60 năm thành lập Đoàn Ca kịch Quảng Nam:
Giữ “ngọn lửa” nghề trên hành trình nghệ thuật
VHO - 60 năm thành lập (1964-2024), các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, viên chức, người lao động ở đoàn ca kịch Quảng Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn để cống hiến, giữ vững truyền thống của đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp duy nhất của tỉnh Quảng Nam.
Từ khi thành lập (1964) đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước (1975), hai đoàn Văn công Giải phóng Quảng Đà và đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam (tiền thân của Đoàn Ca kịch Quảng Nam hiện nay) đã biểu diễn ở khắp địa bàn, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần, cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngay từ khi thành lập, các đoàn đã tổ chức dàn dựng, biểu diễn nhiều loại hình, trong đó loại hình dân ca kịch bài chòi làm chủ đạo xuyên suốt cho các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân.
Ở giai đoạn này, hầu hết các tiết mục là của đoàn do anh chị em tự biên, tự dựng, tự diễn, biểu diễn ở khắp địa bàn, các tầng lớp công chúng khác nhau ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà. Các chương trình được dàn dựng phong phú, ngắn gọn và súc tích phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh đồng thời bám sát thực tế chiến trường gian khổ, căng thẳng và ác liệt.
Chiến tranh đi qua, 32 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của đoàn đã anh dũng hy sinh trên các mặt trận, 28 người bị thương tật, nhiều người bị địch bắt tù đày.
Sau ngày đất nước thống nhất, hai đoàn văn công nhập thành đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách, đoàn ca kịch được chuyển giao về tỉnh Quảng Nam với tên gọi là đoàn Ca kịch Quảng Nam.
Các thế hệ đoàn Ca kịch Quảng Nam đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng chuyên môn, trở thành đơn vị chuyên nghiệp chuyên nghiệp duy nhất của tỉnh, chuyên trách loại hình sân khấu ca kịch bài chòi.
Bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch chia sẻ: Để có được những vở diễn có chất lượng, bên cạnh sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đoàn luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ diễn viên trẻ.
Một thế hệ diễn viên trẻ dần trưởng thành với sự dẫn dắt của các diễn viên nòng cốt, giữ “chất” nghệ thuật truyền thống của đoàn với thể loại ca kịch bài chòi.
Hàng năm, tổ chức từ 40 - 50 buổi diễn với các vở có đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, tâm lý xã hội, phòng chống tội phạm; xây dựng đời sống văn hóa đồng bào miền núi.
Đặc biệt nhiều vở bám sát, phản ánh các vấn đề nổi bật xã hội đang quan tâm, qua đó, tuyên truyền nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của các anh chị nghệ sĩ đi trước trong việc truyền nghề, bồi dưỡng lớp diễn viên trẻ kế cận, đảm nhận các vai chính, vai chính thứ trong các vở diễn...đã truyền lửa, giữ “ngọn lửa” nghề luôn “cháy” cho những người trẻ. Bản thân mỗi thành viên của đoàn luôn ý thức về việc gìn giữ, phát huy, lan tỏa nghệ thuật truyền thống của quê hương Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay.
“Các nghệ sĩ, diễn viên ngày thêm trưởng thành, đạt độ chín nhất định, nhiều nghệ sỹ tham gia các hội thi, hội diễn sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp khu vực và toàn quốc, đã đạt được nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc; nhiều nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú”, bà Thu Mây cho biết.
Hiện nay, bên cạnh đầu tư các vở biểu diễn dân ca kịch bài chòi, đoàn cũng chú trọng vào các chương trình diễn xướng bài chòi và chương trình nghệ thuật dân gian.
Đặc biệt khi nghệ thuật bài chòi Trung Bộ được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, đoàn đã có nhiều hoạt động trong việc quảng bá, bảo tồn, gìn giữ, phát triển loại hình trò chơi dân gian này.
Mỗi năm, tổ chức 120 buổi về hoạt động truyền nghề cho học sinh đến các câu lạc bộ bài chòi ở cơ sở, thường xuyên tổ chức hội bài chòi trong các dịp lễ, Tết, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhiều vở diễn gây ấn tượng, tạo nên “thương hiệu” của đoàn được khán giả ở các địa phương yêu thích như: “Pho tượng đá”, “Ngôi nhà của chúng ta”, “Ánh sáng trên cung đường mới”, “Một thời đất lửa”, “Con yêu”, “Nhà có 3 chị em gái”, “Xuân tím”, “Những đứa con oan nghiệt”, “Thai Xuyên Trần Quý Cáp”, “Người mẹ Quảng Nam”…