Sân khấu xã hội hóa TP.HCM:

Đánh thức chiều sâu văn hóa qua kịch chính luận

HỒNG HẠNH

VHO - Sau những tràng pháo tay vang dội từ Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Hà Nội đầu tháng 7, kịch chính luận TP.HCM đã có cú hích ngoạn mục khi 4 đơn vị nghệ thuật xã hội hóa cùng gặt hái loạt giải thưởng danh giá.

Đánh thức chiều sâu văn hóa qua kịch chính luận - ảnh 1
Hình ảnh trong vở diễn “Cuộc đoàn tụ cảm xúc”

 Không chỉ là chiến thắng về chuyên môn, đây còn là lời khẳng định mạnh mẽ: Kịch chính luận, loại hình từng bị xem là kén khán giả, đang hồi sinh bằng chính đam mê, tư duy mới và khát vọng phản ánh chiều sâu thời cuộc của người nghệ sĩ phương Nam.

 Trong tinh thần đó, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức buổi gặp gỡ ấm áp, để lắng nghe - chia sẻ - tiếp lửa cho một hành trình sáng tạo giàu cảm hứng trên sân khấu chính luận hôm nay.

Mạnh dạn đầu tư

Một điểm sáng đáng ghi nhận tại Liên hoan sân khấu vừa qua là sự góp mặt của 4 vở diễn đến từ TP.HCM, tất cả đều chung một tinh thần: Dấn thân vào các vấn đề thời sự, nói tiếng nói của hôm nay bằng hơi thở của nghệ thuật. Nhưng thay vì đi theo lối mòn kể chuyện khô khan vốn quen thuộc của kịch chính luận, các ê kíp sáng tạo đã mạnh dạn thổi vào từng tác phẩm một luồng sinh khí mới, tinh tế, gần gũi và đầy xúc cảm.

Các đơn vị tham gia đều là những cái tên quen thuộc của sân khấu phía Nam: Sân khấu Hồng Vân mang đến vở Một cuộc chiến khác (tác giả Tống Phương Dung, đạo diễn NSƯT Lê Nguyên Đạt, chỉ đạo nghệ thuật NSND Hồng Vân); Sân khấu Quốc Thảo với Sâu đêm (tác giả và đạo diễn NSƯT Quốc Thảo); Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh với Cuộc đoàn tụ cảm xúc (tác giả Hoài Hương, đạo diễn Lê Quốc Nam, cố vấn nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu); Công ty Truyền thông Giải trí HN Media với Viên đạn bọc đường (đạo diễn Mi Lê)...

Trong số đó, Cuộc đoàn tụ cảm xúc đã gây tiếng vang lớn khi mang về tới 8 giải thưởng danh giá. Chia sẻ sau thành công này, NSƯT Minh Nhí không giấu được xúc động: “Đây là cột mốc đáng tự hào, phản ánh hành trình làm nghề nghiêm túc, đầy khát vọng của chúng tôi. Xuất thân từ hài kịch, lần đầu chuyển sang chính kịch, lại đảm nhận hai vai sinh đôi là áp lực rất lớn đối với tôi. Nhưng tôi xác định, làm chính kịch về người chiến sĩ công an thì không được nửa vời. Từng động tác, từng câu thoại phải chạm đến chiều sâu cảm xúc”.

Đồng quan điểm, đạo diễn, NSƯT Lê Nguyên Đạt (vở Một cuộc chiến khác) nhấn mạnh: “Làm kịch chính luận cũng là một trận tuyến - trận tuyến văn hóa. Người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, mang sứ mệnh định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Sau những nỗ lực này, tôi mong rằng chúng ta nên ngồi lại, tiếp tục cổ vũ nhau dấn thân vào kịch chính luận nhiều hơn nữa”.

Dễ thấy, dù đề tài về chiến sĩ công an không phải là thế mạnh truyền thống của các sân khấu xã hội hóa phía Nam, song chính sự dấn thân, không ngại thử thách, đã tạo nên những tác phẩm thành công. Tại buổi gặp mặt sau Liên hoan, nhiều nghệ sĩ khẳng định: Khi kịch chính luận được xây dựng từ chất liệu đời sống, từ những góc nhìn nghệ thuật đầy trách nhiệm và xúc cảm - thì sẽ chạm đến trái tim khán giả một cách mạnh mẽ và chân thành.

Như vở Sâu đêm khắc họa câu chuyện xé lòng về vợ chồng thượng tá Hồng Thái - cả hai đều là công an nên thường xuyên vắng nhà, để rồi đứa con trai lạc lõng trong cô đơn đã sa ngã thành tội phạm.

Hay trong Cuộc đoàn tụ cảm xúc, cô công an Thùy Dương gồng mình vượt qua nỗi đau khi người yêu, cũng là đồng đội, đã hy sinh để cứu cô, và tiếp tục sống, chiến đấu trong âm thầm. Những lát cắt nội tâm ấy, không bi lụy mà đầy chân thành, khiến khán giả lặng đi, thấu hiểu và trân trọng hơn sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ trong thời bình.

Vẫn còn nhiều trăn trở

Đằng sau những tràng vỗ tay và ánh hào quang từ các giải thưởng, vẫn còn đó không ít nỗi niềm và thử thách không nhỏ với sân khấu xã hội hóa TP.HCM khi bước chân vào dòng kịch chính luận - một “địa hạt” đầy chông gai nhưng cũng rất cần thiết trong bối cảnh nghệ thuật hôm nay.

Không giống như kịch giải trí, kịch chính luận đòi hỏi một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Nó không chỉ là câu chuyện của nghệ thuật trình diễn, mà còn là hành trình chuyển tải những giá trị tư tưởng, thông điệp xã hội và tính thời sự một cách sâu sắc và chính xác.

Mang về 7 giải thưởng với vở Sâu đêm, đạo diễn, NSƯT Quốc Thảo chia sẻ những gian truân phía sau ánh đèn sân khấu: “Viết kịch bản về lực lượng công an là một thách thức lớn. Không chỉ khó về đề tài, mà còn phải đảm bảo sự chính xác, chân thực. Suốt ba tháng, chúng tôi vừa tập vừa chỉnh sửa từng chi tiết, liên tục tham khảo ý kiến từ những người trong ngành để hoàn thiện kịch bản. Mỗi ý kiến từ Hội đồng nghệ thuật là một lần soi chiếu để chúng tôi điều chỉnh, bổ sung, làm cho vở diễn thật sự có chiều sâu và chạm đến cảm xúc khán giả”.

Tại buổi gặp gỡ, nhiều nghệ sĩ đã thẳng thắn nhìn nhận: Sân khấu chính luận lâu nay vẫn mang tiếng là “kịch để phục vụ”, thường gắn với nhiệm vụ chính trị, các dịp lễ hội hoặc sự kiện lớn, nên ít tạo được sự kết nối cảm xúc với khán giả đại chúng.

Nhưng thực tế cho thấy, khi chính luận được kể bằng một ngôn ngữ nghệ thuật tinh tế, bằng những chất liệu sống động, thì hoàn toàn có thể trở thành cầu nối mạnh mẽ giữa người nghệ sĩ và công chúng.

NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định: “Chúng ta không thể mãi quanh quẩn với những tiểu phẩm giải trí đơn thuần. Sân khấu cần chiều sâu tư tưởng, cần đặt ra những vấn đề lớn: Văn hóa, giáo dục, chính sách, những câu chuyện thiết thân với cộng đồng. Và chính kịch chính luận, với sự phản biện và nhân văn của mình, có thể làm được điều đó”.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với sân khấu xã hội hóa hiện nay vẫn là tài chính và khâu phát hành. Dấn thân vào chính luận tức là chấp nhận chi phí đầu tư lớn hơn, thời gian chuẩn bị dài hơn, nhưng lại đối mặt với bài toán “đầu ra” đầy trắc trở. Làm thế nào để đưa những tác phẩm này đến gần hơn với khán giả?

Làm sao để kịch chính luận không chỉ dừng lại ở sân khấu liên hoan, mà có thể sống lâu dài, lan tỏa đến học sinh, sinh viên, công nhân và người lao động - những đối tượng rất cần tiếp cận với nghệ thuật chân thực, truyền cảm hứng?

Với trăn trở ấy, các đơn vị nghệ thuật đã kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho sân khấu chính luận, từ cấp phép lưu diễn đến tổ chức các chương trình biểu diễn định kỳ tại các cơ sở giáo dục, đơn vị công đoàn, lực lượng vũ trang…

Dù còn nhiều gian khó, nhưng tinh thần dấn thân và sự chuyển mình mạnh mẽ của sân khấu xã hội hóa phía Nam là tín hiệu tích cực. Kịch chính luận, khi được đầu tư bài bản và nuôi dưỡng bằng tâm huyết, hoàn toàn có thể trở thành một phần không thể thiếu của đời sống văn hóa, không chỉ làm nhiệm vụ phản ánh hiện thực, mà còn góp phần định hướng, soi rọi và nâng tầm ý thức cộng đồng.