Đưa nghệ thuật truyền thống đến với học đường
VHO - Để phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, Đà Nẵng đã và đang tìm cách đưa dân ca, Bài chòi vào trường học, qua đó giúp học sinh tiếp cận, tiếp nối di sản đặc trưng này.
Lần đầu tiên mở lớp nhạc cụ dân tộc phục vụ cho Bài chòi
Theo ông Nguyễn Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố Đà Nẵng, trong năm 2024, Trung tâm VHĐA TP sẽ mở lớp nhạc cụ dân tộc phục vụ cho Bài chòi.
“Trên địa bàn thành phố hiện nay đang thiếu nhạc công cho các chương trình biểu diễn Bài chòi, sắp tới, ngoài việc hướng dẫn các làn điệu, chúng tôi sẽ tổ chức thêm những lớp tập huấn nhạc cụ trong hô hát Bài chòi cho các bạn trẻ có đam mê với loại hình nghệ thuật này”, ông Cường cho biết.
Để đưa Bài chòi vào tiếp cận với học đường, những năm qua, Trung tâm VHĐA TP đã phối hợp các phòng GD&ĐT các quận, huyện tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật hô hát Bài chòi cho giáo viên âm nhạc và phụ trách đoàn, đội tại các trường THCS.
Các NSƯT, nghệ nhân, nghệ sĩ có kinh nghiệm về hô hát Bài chòi là những người trực tiếp đứng lớp sẽ hướng dẫn học viên cách hô hát những làn điệu: xuân nữ, xàng xê, hò Quảng và cổ bản. Qua mỗi đợt tập huấn sẽ định hướng cho các thầy cô, học sinh tổ chức những buổi sinh hoạt, giao lưu Bài chòi.
Các địa phương cũng chủ động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đưa dân ca Bài chòi vào học đường nhằm tìm kiếm, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở tại các trường.
Năm 2023, UBND quận Cẩm Lệ tổ chức lớp tập huấn nghệ thuật hô hát dân ca - Bài chòi cho hạt nhân phong trào văn hóa, văn nghệ cơ sở, thu hút hơn 100 học viên là cán bộ phụ trách văn hóa các phường và giáo viên âm nhạc tại các trường học trên địa bàn TP.
Chương trình tập huấn được những nghệ sĩ Đoàn ca kịch Quảng Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố hướng dẫn các làn điệu hô hát dân ca, điệu lý cổ và lời mới như: hò khoan, hò giả vôi, vọng kim lan, lý ngựa ô...
Các chương trình nghệ thuật “Liên hoan Chúng em hát dân ca và hô hát Bài chòi” cho học sinh các trường học cũng được tổ chức thường xuyên, nhằm mục đích xây dựng các CLB Bài chòi trong trường học.
Trường nào có nhu cầu thành lập CLB, đủ điều kiện về số lượng học sinh tham gia thì sẽ được các nghệ sĩ, CLB Bài chòi hỗ trợ tập huấn, giảng dạy. Sau mỗi đợt tập huấn này, Sở GDĐT các quận, huyện sẽ chọn trường, đăng ký xây dựng CLB điển hình ở mỗi vùng miền.
Tại huyện Hòa Vang, từ năm 2021, UBND huyện đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Bài chòi trên địa bàn huyện đến năm 2025”. Phòng VHTT huyện cũng xây dựng Đề án “Thành lập và tổ chức hoạt động của CLB dân ca Bài Chòi huyện Hoà Vang” với mục đích bảo tồn, phục hồi nét văn hoá truyền thống.
Ông Đỗ Thanh Tân - Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang cho biết: “Sự ra đời của CLB sẽ giúp những người yêu thích các làn điệu dân ca, Bài chòi có điều kiện trau dồi, phát huy khả năng ca hát, phổ biến rộng rãi nghệ thuật Bài chòi với công chúng. Mục tiêu trong thời gian tới của huyện Hòa Vang là thành lập mới một số CLB dân ca Bài chòi trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2025 ở huyện Hòa Vang có thêm ít nhất 2 câu lạc bộ dân ca, Bài chòi hoạt động thường xuyên.
Cần “lực lượng hỗ trợ” cho dân ca học đường
Tuy nhiên, để học sinh tiếp cận, hiểu và yêu thích loại hình nghệ thuật này còn là chặng đường dài. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lệ, chuyên viên Trung tâm VHTT huyện Hòa Vang, Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên, cũng là người trực tiếp đứng lớp truyền dạy hát dân ca trong trường học chia sẻ rằng, nghệ thuật truyền thống như hát dân ca hay Bài chòi phải học, nghe thường xuyên mới thấm và ngấm.
Còn theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng, việc đưa dân ca vào trường học mục đích là tạo thế hệ công chúng yêu mến di sản văn hóa của cha ông chứ không nhằm đào tạo diễn viên.
Nếu Bài chòi, Tuồng cũng như các loại hình văn hóa dân tộc khác không có lớp kế cận, hoặc có lớp kế cận mà không có kế hoạch bồi dưỡng lâu dài, dẫn đến mất đi là điều rất đáng tiếc.
Theo ông Tiếng, một trong những giải pháp là phải đưa các loại hình nghệ thuật dân gian này thành bộ môn đào tạo trong Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đà Nẵng. Đặc biệt quan tâm đến sự truyền nghề trực tiếp từ các nghệ nhân, vì chính trường học mới là nguồn đào tạo chủ yếu.
Dân ca Bài chòi dù là tài sản phi vật thể vô giá của miền Trung, Đà Nẵng nhưng đặt trước tình hình mới vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có sự phối hợp tâm huyết của các ngành liên quan, sự hỗ trợ từ phía chính quyền.
Trước nguy cơ nghệ thuật dân tộc bị mai một, lâu nay TP Đà Nẵng cũng đã có sáng kiến lồng ghép biểu diễn Bài chòi vào những sự kiện văn hóa, du lịch lớn. Hội chơi Bài Chòi được tổ chức thường xuyên vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật ở bờ đông cầu Rồng...
Nói về khó khăn khi truyền dạy các làn điệu dân ca, Bài chòi cho thế hệ trẻ, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng VHTT huyện Hòa Vang cho rằng, việc truyền dạy các làn điệu dân ca Bài chòi cho giáo viên nhạc cần phải tiếp tục và liên tục. Bởi hát dân ca thường khó hơn tân nhạc, yêu cầu nhiều về kỹ thuật và sự cảm nhận.
“Thời gian qua các nghệ nhân đã truyền dạy đầy đủ các làn điệu dân ca, đặc biệt là dân ca Khu V cho tất cả giáo viên âm nhạc, nhưng không được đào tạo liên tục sẽ làm các thầy cô bị quên kiến thức đã học. Với số lượng hơn 40 trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang thì không thể cử nghệ nhân đến từng trường để giảng dạy, do đó, việc truyền đạt cho giáo viên nhạc để các giáo viên dạy lại học sinh là giải pháp vô cùng hợp lý.
Mặt khác, khó khăn nhất trong bảo tồn dân ca Bài chòi nói chung và việc dạy trong trường học nói riêng đó là thiếu nhạc công đánh nhạc cổ. Tính cả TP Đà Nẵng, những người có khả năng đệm hát dân ca chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Do vậy việc cần kíp là khẩn trương mở lớp đào tạo, truyền nghề nhạc công đàn cổ để có lực lượng hỗ trợ cho chương trình dân ca học đường và trên toàn huyện”, ông Tân đề xuất.