM”, với sự tham gia của giảng viên, nghệ sĩ, chuyên gia lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, giáo dục và sinh viên.

Theo TS Phạm Huy Quang - Quyền Hiệu trưởng, Trưởng BTC Hội thảo, trong bối cảnh giáo dục đại học đang có những chuyển biến mạnh mẽ trước yêu cầu đổi mới và hội nhập, việc nâng cao chất lượng dạy và học không chỉ là mục tiêu trọng tâm mà còn là động lực phát triển bền vững của mỗi cơ sở đào tạo.
Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật Sân khấu, Sân khấu kịch hát, Điện ảnh - Truyền hình, Thiết kế mỹ thuật và Nhiếp ảnh cùng các ngành công nghiệp sáng tạo.
Việc không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, cập nhật xu hướng đào tạo hiện đại là vô cùng cấp thiết.

“Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia và sinh viên cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến và giải pháp thực tiễn để nâng cao chất lượng dạy và học”, TS Phạm Huy Quang cho biết.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS.NGƯT Phan Thị Bích Hà, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCMnhấn mạnh về sự cần thiết nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.
Theo bà, sự phát triển bền vững của ngành Điện ảnh TP.HCM phụ thuộc vào một hệ thống đào tạo bài bản, giúp sinh viên có nền tảng kiến thức vững chắc, kỹ năng thực hành chuyên nghiệp và tư duy sáng tạo.
Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM đề cập đến vai trò quan trọng của chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bao gồm việc đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ tài chính cho sinh viên, và khuyến khích sáng tạo thông qua các cuộc thi và liên hoan phim.
PGS.TS Phan Thị Bích Hà kêu gọi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan Nhà nước, trường học, các hãng phim, nhà sản xuất và đội ngũ làm phim để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành điện ảnh TP.HCM trong tương lai.

NSƯT Lê Nguyên Đạt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học môn vũ đạo, qua đó nhằm phát triển nghề nghiệp cho diễn viên Cải lương và bảo tồn, phát huy nghệ thuật này.
Theo NSƯT Lê Nguyên Đạt, vũ đạo là một yếu tố quan trọng trong sân khấu Cải lương, góp phần tạo nên đặc trưng của loại hình nghệ thuật sân khấu Cải lương.
Vũ đạo không chỉ là những động tác thể hình mà còn thể hiện tâm lý, cảm xúc và tính cách nhân vật, qua đó truyền tải nội dung nghệ thuật đến công chúng.
“Môn học Vũ đạo đóng vai trò then chốt trong quá trình đào tạo diễn viên, giúp sinh viên có kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế giảng dạy môn này vẫn tồn tại một số vấn đề, như thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chưa đủ, phương pháp giảng dạy thiếu sáng tạo.
Bên cạnh đó, sinh viên chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nghệ nhân vũ đạo Cải lương”, NSƯT Lê Nguyên Đạt chia sẻ.
Từ đó, ông đề xuất các giải pháp để cải thiện chất lượng dạy và học vũ đạo. Trong đó bao gồm tăng cường giảng viên chuyên môn, kết hợp lý thuyết và thực hành; cập nhật giáo trình, bảo tồn giá trị vũ đạo Cải lương.
Bên cạnh đó, cần cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và âm nhạc hỗ trợ; Khuyến khích sinh viên tự học, tham gia biểu diễn, hội thi để tiếp xúc với sân khấu chuyên nghiệp.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề trọng tâm, như rà soát và cập nhật chương trình đào tạo các chuyên ngành tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM; đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng sáng tạo, ứng dụng công nghệ và tăng cường thực hành.
Cùng với đó, việc phát triển kỹ năng cho sinh viên, đặc biệt là kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và làm việc nhóm, cũng được nhấn mạnh để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động nghệ thuật hiện nay.
Ngoài ra, Hội thảo còn đề xuất tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, mở rộng cơ hội kiến tập, thực tập, sản xuất và biểu diễn thực tiễn cho sinh viên.
Một giải pháp quan trọng khác là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua bồi dưỡng chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế.
Từ những thảo luận này, Hội thảo đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kết nối và định hướng chiến lược dài hạn cho sự phát triển của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.