"Ngày hội non sông":

Lịch sử được kể bằng ngôn ngữ xiếc

THÚY HIỀN

VHO - Từ ngày 26.4 - 4.5, tại Rạp Xiếc Trung ương, khán giả Thủ đô sẽ được đắm mình trong hành trình nghệ thuật đặc biệt mang tên Ngày hội non sông - nơi những trang sử hào hùng của dân tộc được tái hiện bằng ngôn ngữ xiếc độc đáo, mãn nhãn...

Lịch sử được kể bằng ngôn ngữ xiếc - ảnh 1
Dù mang đề tài chính luận, lịch sử, nhưng chương trình vẫn thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là người trẻ

 Chương trình do Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng và biểu diễn, là món quà nghệ thuật ý nghĩa kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025).

Thay vì những lời kể thông thường, lịch sử trong Ngày hội non sông sẽ hiện lên sống động qua những pha nhào lộn nghẹt thở, màn tung hứng đầy cảm xúc, kỹ thuật biểu diễn tinh xảo, kết hợp cùng âm nhạc, ánh sáng, sân khấu dàn dựng công phu.

Đây cũng là một trong những điểm nhấn trong chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt do các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL tổ chức nhân dịp đại lễ, nhằm lan tỏa tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và gìn giữ những giá trị nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt.

Nối dài cảm hứng tự hào về lịch sử hào hùng qua ngôn ngữ xiếc

Làm sống dậy ký ức dân tộc bằng ngôn ngữ của hình thể, ánh sáng và cảm xúc, chương trình Ngày hội non sông do NSND Tống Toàn Thắng đạo diễn sẽ chính thức ra mắt tại Rạp Xiếc Trung ương từ 26.4 đến 4.5, như một bản giao hưởng nghệ thuật hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, giữa lịch sử và trải nghiệm sống động.

Không chỉ là một buổi biểu diễn, Ngày hội non sông còn mở ra một không gian tương tác và khám phá, nơi mỗi khán giả trở thành một phần trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

Với cấu trúc ba phần: Quê hương ba miền, Xẻ dọc Trường Sơn Ngày hội non sông - chương trình đưa người xem qua hành trình thấm đẫm sắc màu văn hóa, khắc họa tinh thần chiến đấu kiên cường và niềm vui đại thắng rực rỡ.

Từ hình ảnh người cựu chiến binh đến tiếng hát của người lính giữa chiến trường, từ nét đẹp của nón lá miền Trung đến tinh thần đoàn kết “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mỗi khoảnh khắc đều là lời nhắc nhở sâu sắc về lịch sử và trách nhiệm hôm nay.

Đặc biệt, điểm nhấn không thể bỏ lỡ là tiết mục Ngày hội non sông - màn trình diễn đỉnh cao kết hợp giữa xiếc đương đại và hình tượng người lính trong Đại thắng Mùa Xuân 1975.

Những pha nhào lộn nghẹt thở, kỹ thuật hình thể điêu luyện, cùng sân khấu được dàn dựng hiện đại... đã tạo nên một bức tranh nghệ thuật sống động, vừa tri ân quá khứ, vừa truyền cảm hứng tương lai.

Sức hấp dẫn của chương trình còn được nâng tầm với sự góp mặt của NSND Anh Thư, ca sĩ Minh Chuyên, Đức Cường, cùng dàn nghệ sĩ xiếc hàng đầu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Họ không chỉ biểu diễn - họ kể chuyện, truyền cảm hứng, để khán giả không chỉ “xem” mà còn “thấm”, không chỉ “nghe” mà còn “cảm”.

Với quy mô 10.000 khán giả, 2 suất diễn mỗi ngày (10h và 16h30), Ngày hội non sông hứa hẹn sẽ là điểm đến nghệ thuật độc đáo trong dịp lễ 30.4.

Đặc biệt, chương trình còn tổ chức “Không gian tương tác và trải nghiệm” - nơi khán giả có thể hóa thân thành người lính, thiếu nữ xưa, viết thư tri ân, làm thủ công truyền thống và ghi dấu ấn cá nhân trong hành trình kết nối với lịch sử.

Lịch sử được kể bằng ngôn ngữ xiếc - ảnh 2
“Ngày hội non sông” hứa hẹn sẽ là điểm đến nghệ thuật độc đáo trong dịp lễ 30.4

Lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến giới trẻ: Khi xiếc “lên sóng” TikTok

Không chỉ dừng lại ở sân khấu tròn, nghệ thuật xiếc đang từng bước “bẻ lái” vào không gian số, lan tỏa cảm hứng sống động tới thế hệ trẻ - những người vốn quen với nhịp sống nhanh và nội dung ngắn trên mạng xã hội.

Trên TikTok, từ khóa “Rạp Xiếc Trung ương” ghi nhận gần 15 triệu lượt xem, với hơn 3.000 bài chia sẻ trải nghiệm đi xem xiếc, từ những màn nhào lộn thót tim đến hậu trường luyện tập đầy mồ hôi của các nghệ sĩ.

Những video ghi lại khoảnh khắc “đã mắt, hồi hộp và xúc động” trở thành điểm chạm thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác - minh chứng rõ nét cho sức sống mới mẻ của xiếc trong lòng công chúng trẻ.

Không chỉ khán giả, các nghệ sĩ xiếc cũng trở thành “người sáng tạo nội dung”, chủ động kết nối với cộng đồng qua mạng xã hội. Nhiều tài khoản cá nhân và nhóm yêu xiếc đang góp phần thổi làn gió trẻ trung, hiện đại vào bộ môn nghệ thuật có lịch sử lâu đời, bằng chính ngôn ngữ mà giới trẻ yêu thích: Ngắn gọn, cuốn hút, chân thật.

NSND Tống Toàn Thắng, đạo diễn chương trình cho biết: “Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ truyền thông mạnh mẽ từ các bạn trẻ, đặc biệt là hàng trăm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đồng hành cùng nghệ sĩ từ những ngày đầu tập luyện, đồng thời lan tỏa thông điệp yêu nước, yêu nghệ thuật bằng chính sự sáng tạo, chân thành của họ trên mạng xã hội. Đó không chỉ là hiệu ứng truyền thông, mà là sự cộng hưởng của những trái tim yêu văn hóa nước nhà”.

Mặc dù mang đề tài chính luận, lịch sử, nhưng chương trình Ngày hội non sông vẫn thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là người trẻ, nhờ cách thể hiện gần gũi, hiện đại, giàu cảm xúc.

Con số ấn tượng về lượng vé bán ra tăng mạnh là tín hiệu đáng mừng: Xiếc đang tiếp tục làm mới mình, không chỉ giữ vai trò lưu giữ truyền thống mà còn trở thành cầu nối thế hệ, đưa lịch sử đến gần trái tim của công chúng hôm nay!