Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất”

THÙY TRANG

VHO - Tối qua 21.4, tại Nhà hát Quân đội phía Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã tham dự chương trình nghệ thuật giao hưởng thính phòng đặc biệt mang tên “Bài ca Thống nhất”.

Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất” - ảnh 1
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu tặng hoa chúc mừng nghệ sĩ

Chương trình do Tổng cục Chính trị QĐND chỉ đạo thực hiện, là hoạt động nghệ thuật có ý nghĩa sâu sắc nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025).

Tham dự chương trình còn có Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Tổng Tham mưu trưởng QĐND  Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Nguyễn Tân Cương; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Võ Minh Lương cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội.

Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất” - ảnh 2
Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất” - ảnh 3
Mashup: “Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người- Đất nước vươn mình"

Giao hưởng nghệ thuật tôn vinh khát vọng thống nhất dân tộc

Với thời lượng 90 phút, chương trình được chia thành 3 chương: Miền Nam đi trước về sau, Bài ca ra trận  Tượng đài chiến thắng.

Thông qua ngôn ngữ âm nhạc giao hưởng và các tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng, chương trình khắc họa hành trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, tôn vinh ý chí kiên cường và niềm tin tất thắng của nhân dân Việt Nam.

“Bài ca Thống nhất” là hoạt động nghệ thuật có chiều sâu về tư tưởng, nhằm tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, tầm vóc và giá trị lịch sử vĩ đại của đại thắng mùa Xuân 1975 – một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chương trình không chỉ là dịp tri ân các thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do, mà còn góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất” - ảnh 4

Mạch cảm xúc xuyên suốt ba chương nghệ thuật

Phần khai từ mở đầu bằng tác phẩm Overture “Đất nước bên bờ sóng - Dấu chân phía trước” (Thái Văn Hóa - Phạm Minh Tuấn, chuyển soạn Đỗ Bảo) do Dàn nhạc Giao hưởng Quân đội biểu diễn, tái hiện hành trình dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước trong thời đại mới.

Chương I - Miền Nam đi trước về sau khắc họa các giai đoạn lịch sử từ phong trào yêu nước đầu thế kỷ 20 đến Cách mạng Tháng Tám 1945, kháng chiến chống thực dân Pháp và những âm hưởng sử thi từ cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập non trẻ.

Lịch sử Việt Nam là bản hùng ca bi tráng, ghi dấu những phong trào yêu nước từ Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế đến Cách mạng Tháng Tám 1945 – khi cả dân tộc vùng lên giành độc lập, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất” - ảnh 5
Các ca khúc dạt dào cảm xúc, khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc

Tuy nhiên, ngay sau đó, thực dân Pháp quay lại xâm lược, gây ra cuộc chiến kéo dài gần một thập kỷ. Cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) là minh chứng cho tinh thần quật cường của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây cũng là thời kỳ hình thành nhiều tác phẩm âm nhạc mang tính sử thi, thể hiện khí thế đấu tranh và tinh thần bất khuất.

Chương I gồm các tác phẩm: Trở về đất mẹ (Nguyễn Văn Thương), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp), Mỗi bước đi thêm yêu Tổ quốc (Tân Huyền).

Các ca khúc tái hiện sống động không khí đấu tranh giành độc lập trước năm 1954 – giai đoạn giàu cảm xúc, khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất” - ảnh 6
Tác phẩm "Sông Đăk Rông mùa xuân về" (nhạc Tố Hải, chuyển soạn Mai Kiên)

Chương II - Bài ca ra trận phản ánh thời kỳ Việt Nam bị chia cắt sau Hiệp định Genève 1954, miền Bắc làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến ở miền Nam.

Sau Hiệp định Genève 1954, đất nước bị chia cắt, miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc chi viện cho miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước. Trên những cung đường Trường Sơn, lớp lớp người lính đã viết nên bản anh hùng ca bất tử bằng ý chí và niềm tin tất thắng.

Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất” - ảnh 7
NSƯT Vũ Thắng Lợi trong ca khúc "Tình em"
Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất” - ảnh 8
Liên khúc "Hai Chị em - Đưa cơm cho mẹ đi cày" với phần biểu diễn của Hồng Duyên, Lê Minh Ngọc, Đỗ Tố Hoa

Từ chiến thắng Ấp Bắc, Tết Mậu Thân 1968 đến “Điện Biên Phủ trên không” 1972, mỗi trận đánh là một dấu mốc lịch sử, nơi âm nhạc trở thành ngọn lửa tinh thần cổ vũ quân và dân ta vượt qua gian khó, hướng đến ngày toàn thắng.

Chương II giới thiệu các ca khúc gắn bó với chiến trường như: Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối), Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Tình em (Huy Du), Quảng Bình quê ta ơi, Hai chị em (Hoàng Vân), Đưa cơm cho mẹ đi cày (Hàn Ngọc Bích), Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh).

Những giai điệu ấy đã vượt qua chiến tranh, sống mãi cùng ký ức dân tộc, nhắc nhớ thế hệ sau về một thời kỳ oanh liệt của lịch sử Việt Nam

Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất” - ảnh 9
NSND Nguyễn Xuân Bắc chỉ huy dàn nhạc

Chương III - Tượng đài chiến thắng đưa khán giả trở lại mùa xuân lịch sử năm 1975, khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, non sông thu về một mối.

Mùa xuân năm 1975 đánh dấu thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất và phát triển. Từ chiến dịch Tây Nguyên đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những đoàn quân giải phóng thần tốc tiến về Sài Gòn, kết thúc hơn 20 năm đất nước bị chia cắt.

Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất” - ảnh 10
NSƯT Trần Vương Thạch chỉ huy dàn nhạc

Chiến thắng 30.4.1975 không chỉ là mốc son lịch sử, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm nghệ thuật giàu tính nhân văn và hào khí thời đại. Âm nhạc trở thành lời tri ân sâu sắc với thế hệ đi trước, đồng thời khắc họa khát vọng dựng xây đất nước trong thời kỳ mới.

Chương III giới thiệu các tác phẩm: Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý), Sông Đăk Rông mùa xuân về (Tố Hải), liên khúc Xuân chiến khu – Chào anh giải phóng quân mừng mùa xuân đại thắng (Xuân Hồng – Hoàng Vân), Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh);

Bài ca thống nhất (Võ Văn Di), mashup Tiếng hát từ thành phố mang tên Người – Đất nước vươn mình (Cao Việt Bách – Đăng Trung – Đức Trịnh, lời thơ: Lê Cảnh Nhạc), Tượng đài Chiến thắng (Xuân Thủy).

Chương trình có sự tham gia biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Quân đội, các nghệ sĩ của Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Dàn hợp xướng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc và Vũ kịch TP.HCM.

Giai điệu hào hùng trong chương trình giao hưởng thính phòng “Bài ca Thống nhất” - ảnh 11

Bên cạnh đó là sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Dương Minh Đức; NSƯT Vũ Thắng Lợi, NSƯT Phạm Khánh Ngọc, Phạm Thu Hà; NSƯT Vân Mai, NSƯT Đinh Hoài Xuân; cùng các nghệ sĩ Đỗ Tố Hoa, Lương Nguyệt Anh, Lê Xuân Hảo, Đặng Minh Hải, Ngô Đức, Trịnh Phương…

Chỉ huy dàn nhạc là Đại tá, NSND Nguyễn Xuân Bắc và NSƯT Trần Vương Thạch.