Để kho tàng bối cảnh điện ảnh không còn là… tiềm năng

PHƯƠNG ANH; ảnh: T.L

VHO - Ký ức một thời của những tác phẩm điện ảnh từng được các nhà làm phim nước ngoài khai thác từ bối cảnh Việt Nam được nhắc đến nhiều lần. Đầu những năm 1990, cùng lúc có tới 3 bộ phim lớn quay tại Việt Nam là Đông Dương, Điện Biên Phủ và Người tình. Vẻ đẹp và sức quyến rũ của dải đất hình chữ S được quảng bá nhiều hơn trên thế giới…

Để kho tàng bối cảnh điện ảnh không còn là… tiềm năng - ảnh 1
Vẻ đẹp nguyên sơ và bí ẩn của Ninh Bình (Việt Nam) được chọn làm bối cảnh phim Kong: Skull Island

 Thế nhưng, tiếc là sau đó không có nhiều đoàn phim lớn tiếp tục khai thác, tận dụng thế mạnh từ những bối cảnh đẹp như mơ của Việt Nam. Lợi thế dồi dào, nhưng có nhiều cái khó khiến cho kho tàng bối cảnh của chúng ta đến nay vẫn chỉ là tiềm năng đối với Nghệ thuật thứ 7.

Trông người, lại ngẫm đến ta

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) nhấn mạnh, thu hút các đoàn phim nước ngoài đến quay hoặc hợp tác sản xuất là khâu rất quan trọng để thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của giới nghề và các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu lớn cho đất nước. “Trên thế giới, việc hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ là lĩnh vực quan trọng, thậm chí quan trọng nhất để phát triển điện ảnh, nên họ có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt cho phim hợp tác, dịch vụ…”, bà Lan cho biết.

Nhắc lại 3 bộ phim của các nhà làm phim Pháp quay tại Việt Nam đầu những năm 90 của thế kỷ XX là Đông Dương, Người tình Điện Biên Phủ, TS Ngô Phương Lan chia sẻ, đây là 3 tác phẩm đình đám và tưởng sẽ mở ra một thời kỳ mới để chúng ta đón các đoàn làm phim nước ngoài. Tuy nhiên, liên tục vài chục năm tiếp theo, không có dự án lớn nào được thực hiện tại Việt Nam, ngoại trừ một vài phim nhỏ hoặc phim truyền hình của Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… và vài phim của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Cho đến năm 2002, Người Mỹ trầm lặng là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Mỹ quay tại Việt Nam, và phải đến năm 2016, bộ phim Hollywood đầu tiên là Kong: Skull Island mới chọn Việt Nam làm bối cảnh.

Câu hỏi được đặt ra là, vì sao sở hữu kho tàng bối cảnh trời cho nhưng đến nay vẫn chỉ là… tiềm năng? “Tôi không muốn gọi là tiềm năng nữa, giờ chúng ta phải thay đổi”, bà Ngô Phương Lan nói.

Làm thế nào để Việt Nam trở thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới? Việc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những bộ phim có bối cảnh lọt mắt xanh của các nhà làm phim quốc tế thực sự là điều cần suy ngẫm. “Năm 2017, Cục Điện ảnh từng có gian hàng “Điện ảnh Việt Nam” tại LHP Cannes, quảng bá bối cảnh quay cho Ninh Bình và nhiều nơi khác, với slogan: Việt Nam - Điểm đến mới của các bộ phim bom tấn. Cũng trong năm đó, Cục Điện ảnh đã ký được biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Điện ảnh Quốc gia Pháp, tiếc là sau đó mọi việc chưa triển khai được nhiều…”, bà Ngô Phương Lan cho biết.

Trông người lại ngẫm đến ta, Chủ tịch VFDA cho rằng, nhìn sang Thái Lan, một năm thu hút trên dưới 100 đoàn làm phim lớn nhỏ. Bởi các đoàn phim đến với ta không được nhiều ưu đãi thì họ sẽ sang nơi có cảnh quan tương tự như Thái Lan, Philipinnes hoặc các nước chào đón họ, và chúng ta đã mất đi rất nhiều cơ hội.

Để kho tàng bối cảnh điện ảnh không còn là… tiềm năng - ảnh 2
Phim "Người Mỹ trầm lặng quay tại Việt Nam"

Hiện thực hóa giấc mơ “phim trường thế giới”

TS Ngô Phương Lan cho rằng, Luật Điện ảnh năm 2022 đã có nhiều quy định mới để tạo ra các cơ chế cởi mở, thông thoáng hơn. Chẳng hạn, trước đây nếu chỉ quay một phần bộ phim ở Việt Nam thì Nhà nước vẫn duyệt kịch bản 100%, nhưng hiện nay chỉ cần kịch bản tóm tắt của phim và kịch bản chi tiết phần quay ở Việt Nam để xin cấp phép; cùng với đó là các cơ chế giảm, ưu đãi thuế… Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, vẫn cần có nhiều hơn nữa những cơ chế, chính sách ưu đãi, điều này quyết định lớn đến việc thu hút các đoàn phim.

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, việc kích cầu du lịch thông qua điện ảnh là tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, cần một sự kết nối đồng bộ từ các Bộ, ngành chứ không chỉ riêng ngành Văn hóa. “Các nước như Thái Lan, Malaysia… hoàn thuế, thậm chí miễn thuế cho những đoàn phim đến và thuê nhân công tại nước họ. Chúng ta có thể tham khảo những điều này để công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, các đoàn phim nước ngoài đến với chúng ta nhiều hơn, người Việt Nam làm dịch vụ sẽ thuận lợi hơn…”, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nói.

Để hiện thực hóa giấc mơ trở thành phim trường thế giới, phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood, kinh đô điện ảnh thế giới, đến Việt Nam thực hiện quay các tác phẩm có sức hút lớn và thu hút khách du lịch quốc tế, từ ngày 23 - 25.9, Bộ VHTTDL tổ chức Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới.

“Chương trình sẽ giới thiệu Việt Nam không chỉ là điểm đến lý tưởng cho du khách mà còn là một điểm đến hấp dẫn các nhà làm phim, đạo diễn điện ảnh và diễn viên hàng đầu thế giới…”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết. Theo lãnh đạo Bộ, với mô hình mới mẻ, thúc đẩy xúc tiến du lịch qua cầu nối điện ảnh, sự kiện lần này được tổ chức tại TP San Francisco và Los Angeles (California, Hoa Kỳ) thu hút sự tham gia đầy hứng khởi của các nhà quản lý, nghệ sĩ điện ảnh, doanh nghiệp, địa phương có thế mạnh về du lịch. Đây là cơ hội để chúng ta quảng bá những điểm đến có thể trở thành phim trường nổi tiếng. Thông qua bối cảnh tuyệt đẹp, khán giả không chỉ có cơ hội trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và con người Việt Nam trên màn bạc, mà còn thúc đẩy họ hãy đến với chúng ta để tham quan, du lịch…

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết: “Du lịch Ninh Bình trong những năm qua đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, trong đó sự kết hợp ăn ý giữa điện ảnh và du lịch. Điện ảnh đã góp phần không nhỏ trong quảng bá danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa, di sản của các vùng miền, thu hút khách du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…”.

Theo ông Mạnh, nhiều địa điểm trên đất cố đô đã trở thành bối cảnh trong phim ảnh sau đó thu hút rất đông du khách. Năm 1992, phim Đông Dương quay ở Vịnh Hạ Long, Điện Thái Hòa, Lăng Tự Đức (Huế), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình)... và đã giành giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Sau khi công chiếu, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động được nhiều du khách quốc tế biết đến. Hiện nay, khách Pháp, châu Âu chiếm tới 80% lượng khách du lịch đến với nơi này…

Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình đề xuất cần có giải pháp tổng thể về phát triển, hỗ trợ tối đa cho các đoàn làm phim, đồng thời có những chính sách giới thiệu, thu hút một cách bài bản. Để thành công hơn nữa trong quảng bá du lịch qua điện ảnh, Ninh Bình đã tăng cường phối hợp đồng bộ, hiệu quả, hoạch định chiến lược, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho đoàn làm phim. Thậm chí, chính quyền có thể chủ động đặt hàng nhà làm phim thực hiện các cảnh quay với nội dung phù hợp, “khoe” được những nét đặc sắc của địa phương.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh thông tin, thời gian tới, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ có những đổi mới về phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch đối với thị trường quốc tế thông qua điện ảnh “Không chỉ quảng bá tiềm năng trở thành phim trường của thế giới mà còn phải tập trung quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế thông qua các bộ phim quay ở Việt Nam…”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.

 “Để hiện thực hóa giấc mơ trở thành phim trường thế giới, phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood, kinh đô điện ảnh thế giới, đến Việt Nam thực hiện quay các tác phẩm có sức hút lớn và thu hút khách du lịch quốc tế, từ ngày 23 - 25.9, Bộ VHTTDL tổ chức Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới.