Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024:

Nơi hội tụ những tác phẩm xuất sắc

HIỀN LƯƠNG

VHO - Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở VHTT Hà Nội tổ chức, diễn ra từ ngày 1 - 9.11 tại nhiều địa điểm trên địa bàn Thủ đô sẽ cống hiến cho giới mộ điệu những tác phẩm nghệ thuật sân khấu đỉnh cao. Tiêu chí xuất sắc, mới lạ được BTC đặt lên hàng đầu, vì vậy chỉ có 11 đơn vị với 11 tác phẩm tham gia dự thi…

Nơi hội tụ những tác phẩm xuất sắc - ảnh 1
BTC thông tin về Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024

 Sự kiện là hoạt động nghệ thuật quy mô toàn quốc, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024). Được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, Liên hoan nhằm nâng cao giá trịvăn hóa, nghệ thuật; giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội trong suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình…

Phát biểu tại cuộc họp báo giới thiệu về sự kiện, TS Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật khẳng định: Đây là dịp đánh giá hoạt động sân khấu Thủ đô suốt hai năm qua; là cơ hội để các đơn vịgiao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình lao động nghệ thuật, từ đó định hướng sáng tạo ra nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao phục vụ khán giả trong thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Đăng Chương thông tin, kỳ Liên hoan này có sự mở rộng khi không chỉ các đơn vịtrên địa bàn Hà Nội mà cả các đơn vịsân khấu trên cả nước đều có cơ hội tham gia. Sự kiện quy tụ 11 đơn vịnghệ thuật chuyên nghiệp với 11 tác phẩm mới được dàn dựng, chưa tham dự các cuộc thi, liên hoan do Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, gồm: Khoảng trống (Nhà hát Kịch Hà Nội), Cánh cửa khép hờ (Nhà hát Cải lương Việt Nam); Hồ Xuân Hương (Nhà hát Chèo Hải Phòng), Sóng ven đô (Nhà hát Chèo Bắc Giang), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà hát Chèo Quân đội), Hoàng đế cờ lau (Nhà hát Múa rối Thăng Long), Ông không phải là bố tôi (Nhà hát Tuổi Trẻ), Hoàng Thành Thăng Long (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Lý Thường Kiệt (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Người hát Ả đào (Nhà hát Chèo Hà Nội), Lộ hàng (Sân khấu Lucteam).

Các tác phẩm đều có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng; phản ánh sinh động mọi mặt của đời sống xã hội, đất nước, con người. Nhiều tác phẩm gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa Hà Nội trong quá khứ và hiện tại; đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn; lên án cái xấu, cái ác, sự thấp hèn; có tác động tích cực đến đời sống cộng đồng, thể hiện rõ các chức năng, nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ…

Nơi hội tụ những tác phẩm xuất sắc - ảnh 2
Vở Hoàng thành Thăng Long của Nhà hát Múa rối Việt Nam

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: “Sở và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã chuyển vé mời cho các đơn vị nghệ thuật để đưa tới khán giả yêu sân khấu, đồng thời dành một lượng vé nhất định cho đối tượng HSSV đang theo học tại các cơ sở đào tạo sân khấu để các em có điều kiện học hỏi, tìm hiểu thực tế, nâng cao kỹ năng sáng tạo, biểu diễn”.

Khán giả Thủ đô có thể thưởng thức miễn phí các tác phẩm tham gia Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 tại Rạp Đại Nam (89 Phố Huế, Hai Bà Trưng), Rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm), Rạp Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng), Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, Thanh Xuân), Sân khấu biểu diễn rối nước Hoàng thành Thăng Long (19C Hoàng Diệu, Ba Đình).