Sân khấu truyền thống “kể chuyện” đất nước bằng nghệ thuật

THÙY TRANG

VHO - Hòa cùng không khí rộn ràng của kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5, các sân khấu tại TP.HCM đồng loạt “sáng đèn” với nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc.

Sân khấu truyền thống “kể chuyện” đất nước bằng nghệ thuật - ảnh 1
Cảnh trong vở “Đồng chí” của Hội Sân khấu TP.HCM, kể câu chuyện đầy trăn trở của người lính trong thời bình

 Không chỉ có những sự kiện ngoài trời sôi động, sân khấu truyền thống cũng trở thành điểm hẹn văn hóa thu hút công chúng, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Điểm nhấn đáng chú ý là loạt vở diễn mang đậm giá trị lịch sử và chiều sâu nghệ thuật, được đầu tư dàn dựng công phu, góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong từng lớp khán giả.

Ông Nguyễn Trung, Chánh Văn phòng Hội Sân khấu TP.HCM cho biết, để chào mừng đại lễ 30.4, các sân khấu của thành phố đã tăng cường dàn dựng và biểu diễn nhiều tác phẩm truyền thống, cách mạng tiêu biểu như: Đồng chí (Hội Sân khấu TP.HCM), Ngày ấy Cổng Trời (Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi), Người ven đô, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Hào kiệt Lam Sơn, Anh hùng đất phương Nam...

Trong hai đêm cuối tuần qua, tại rạp Hưng Đạo - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi đã phối hợp cùng CLB Doanh nhân Sài Gòn mang đến hai suất diễn Ngày ấy Cổng Trời. Tác phẩm do NSND Trịnh Kim Chi đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu chỉ đạo nghệ thuật, lấy bối cảnh tại Cổng Trời (Quảng Bình), nơi những nữ thanh niên xung phong quả cảm vượt qua hiểm nguy, mở đường cho bộ đội vượt tuyến.

Dưới mưa bom, bão đạn, họ vẫn rực sáng tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, thắp lên ngọn lửa lý tưởng, tình yêu đất nước và khát vọng hòa bình.

Vở diễn từng giành HCB tại Liên hoan Sân khấu TP.HCM lần thứ nhất năm 2024, cùng loạt giải thưởng quan trọng như: Thiết kế sân khấu xuất sắc, Ánh sáng xuất sắc, HCV cá nhân cho nghệ sĩ Đào Vân Anh (vai Phúc)... Đặc biệt, 50% số vé hai đêm diễn được dành tặng cho lực lượng vũ trang, cán bộ, sinh viên và học sinh TP.HCM - như một lời tri ân lặng lẽ mà sâu sắc.

Cũng tại Nhà hát Trần Hữu Trang, tối 26.4, vở cải lương kinh điển Tiếng hò sông Hậu đã trở lại trong diện mạo mới. Tác phẩm của soạn giả Điêu Huyền lần này được đạo diễn Hoa Hạ làm mới, chuyển tải mạnh mẽ tinh thần quật cường của người nông dân Nam Bộ trong kháng chiến.

Với sự tham gia của những gương mặt trẻ giàu nội lực như Lê Tứ, Hoàng Hải, Thu Vân, Điền Trung..., vở diễn là một bản anh hùng ca bi tráng, thấm đẫm cảm xúc và giá trị lịch sử.

Một điểm nhấn khác là vở tuồng cổ Câu thơ yên ngựa (tác giả Hoàng Yến, chuyển thể: Ngọc Văn - Thanh Tòng) do gia tộc nghệ sĩ cải lương tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Tòng thực hiện cùng sân khấu Đại Việt.

Vở diễn do đạo diễn Hoa Hạ dàn dựng, quy tụ dàn nghệ sĩ gạo cội như NSND Quế Trân, NSƯT Tú Sương, NSƯT Võ Minh Lâm, NSƯT Chí Linh..., tái hiện khí phách anh hùng và lòng trung nghĩa qua lăng kính nghệ thuật truyền thống.

Không kém phần sôi động, các sân khấu xã hội hóa cũng tích cực mang đến cho khán giả nhiều lựa chọn phong phú. Nhà hát kịch IDECAF tiếp tục phục vụ công chúng với loạt vở hài, tâm lý, thiếu nhi hấp dẫn như Cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên, 12 bà mẹ, Vàng ơi là vàng, Tấm Cám đại chiến, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài ngoại truyện...

Trong chuỗi hoạt động nghệ thuật đặc biệt dịp lễ 30.4 và 1.5, IDECAF thu hút sự chú ý với dự án sân khấu lịch sử Lệ Chi Viên (Bí mật vườn Lệ Chi).

Vở diễn được phóng tác từ kịch bản nổi tiếng của tác giả Hoàng Hữu Đản, do nghệ sĩ Quang Thảo biên tập, đạo diễn và đảm nhiệm vai chính, tái hiện một trong những kỳ án lịch sử gây tranh cãi nhất triều Hậu Lê: Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ.

Năm 1442, Vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà tại vườn Lệ Chi, Nguyễn Trãi bị cáo buộc mưu sát, bị tru di tam tộc. Mãi đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông mới chính thức minh oan cho ông - người được hậu thế vinh danh là “anh hùng văn võ toàn tài”.

Không dừng lại ở một tác phẩm sân khấu thông thường, Lệ Chi Viên là điểm nhấn của chương trình “Sân khấu Sử Việt học đường” do IDECAF phát động. Dự án hướng tới lan tỏa tình yêu lịch sử tới thế hệ trẻ, đồng thời phản ánh những giá trị vượt thời gian như công lý, danh dự và cái giá của quyền lực.

Với vở diễn này, IDECAF mong muốn thổi một luồng sinh khí mới vào sân khấu lịch sử, đưa câu chuyện bi tráng ấy trở thành chất liệu để suy ngẫm về lẽ phải và sự công bằng trong mọi thời đại.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sản xuất, từ cuối năm 2024, ê kíp sáng tạo đã có hành trình điền dã dài ngày đến các địa danh gắn với cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Trãi.

Đoàn đã đến Bắc Ninh, Hải Dương, Gia Bình - nơi có vườn vải Lệ Chi - để tìm lại dấu tích lịch sử, lắng nghe những câu chuyện dân gian còn sót lại. Hành trình còn dẫn về Quốc Tử Giám (Hà Nội) - trung tâm văn hóa giáo dục Nho học thời Lê, và các vùng cố đô Ninh Bình, Huế để “chắt lọc tinh thần chính khí đất Việt”, đưa vào từng chi tiết phục dựng.

Lệ Chi Viên không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà còn là lời nhắc nhớ về những điều trường tồn trong lịch sử: Lẽ công bằng đôi khi đến muộn, danh dự có thể bị chà đạp nhưng không bao giờ mất đi.

Qua lăng kính sân khấu hiện đại, câu chuyện được kể lại bằng nghệ thuật - đầy xúc cảm, đầy suy ngẫm, giúp khán giả thêm yêu lịch sử và hiểu sâu những giá trị đạo lý, nhân văn.

Song song với vở diễn mang tính học thuật và chiều sâu tư tưởng, Nhà hát Thanh Niên cũng khuấy động không khí lễ hội với loạt tác phẩm giải trí mang màu sắc trẻ trung, sôi động: Đại hội yêu quái 7 con yêu nhền nhện, Tung hoành Pattaya, Thanh Xà - Bạch Xà ngoại truyện, Lạc lối ở Bangkok...

Sự đa dạng trong đề tài, phong cách dàn dựng và cách tiếp cận khán giả cho thấy sức sống bền bỉ và khả năng thích ứng mạnh mẽ của sân khấu TP.HCM.

Không chỉ là nơi lưu giữ ký ức lịch sử, sân khấu hôm nay còn là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ thuật và công chúng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần trong những thời điểm đặc biệt của dân tộc.