Hồi sinh và bảo tồn đồng bào dân tộc Chứt
VHO- Đưa người Chứt rời hang đá trở về là một kỳ tích, nhưng để đồng bào hồi sinh, xóa dần các tập tục lạc hậu là nỗ lực lớn của nhiều thế hệ Bộ đội biên phòng (BĐBP) và chính quyền địa phương. Trong những năm qua, với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cuộc sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đã có nhiều đổi thay.
Lễ hội Tết Lấp lỗ rộn ràng với các hoạt động dân ca, dân vũ và thể thao, thu hút sự tham gia của người dân trong và ngoài bản Rào Tre
Từ cuộc sống nguyên thủy…
Ngồi trong ngôi nhà sàn nhìn ra xa xăm, ông Hồ Đoỏng không biết mình đã bao nhiêu tuổi, nhưng khi nhắc đến thời gian sống trong rừng thì ký ức về những trận đói, trận rét triền miên dường như vẫn bám riết lấy ông, không bao giờ quên được. Ông Đoỏng kể: “Trước đây khổ lắm, không có hạt muối để ăn, cuộc sống cứ nay đây mai đó. Người ốm chỉ biết nhờ trời và thầy cúng. Bà con dân bản biết ơn Đảng, Bác Hồ, biết ơn BĐBP. Nếu không có BĐBP phát hiện, đưa về định cư ở bản Rào Tre thì không biết người Chứt sẽ đi đâu, về đâu trong rừng sâu, núi thẳm. Cả bản biết ơn nên đều lấy họ từ tên của Bác Hồ”.
Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre chia sẻ: “Năm 1991, BĐBP Hà Tĩnh tuần tra biên giới đã phát hiện một nhóm chừng 20 người Chứt sống trong hang động trên dãy Trường Sơn ở biên giới Việt - Lào. Sau đó, BĐBP Hà Tĩnh đã nhiều lần tìm cách đưa họ ra khỏi cuộc sống tối tăm nơi hang sâu nhưng đều bất thành. Cứ ra một vài ngày họ lại nhớ rừng, nhớ núi nên tìm cách quay về. Phương án mới đã được đưa ra, một tổ BĐBP Hà Tĩnh được phân công tiếp cận với đồng bào để tìm hiểu cách thức sinh hoạt, học tiếng của họ để làm công tác tuyên truyền. Một tổ khác được phân công xuyên rừng chọn địa điểm phù hợp để tính đến phương án dựng bản cho người Chứt”.
Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Hà Tĩnh tặng cho bà con bản Rào Tre 200 cây giống phát triển kinh tế trong dịp lễ hội Tết Lấp lỗ
Mưa dầm thấm lâu, một vài năm sau, khi người Chứt đã quen mắt với màu xanh áo lính, thấy nhớ khi BĐBP vắng mặt; khi đau bụng, sinh con, khi cúng Giàng, thần linh cũng gọi BĐBP tham gia…, họ đã đồng ý về sinh sống ở bản Rào Tre. Những ngôi nhà sàn được dựng bằng cây rừng, kiến trúc theo kiểu hang đá dần được bà con chấp nhận. Tiếp đó, nhà sàn cách tân kiểu mới đã được thay thế, những lớp học được mở ra, trạm xá được dựng lên… Sau khi BĐBP đưa nhóm người này về sống tại bản Rào Tre, cái khó không chỉ ở việc giúp họ ổn định cuộc sống, có cái ăn, cái mặc, mà là làm cách nào giúp bà con xóa bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết vốn đã ăn sâu thâm căn cố đế của tộc người này từ bao đời.
Thế rồi, con em người Chứt đến trường học hành đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực, giúp bố mẹ xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu như: Mẹ chết phải chôn con theo, bỏ thầy mo, thầy cúng, không sợ con ma rừng… Hơn 30 năm, để có một bản làng Rào Tre, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh đã gắn bó, cùng ăn cùng ở, dạy chữ, dạy cách sinh hoạt văn minh và giữ đường biên giới cùng bà con nơi đây.
… đến những người đảng viên người Chứt
Tháng 10.2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025, trong đó có dân tộc Chứt. Với thời gian thực hiện 10 năm, Đề án có mục tiêu: Duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc rất ít người; Xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững. Nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Bản Giàng, BĐBP Hà Tĩnh, đóng tại xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh được phân công trực tiếp giúp đỡ bà con người Chứt ở bản Rào Tre. Để đồng bào tránh khỏi hôn nhân cận huyết, BĐBP Hà Tĩnh ra tay làm “bà mối” dựng vợ gả chồng cho trai, gái trong bản. Các “bà mối” mát tay đã se duyên được cho 5 cặp vợ chồng, trong đó có 3 đồng chí BĐBP lấy gái bản, gắn bó cuộc sống cùng đồng bào. Trung úy Nguyễn Tuấn Anh, BĐBP Hà Tĩnh, người nhiều năm lăn lộn với dân bản cũng đã chọn một cô gái Chứt làm bạn đời của mình!
Cán bộ Tổ công tác bản Rào Tre - Đồn Biên phòng Bản Giàng và người dân trong bản đến nhà chia sẻ niềm vui với Hồ Thị Sương, nữ sinh đầu tiên bản làng trúng tuyển đại học (Ảnh: BĐBP Hà Tĩnh cung cấp
Với việc nâng cao dân trí, đời sống, phát triển kinh tế, xã hội, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh cũng đặc biệt coi trọng công tác phát triển Đảng đối với đồng bào dân tộc Chứt. Nhiều năm qua, lần lượt nhiều người con ưu tú người Chứt đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ông Trần Phúc Anh, Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên cho biết: “Đến nay, Rào Tre đã có hơn 10 quần chúng ưu tú người Chứt được kết nạp vào Đảng. Bà con cũng đón nhận niềm vui đặc biệt, khi lần đầu tiên bản làng có người trúng tuyển đại học, đó là em Hồ Thị Sương (SN 2003) trúng tuyển ngành Giáo dục mầm non, Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh. Sương là tấm gương thắp lên niềm hy vọng tươi sáng nơi bản làng xa xôi”.
Sau hơn 30 năm hòa nhập cộng đồng, người Chứt ở bản Rào Tre đã có cuộc sống mới, thực sự thay da đổi thịt. Từ những người không có tên, không biết tuổi, sống lầm lũi như con thú hoang trong hang núi, đến nay bản Rào Tre đã có thế hệ thứ ba. Bà con biết cách tích lũy, tiết kiệm, sản xuất lúa nước, chăn nuôi, trồng rau màu để phục vụ cuộc sống... Cả bản hiện có 46 hộ đồng bào dân tộc Chứt, với 156 nhân khẩu. Cuộc sống của họ đang dần ổn định bằng hoạt động sản xuất nông nghiệp, trồng cây gây rừng... Nhiều thanh niên người Chứt được học hành đầy đủ đã đi làm ăn xa để có cuộc sống khấm khá hơn. Về cơ bản, bà con đã thoát hẳn khỏi cuộc sống săn bắn và hái lượm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Trần Quốc Bảo cho biết: “Hằng năm, Tết Lấp lỗ của bà con dân tộc Chứt được tổ chức vào ngày 7.7 âm lịch, với ý nghĩa “cắm lỗ, gieo hạt”, báo hiệu đã hoàn thành việc gieo, trỉa trên nương rẫy. Đây là dịp để dân bản ăn mừng, cảm tạ đất trời, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; mong mọi người sức khỏe dồi dào, cuộc sống gia đình bình yên, no đủ, hạnh phúc. Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp để gìn giữ, phát huy, lưu truyền, phổ biến những phong tục, tập quán tốt đẹp về văn hóa dân gian, nghi lễ truyền thống của người Chứt, để từng bước đưa lễ hội Lấp lỗ trở thành sản phẩm du lịch, văn hóa đặc trưng trong văn hóa Việt. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục dành nhiều sự quan tâm hơn nữa cho đồng bào dân tộc Chứt bằng các việc làm cụ thể, thiết thực, tiếp tục quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào. Hành trình hòa nhập cộng đồng dẫu vẫn còn nhiều gian nan, nhưng với họ, cuộc sống đã thực sự đổi thay, không còn bữa no, bữa đói, săn bắt, hái lượm được cái gì ăn cái nấy như ngày xưa nữa...
PHẠM TƯỚC