Sân khấu cuối năm náo nức với nhiều sân chơi lớn
VHO - Trong tháng 10 và 11 tới đây, tại TP Cần Thơ, Hà Nội và TP.HCM sẽ diễn ra ba ngày hội lớn của giới sân khấu, gồm Liên hoan Cải lương toàn quốc, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024 và Liên hoan Sân khấu TP.HCM. Tuy nhiên, bên cạnh không khí háo hức, khẩn trương chuẩn bị vở diễn để tranh tài, giới nghề vẫn đang nặng lòng với không ít lo toan, trăn trở…
Hội tụ nhiều vở diễn chất lượng cao
Theo đó, Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 20.10 - 5.11 tại TP Cần Thơ, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Công văn của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, các đơn vị sẽ gửi bản đăng ký tham gia về Cục trước ngày 25.9. Đối tượng tham gia gồm các đơn vị nghệ thuật (ĐVNT) Cải lương chuyên nghiệp trong và ngoài công lập (là đơn vị có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm tham gia). Bên cạnh đó là các ĐVNT Trung ương (thuộc Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và các ĐVNT địa phương…
BTC không hạn chế về đề tài; vở diễn tham gia phải được cơ quan chức năng chấp thuận trước 15 ngày (tính đến thời điểm khai mạc); được dàn dựng mới hoặc được phục dựng với đội ngũ sáng tạo mới từ năm 2017 đến nay; chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ VHTTDL, Hội chuyên ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và địa phương tổ chức. Không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài. Trường hợp kịch bản sáng tác trước năm 2005 sau khi đã chỉnh lý cho phù hợp với hiện tại phải có sự đồng ý của tác giả (hoặc người đại diện hợp pháp) được phép tham gia.
Đối với Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024, ông Trịnh Xuân Tiến, Phó Chánh văn phòng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thông tin, sự kiện được phát triển từ Liên hoan Sân khấu Thủ đô trước đây, sẽ diễn ra từ ngày 1 - 10.11, nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10.10. Sự kiện do Sở VHTT Hà Nội chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, nhằm nâng cao giá trị văn hóa nghệ thuật Thủ đô, giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Hà Nội ngàn năm văn hiến và của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng, phát triển Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình. Theo thông tin ban đầu, Nhà hát chèo Hà Nội sẽ tham dự với vở Người hát Ả đào; Nhà hát Cải lương Hà Nội với vở Lý Thường Kiệt…
Liên hoan Sân khấu TP.HCM năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 11, nối tiếp ngay sau Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024 và dành riêng cho thể loại kịch nói. Với chủ đề Khát vọng phương Nam, sự kiện nhằm thiết thực hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), được UBND TP.HCM giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP.HCM cùng một số Sở, ban, ngành tổ chức.
BTC không hạn chế về đề tài; khuyến khích các vở diễn có nội dung ca ngợi về truyền thống cách mạng vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; những thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM… Vở diễn tham gia phải được dàn dựng từ năm 2021 đến nay và những vở diễn được phục dựng với thành phần sáng tạo mới nhưng đơn vị chưa đoạt giải tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.
Còn đó những lo toan, trăn trở…
Bày tỏ niềm vui sau nhiều năm mong đợi, TP.HCM mới lại có một liên hoan sân khấu cho riêng mình, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM chia sẻ: “Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có hoạt động kịch nói mạnh nhất cả nước, cả về số lượng ĐVNT lẫn nhu cầu công chúng… Thế nên, việc có một liên hoan sân khấu mang dấu ấn TP.HCM là điều người làm nghề mong mỏi từ lâu”.
Với tâm trạng phấn khởi, náo nức, ông Hà Quốc Cường, Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM cho biết, anh chị em nghệ sĩ đang rất mong chờ tham dự Liên hoan Sân khấu TP.HCM năm 2024. Hiện, đơn vị đang có hai vở, một theo đề tài về xu hướng tương lai và một vở đề tài về cách mạng theo góc nhìn nhân văn trong cuộc chiến. Tương tự, Nhà hát Kịch Idecaf thông tin sẽ đưa vở Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử đến Liên hoan; Nhà hát Kịch 5B đang chuẩn bị vở Đồng chí để tranh tài…
Ngược lại với tâm trạng này, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam tiếc nuối cho biết, do khó khăn nên Nhà hát chỉ tham gia Liên hoan sân khấu Hà Nội chứ không thể đến với Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024: “Rất buồn, nhưng hiện tại chúng tôi không sắp xếp được kinh phí”.
Một số ý kiến lo ngại rằng, Liên hoan Kịch nói toàn quốc vừa diễn ra hồi tháng 6, nay cả ba sự kiện cùng diễn ra trong quý IV thì e là các đơn vị sẽ gặp khó khăn về kịch bản cũng như tài chính. Chia sẻ vấn đề này, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM Trần Ngọc Giàu bày tỏ: “Do sang năm 2025, cả nước có nhiều sự kiện lớn nên các liên hoan cùng rơi vào thời điểm này, khiến chúng ta có cảm giác gấp gáp và mật độ nhiều. Nhưng với tinh thần quyết tâm, kỳ vọng và phấn chấn, tôi tin rằng các anh chị em nghệ sĩ sẽ cố gắng tập trung để xây dựng những tác phẩm chất lượng tốt, tạo ra một Liên hoan mang sắc thái riêng đầy hấp dẫn”, NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.