Mang phim lên với đồng bào Chứt ở bản Lòm
VHO - Không quản chặng đường xa với nhiều dốc cao, ngầm sâu, với tình yêu nghề, những ‘chiến sĩ văn hoá’ đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Văn hoá và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình đã kiên trì mang những thước phim lên phục vụ đồng bào DTTS ở nơi biên giới.
Tình yêu với chiếu bóng
Cuối tháng 8, ngược đường Hồ Chí Minh chạy dài như dải lụa, rồi ngoằn ngoèo theo Quốc lộ 12A, chúng tôi cùng đội chiếu bóng lưu động của Trung tâm Văn hoá và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình đến bản Lòm (xã Trọng Hoá, Minh Hoá) - bản ở nơi biên giới Việt - Lào để chiếu phim.
Đoạn đường độc đạo dài hơn 20km nối từ Quốc lộ 12A đến bản Lòm thật hiểm trở với những dốc cua tay áo một bên là vách núi, một bên là vực sâu, cùng nhiều dốc cao và ngầm sâu. Chiếc xe ô tô chiếu bóng lưu động 2 cầu chở theo loa, âm ly, màn ảnh rộng, đầu chiếu phim HD… cứ nhảy xóc lên, khi thì rồ máy trở số liên tục bởi dốc cao.
Sau gần 5 giờ chạy xe, đội chiếu bóng đã tới nhà văn hoá bản Lòm khi trời đã chập choạng tối. Bản Lòm nằm sâu trong rừng già, cả bản không có điện lưới, sóng điện thoại chập chờn. Nguồn sáng hiếm hoi vào ban đêm từ những chiếc bóng năng lượng mặt trời dọc con đường chính được Bộ đội biên phòng tặng.
Uống vội chén nước, anh em trong đội chiếu bóng khẩn trương người lắp máy, người treo màn chiếu, người bắc loa, phát máy điện… Khi các công đoạn lắp đặt, thử máy móc đã hoàn thành, tiếng loa thông báo giờ chiếu phim vang lên, mời gọi bà con thu xếp công việc để tối đến nhà văn hóa bản để xem phim. Cũng lúc này, tranh thủ chút thời gian, các anh ăn vội bữa cơm tối với những gói mỳ tôm mang theo…
Chiếu phim giữa đại ngàn
Giữa đại ngàn khi màn đêm buông xuống, không khí trong bản nhộn nhịp khác hẳn ngày thường. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng hát trên loa phóng thanh nghe rộn ràng, náo nức… Từ những con đường ghồ ghề của dãy Giăng Màn, dân bản Lòm đội trên đầu đèn pin kéo về điểm chiếu phim. Có phim, bản Lòm trở nên náo nhiệt, vui như ngày hội.
Có mặt từ sớm để giúp anh em đội chiếu bóng, ông Hồ Xăng (ở bản Lòm) cho biết, ngoài thời gian với nương rẫy chuẩn bị vào độ thu hoạch, ở bản có rất ít hoạt động để giải trí. Do ở xa trung tâm chưa có điện lưới, sóng điện thoại lúc có, lúc không nên việc cập nhật thông tin ở bản cũng rất chậm. Hôm nay có đoàn chiếu phim, bà con rất phấn khởi.
Theo ông Xăng, đối với người dân nơi đây, khi điều kiện kinh tế còn nghèo khó nên những buổi chiếu phim lưu động là món ăn tinh thần hết sức quý giá. Ở giữa núi rừng heo hút này, thiếu gạo đã có bắp thay cơm, nhưng thiếu phim đồng bào không biết kiếm gì thay thế. Vì vậy, lâu lâu đội chiếu bóng mới về, bà con không chỉ háo hức xem phim mà còn mong tìm lại không khí nhộn nhịp, đông vui.
Đêm ở bản Lòm, không gian trở nên yên ắng khi những bộ phim được chiếu. Lúc này ở phía trên màn ảnh là hình ảnh, lời thoại cuốn hút và phía dưới bà con chăm chú hướng mắt xem phim. Em Hồ Thị Đông (ở bản Lòm) chia sẻ: “Hôm nay cháu và các bạn xem phim rất hay. Cháu mong muốn được xem nhiều lần hơn nữa. Cháu sẽ cố gắng học tập để sau này có điều kiện mang nhiều thứ hiện đại về bản cho bà con xem, sử dụng”.
Đến gần nửa đêm khi màn sương đan dày, cũng là lúc phim hết, bà con mới đứng dậy ra về. Nhiều người còn nấn ná hỏi anh em trong đội, tối mai chiếu phim ở bản nào, phim gì để tới xem. Anh em trong đội vui vẻ trả lời bà con, tối mai phim tiếp tục chiếu ở bản Dộ - Tà Vờng và các trong những ngày tiếp theo ở các bản Chà Cáp, Si Mới, Ka Oóc, Ra Mai… Mong bà con sắp xếp công việc để tới xem phim.
Ông Phạm Xuân Sỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình cho biết, dù công việc nhiều vất vả nhưng với sự đón nhận của người dân, những người chiếu bóng chúng tôi cảm thấy vui và có thêm động lực để cống hiến ở những bản làng xa xôi.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình cho biết thêm, mỗi năm theo kế hoạch, các đội chiếu phim lưu động phục vụ hơn 450 buổi chiếu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sự đón nhận của người dân, nhất là đồng bào DTTS vùng sâu vùng xa cho thấy những buổi chiếu phim vẫn rất cần thiết để "cải thiện" đời sống tinh thần nhân dân ở nơi biên giới.