Sau Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024:

Để “giữ lửa” sân khấu

THANH MAI

VHO - Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 đã kết thúc thành công hơn mong đợi, thu hút đông đảo khán giả mộ điệu đến thưởng thức trong mỗi vở diễn. Bên cạnh việc để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng và giới nghề, một câu hỏi đặt ra là giữa dòng chảy không ngừng của nghệ thuật, làm thế nào để sân khấu tiếp tục chạm đến trái tim khán giả và thu hút họ đến với rạp hát sau khi cánh màn Liên hoan đã khép?

Để “giữ lửa” sân khấu - ảnh 1
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam NSND Trịnh Thúy Mùi và Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Xuân Tài trao HCV cho các vở diễn xuất sắc. Ảnh: GIA LINH

12 “trái ngọt” trong lòng nghệ sĩ và công chúng

Sau một tuần tranh tài của 12 tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình: Chèo, tuồng, cải lương, kịch nói, múa rối... Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 đã diễn ra vào cuối tuần qua tại rạp Đại Nam (89 Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Phát biểu bế mạc, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Xuân Tài khẳng định, những tác phẩm tham dự Liên hoan đã được các đơn vị đầu tư nghiêm túc về kịch bản, dàn dựng công phu với nhiều sáng tạo độc đáo, có chất lượng nghệ thuật cao. “Bằng ngôn ngữ sân khấu, những câu chuyện về đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại đã đề cao tinh thần chiến đấu của quân và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đem đến nhiều cảm xúc, ấn tượng khó quên cho công chúng Thủ đô và người yêu nghệ thuật”, ông Phạm Xuân Tài nhấn mạnh.

Sự kiện đã tiếp nối thành công của các kỳ Liên hoan trước với nhiều điểm mới. Sự tham gia nhiệt tình của các đoàn nghệ thuật, sự hưởng ứng hết mình của khán giả đã góp phần làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu được lan tỏa tích cực, tạo nên không khí sôi động.

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn cho rằng, Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng đã khép màn, để lại dư âm là 12 “trái ngọt” trong lòng khán giả và nghệ sĩ. “Chúng ta vui mừng khi thấy đội ngũ gạo cội vẫn còn yêu nghề, còn sống chết với nghề và có sự kế thừa của các gương mặt trẻ tài năng. Họ đang đổi mới sân khấu hôm nay, từ thiết kế mỹ thuật đến lối trình diễn. Điều đó không tạo cảm giác xa lạ mà được công chúng đón nhận, hòa đồng, trở thành thước đo cho thành công của Liên hoan”.

Kết quả, BTC đã trao 3 HCV cho các vở: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà hát Chèo Quân đội); Khoảng trống (Nhà hát Kịch Hà Nội); Hoàng Đế cờ lau (Nhà hát Múa rối Thăng Long). 4 vở diễn được trao HCB là: Hồ Xuân Hương (Đoàn Chèo Hải Phòng); Thiếu phụ Nam Xương (Nhà hát Tuồng Việt Nam); Người hát ả đào (Nhà hát Chèo Hà Nội); Lý Thường Kiệt (Nhà hát Cải lương Hà Nội).

Ngoài ra, BTC cũng trao 27 HCV, 35 HCB cho các diễn viên xuất sắc và 13 giải thưởng cho đạo diễn, tác giả kịch bản, chuyển thể, biên đạo múa, nhạc sĩ, họa sĩ, tạo hình con rối, ánh sáng, dàn nhạc, chỉ huy dàn nhạc, nhạc công xuất sắc…

Khán giả còn “mặn mà” với sân khấu?

Suốt những ngày qua, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024 đã mang đến một không khí sôi động và náo nhiệt, thu hút sự quan tâm không chỉ của khán giả, người dân Thủ đô mà cả du khách quốc tế. Các rạp hát lúc nào cũng chật kín, không ít người đã phải đứng xem vì không còn ghế trống. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt vang khắp khán phòng, thể hiện sự phấn khích, hào hứng của người xem, tất cả cùng hòa vào mạch cảm xúc trong từng vở diễn. Đây là minh chứng cho sức sống mãnh liệt và nét cuốn hút riêng của nghệ thuật sân khấu. Thế nhưng, khi những tràng pháo tay lắng dần, cánh màn nhung khép lại, một câu hỏi đầy trăn trở được đặt ra: Liệu sân khấu có giữ được sức hút lâu bền với khán giả, hay dư âm từ Liên hoan chỉ là khoảnh khắc ngắn ngủi?

Phó Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: “Kịch bản tốt và đạo diễn tài năng là yếu tố then chốt tạo sức hấp dẫn cho một tác phẩm nghệ thuật, điều này giúp các diễn viên thể hiện nội tâm nhân vật một cách sâu sắc”. Bà Minh Thái cũng chỉ ra rằng, để sân khấu có thể phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế, cần sự kết hợp của công nghệ hiện đại như ánh sáng và âm thanh... để tạo dựng không gian hoàn chỉnh, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật.

Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng cho các tác phẩm để níu chân khán giả như ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam NSND Nguyễn Tiến Dũng còn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quảng bá và tiếp cận khán giả để giữ chân công chúng sau mỗi kỳ Liên hoan. Theo ông, trong thời đại công nghệ số hiện nay, mọi thứ đều trở nên dễ dàng hơn, khán giả không cần phải tốn công ra ngoài, chỉ cần một cuộc điện thoại hay cú click chuột là đã có thể nắm bắt ngay thông tin về các vở diễn.

“Khán giả quay lại không phải vì những gì đã cũ, mà vì những trải nghiệm mới mẻ và những giá trị nghệ thuật mà họ cảm nhận được. Việc duy trì sự tươi mới trong các tác phẩm và không ngừng cải tiến cách thức giao tiếp với công chúng là chìa khóa để giữ được sự quan tâm của họ lâu dài”, theo NSND Nguyễn Tiến Dũng.

Cùng chung quan điểm, đạo diễn Trần Lực (Đoàn kịch LucTeam) cho rằng, chất lượng nghệ thuật và truyền thông là 2 yếu tố quan trọng kéo khán giả đến với sân khấu. “Nếu thiếu đi chiến lược truyền thông hiệu quả, thì dù sản phẩm nghệ thuật có xuất sắc đến đâu, việc duy trì sự yêu thích lâu dài vẫn là thử thách không nhỏ”, đạo diễn Trần Lực bày tỏ, đồng thời cho rằng, sân khấu vẫn phải giữ gìn và khai thác ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, tuồng,... nhưng phải được xử lý tinh tế và sáng tạo để phù hợp với thời đại. Chỉ khi công chúng cảm thấy hấp dẫn, họ sẽ tự khắc quay về khám phá sâu hơn những giá trị truyền thống.

Có thể nói, việc xây dựng chiến lược truyền thông mạnh mẽ sẽ giúp kết nối các tác phẩm với khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. Còn khi các tác phẩm phản ánh đúng tiếng nói của đời sống xã hội, truyền tải hơi thở nóng hổi của thời đại, mang lại những trải nghiệm mới mẻ, khán giả sẽ đồng hành và giúp sân khấu giữ được vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng.