Bộ VHTTDL:
Đề nghị tiếp tục duy trì, ổn định và phát triển mô hình Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tại địa phương
VHO - Bộ VHTTDL vừa ban hành Công văn số 3276/BVHTTDL – ĐA gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường phát huy vai trò của các đơn vị Điện ảnh sau sáp nhập.

Trong những năm qua, công tác chiếu phim lưu động đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, khu công nghiệp, trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển nhanh với nhiều thông tin xấu độc, gây ảnh hưởng đến tư tưởng người dân thì chiếu phim lưu động là kênh truyền thông chính thống để tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Đây cũng là lực lượng trực tiếp thực hiện hiệu quả chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc thu hẹp khoảng cách thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, bảo đảm công bằng trong tiếp cận thông tin và đời sống tinh thần góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
Đồng thời thực hiện Luật Điện ảnh năm 2022 và các chính sách ưu đãi về hưởng thụ văn hóa; Thông tư số 08/2015/TT-BVHTTDL ngày 23.10.2015 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định hoạt động của Đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm Điện ảnh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Ghi nhận tầm quan trọng của các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa, các Nhà hát có chức năng phát hành, phổ biến phim (các đơn vị Điện ảnh), coi đây là những thiết chế văn hóa quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần định hướng giá trị văn hóa, thẩm mỹ đúng đắn, bồi dưỡng tư tưởng, lòng yêu nước và nhân cách con người Việt Nam.
Mỗi buổi chiếu phim lưu động đến với người dân không chỉ đơn thuần là hoạt động giới thiệu các tác phẩm điện ảnh và thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, mà còn trở thành dịp sinh hoạt cộng đồng thiết thực. Qua đó, tạo cơ hội để người dân giao lưu, chia sẻ, gắn kết, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc - một trong những nền tảng vững chắc của sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục bố trí nguồn kinh phí cho hoạt động chiếu phim tại các Đơn vị Điện ảnh và tại cơ sở: xã, phường, thôn, bản… quan tâm đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật, mở rộng đối tượng phục vụ tại địa phương;
Tiếp tục quan tâm duy trì, ổn định và phát triển mô hình Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đang có tại địa phương mình, phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ đã được giao, tạo điều kiện thuận lợi để các Đơn vị Điện ảnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa, điện ảnh;
Đối với trường hợp thực hiện việc sáp nhập các đơn vị Điện ảnh với các thiết chế văn hóa, các đơn vị sự nghiệp công lập khác, đề nghị các địa phương giữ tên gọi "Điện ảnh" hoặc có bộ phận chuyên trách về Điện ảnh trong cơ cấu tổ chức của đơn vị mới (Nghiệp vụ Điện ảnh, Điện ảnh hoặc Phổ biến phim…) để bảo đảm tính đặc thù nghề nghiệp, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, tổ chức hoạt động phát hành, phổ biến phim tại địa phương.
Bộ VHTTDL trân trọng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ VHTTDL để được hướng dẫn kịp thời.