Trao truyền nghệ thuật dân gian trong đời sống đương đại

VHO - Những bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống ở Quảng Nam như bài chòi, dân ca, hò vè, tuồng,….đang được các địa phương cố gắng bảo tồn, gìn giữ, phát triển trong đời sống cộng đồng hiện đại bằng nhiều phương cách sáng tạo.

Đưa nghệ thuật dân gian vào đời sống hàng ngày

Hội An là một trong những địa phương có nhiều cách làm mới để nghệ thuật dân gian có thể lan tỏa, có sức sống mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng hiện đại. Đặc biệt, tập trung nhiệm vụ trao truyền nghệ thuật dân gian, nhất là  truyền dạy hô hát bài chòi cho thế hệ trẻ. 

Là đơn vị được giao chủ trì tổ chức các hoạt động tại chương trình Phố đêm, các sự kiện, lễ hội của thành phố Hội An, từ hơn 20 năm trước, Trung tâm Văn hóa-Thể thao TP Hội An đã chú trọng công tác trao truyền. Nhiều nghệ nhân thuộc Trung tâm được tỉnh Quảng Nam chọn cử đi dạy, đứng mở lớp cho các huyện trên toàn tỉnh, được các học viên đánh giá cao và qua đó cũng góp phần cho việc gìn giữ bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc ta.

Trao truyền nghệ thuật dân gian trong đời sống đương đại - Anh 1

Các diễn viên Trung tâm VH-TT & TT-TH Hội An biểu diễn dân ca, bài chòi 

Năm 1998, khi đề xuất đề án “Tái hiện Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX”, đã đưa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như hát hò khoan đối đáp, hát bội, trình tấu nhạc cụ cổ truyền, hô hát bài chòi vào biểu diễn phục vụ du khách tham quan trải nghiệm,... Cách làm này đã góp phần để người dân, du khách tiếp cận nhiều hơn và qua đó giới thiệu, phát huy giá trị nghệ thuật dân gian đến với công chúng.
Đơn vị đã phối hợp với ngành Giáo dục đưa chương trình dạy hát dân ca, bài chòi vào các trường Trung học cơ sở. Từ năm 2010, mở lớp học hát dân ca - bài chòi hàng đêm tại hoạt động “Phố đêm” trong khu phố cổ cho các em học sinh, đồng thời cũng là điểm trải nghiệm văn hóa nghệ thuật dân gian cho du khách đến Hội An. 
Không chỉ riêng TP Hội An, trong những năm qua, nhiều địa phương ở Quảng Nam cũng luôn chú trọng tổ chức các sân chơi cho văn nghệ dân gian hồi sinh, lan tỏa trong cộng đồng. Dàn dựng các kịch bản dân ca, ca cảnh với chất liệu dân ca, hát hò khoan đối đáp, hát lý, hát ru,... để biểu diễn phục vụ công chúng trong các chương trình văn nghệ phục vụ cơ sở, các liên hoan, hội thi, hội diễn các cấp.  Từ đó, người dân địa phương “thấm”,  yêu mến các loại hình nghệ thuật truyền thống này, rồi từ đó, nhà quản lý mới có thể dựa vào cộng đồng để bảo tồn, khôi phục và phát triển có hiệu quả. 

Trao truyền văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số từ trường học 

Tại nhiều địa phương ở miền núi Quảng Nam cũng đã chú trọng tổ chức các hoạt động hướng dẫn, luyện tập và cho học sinh dân tộc thiểu số thực hành trải nghiệm không gian dệt thổ cẩm, múa hát trống chiêng, nói lý - hát lý… đầy lôi cuốn, sinh động. Từ đó, truyền dạy, nâng cao nhận thức bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao xứ Quảng. 
Huyện Bắc Trà My đã thành lập 4 đội cồng chiêng dân tộc Co, Ca Dong tại trường Trường PTDT nội trú Nước Oa và các trường PTDT  bán trú THCS Lý Tự Trọng, Trà Nú , Trần Phú,…UBND huyện đã hỗ trợ nhà trường thêm kinh phí để mua sắm trang phục và luyện tập cho các em.

Trao truyền nghệ thuật dân gian trong đời sống đương đại - Anh 2

Các em đội cồng chiêng học sinh trường PTDT nội trú Nước Oa biểu diễn 

Trường PTDT nội trú Nước Oa là một trong những ngôi trường ở vùng cao Quảng Nam đã sớm đưa cồng chiêng vào trường học thông qua việc thành lập, duy trì hoạt động các đội cồng chiêng trong học sinh. Trường có gần 400 học sinh, trong đó hầu hết là  con em đồng bào các dân tộc thiểu số Co, Ca Dong, Xê Đăng. Từ năm 2010, nhà trường đã ra mắt hai đội cồng chiêng, mỗi đội có 4 học sinh nam. Năm học 2021-2022, đội cồng chiêng có 16 học sinh, được luyện tập biểu diễn cồng chiêng, các điệu múa của đồng bào dân tộc vùng cao trong các lễ hội mừng lúa mới, ăn trâu huê, tết mùa,…Đồng thời tổ chức các lớp dạy các điệu múa truyền thống của đồng bào cho các học sinh nữ để cùng kết hợp biểu diễn cồng chiêng. Đến nay, hầu như tất cả các lớp của trường đều có và duy trì tập luyện đều đặn đội cồng chiêng và đội múa. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã nhiều lần tổ chức liên hoan cồng chiêng, hội diễn văn nghệ có tham dự của thầy cô, học trò và cả người dân địa phương, những nghệ nhân của các thôn làng. 

Trao truyền nghệ thuật dân gian trong đời sống đương đại - Anh 3

Các bạn trẻ trình diễn cồng chiêng tại ngày hội văn hóa- du lịch Bắc Trà My

Theo ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, huyện cũng giao Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì soạn thảo, xây dựng dự thảo Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào DTTS huyện Bắc Trà My giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có đề cập đến việc xây dựng các mục tiêu, hỗ trợ, chính sách đào tạo, truyền dạy cho các nghệ nhân trẻ. 
Nhiều trường học ở các huyện miền núi của Quảng Nam cũng rất chú trọng việc truyền dạy, hướng dẫn thực hành, trải nghiệm văn hóa truyền thống cho học sinh như dệt thổ cẩm truyền thống, thi gói bánh sừng trâu, thi bắn nỏ, trình diễn trang phục truyền thống Cơ Tu…Tổ chức các khóa truyền dạy nghệ thuật đánh trống chiêng kết hợp múa tâng tung da dá, nói lý - hát lý, hát giao duyên Cơ Tu để các em làm quen, hiểu hơn và có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. 
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở VHTTDL phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc ngành giáo dục các cấp, các địa phương tổ chức đưa bài chòi vào giảng dạy tại các trường THCS. Đặc biệt, từ năm 2011 trở lại đây, đã triển khai thực hiện dự án sân khấu học đường tại nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh với nội dung chính là dạy hát dân ca. Qua các tiết học, các em đã được các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Đoàn Ca kịch Quảng Nam thuộc Sở VHTTDL và các nghệ nhân có kinh nghiệm giảng dạy theo phương pháp truyền thụ trực tiếp. 

KHÁNH CHI
 

Ý kiến bạn đọc