Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024:

Thiếu vắng hơi thở cuộc sống

ĐÀO ANH - THANH MAI

VHO - Diễn ra từ ngày 1 - 9.11 trên nhiều sàn diễn lớn của Thủ đô, Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 đã đi được hơn nửa chặng đường, 12 đoàn nghệ thuật đang nỗ lực hết mình để cống hiến những vở diễn đỉnh cao. Dù thành công trong việc thu hút khán giả, Liên hoan vẫn để lộ một khoảng trống đáng lo ngại: Sự thiếu vắng các tác phẩm mang hơi thở đương đại.

Thiếu vắng hơi thở cuộc sống - ảnh 1
Cảnh trong vở Ông không phải là bố tôi của Nhà hát Tuổi trẻ

 Điều đó không chỉ làm giảm tính đa dạng mà còn đặt ra thách thức lớn cho nghệ thuật sân khấu nước nhà trong việc đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của công chúng…

Thiếu vắng đề tài hiện đại

Với 800 văn nghệ sĩ tài năng đến từ 12 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, Liên hoan quy tụ những tác phẩm sân khấu đặc sắc, đa dạng thể loại và giàu giá trị nghệ thuật như: Khoảng trống (Nhà hát Kịch Hà Nội); Cánh cửa khép hờ (Nhà hát Cải lương Việt Nam); Hồ Xuân Hương (Đoàn Chèo Hải Phòng); Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà hát Chèo Quân đội); Ông không phải là bố tôi (Nhà hát Tuổi trẻ); Hoàng đế cờ lau (Nhà hát Múa rối Thăng Long); Sóng ven đô (Nhà hát Chèo Bắc Giang); Người hát ả đào (Nhà hát Chèo Hà Nội)…

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các vở diễn, có thể thấy rõ sự vắng bóng đề tài hiện đại mang hơi thở “nóng hổi” của cuộc sống, gần gũi với xã hội đương thời, khiến sân khấu trở nên xa cách với khán giả, đặc biệt là giới trẻ.

Là một trong những đơn vị lựa chọn đề tài hiện đại, Nhà hát Cải lương Việt Nam mang đến Liên hoan vở Cánh cửa khép hờ. Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cho biết, đây là lần đầu đơn vị khai thác một chủ đề mới nên vừa là thách thức vừa là phép thử sức chuyển tải của sân khấu cải lương trong nỗ lực tiếp cận đa dạng tầng lớp công chúng… “Cánh cửa khép hờ là lời cảnh tỉnh nhân loại trước xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra tràn lan hiện nay; đồng thời khẳng định: Mỗi bước tiến của nền văn minh phải luôn song hành và thuận chiều với các quy luật của tự nhiên như luật hấp dẫn, luật cân bằng, luật nhân quả... Mọi tham vọng làm biến đổi hệ cân bằng sinh thái nhằm mang lại những lợi ích vị kỷ cá nhân, đều tiềm ẩn hiểm họa cho Trái đất...”, NSND Triệu Trung Kiên thông tin.

Bày tỏ quan điểm về việc khai thác đề tài hiện đại, NSƯT Quang Ánh (Nhà hát Tuổi trẻ) cho rằng: “Sân khấu là tấm gương phản chiếu cuộc sống, vừa phản ánh hiện thực lại vừa là nơi gửi gắm những thông điệp sâu sắc. Các vấn đề “hot” như tình bạn, tình yêu, gia đình,... khi được tái hiện trên sàn diễn sẽ giúp người xem thấy được hình ảnh của chính mình, dẫn dắt họ đến với những giá trị tốt đẹp, nhân văn. Đổi mới đề tài và cách khai thác không chỉ là cách làm phong phú thêm nghệ thuật mà còn là cách để sân khấu chạm đến trái tim khán giả”.

Cái khó ló cái khôn

Tại Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024, các vở diễn đều được đầu tư và làm mới kỹ lưỡng, công phu. Ê kíp sáng tạo đã nỗ lực tìm tòi cách lồng ghép yếu tố đương đại vào tác phẩm kinh điển, khéo léo sử dụng âm thanh, ánh sáng, trang phục, lời thoại... nhằm thổi “làn gió mới” vào những câu chuyện xưa, tạo sức hút cho tác phẩm.

Điển hình như Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nhà hát Chèo Quân đội), được dàn dựng theo phong cách ước lệ của sân khấu truyền thống gắn với sự kiện, nhân vật có thật, mọi diễn biến, dấu mốc lịch sử đều được tôn trọng, nhằm ca ngợi vị Đại tướng tài ba của dân tộc. Xen vào giữa khung cảnh hoành tráng ở mặt trận là những khoảnh khắc trữ tình, ở đó Đại tướng hiện lên với nét bình dị, gần gũi, ấm áp, nhân văn. Lời thoại của nhân vật cũng được chỉnh sửa phù hợp với thị hiếu hiện đại, khiến khán giả vừa thấy quen nhưng cũng rất mới lạ, thu hút…

Cách làm này đã khiến tác phẩm truyền thống không còn nhàm chán, khô khan, diện mạo của Liên hoan cũng trở nên phong phú, đem lại sức sống mới cho sân khấu nước nhà. Dù chưa đi hết chặng đường, nhưng sự kiện đã ghi dấu ấn thành công, thể hiện qua những phản hồi tích cực từ khán giả.

Đến thưởng thức vở chèo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Nguyễn Thị Thuân (60 tuổi, Đông Anh) bày tỏ, thời kỳ trước, khi các phương tiện giải trí chưa phong phú như bây giờ, sân khấu là không gian văn hóa quen thuộc, là khát khao mong đợi của người dân. Giờ đây, xã hội phát triển, nghệ thuật truyền thống thưa dần trong đời sống thường ngày. “Nhưng khi xem vở diễn, tôi như được trở về với những ngày xưa cũ, khi tiếng chèo, tiếng trống là nhịp đập của làng quê. Cách các nghệ sĩ thể hiện từng lời thoại, từng động tác khiến tôi bồi hồi xúc động, bởi đã lâu lắm tôi mới lại được xem chèo”, bà Thuân chia sẻ.

Đánh giá cao vai trò của Liên hoan, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến nhận định: Sự kiện không chỉ là dịp để các nghệ sĩ phô diễn tài năng, giao lưu, học hỏi, làm mới tác phẩm của mình, mà còn là cơ hội đưa sân khấu đến gần với công chúng hơn.

Từ đó, nâng cao chất lượng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả, đặc biệt là giới trẻ. “Qua các đêm diễn, người xem không chỉ được thưởng thức cái hay, cái đẹp của nghệ thuật mà còn tìm thấy những giá trị nhân văn, những bài học ý nghĩa. Nhờ đó, sân khấu không còn là thế giới tách biệt, mà trở thành một phần trong đời sống xã hội”, NSƯT Sĩ Tiến nói.

Với nghệ sĩ Hoàng Thanh Huấn (Nhà hát Chèo Quân đội), sân khấu còn là nơi các nghệ sĩ được truyền cảm hứng và được sống trọn vẹn niềm đam mê. “Đây là cơ hội tốt để chúng tôi học cách đổi mới tư duy, nắm bắt xu hướng và mạnh dạn thử nghiệm những phong cách diễn xuất mới”, anh cho biết, đồng thời cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều cuộc Liên hoan hơn nữa để các nghệ sĩ có cơ hội tham gia và nâng cao trình độ chuyên môn.

Có thể nói, Liên hoan sân khấu không chỉ là dịp để khán giả có cơ hội thưởng thức những vở diễn đỉnh cao mà còn là không gian để hồi tưởng, sống cùng nghệ thuật truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc. Trong bối cảnh xã hội phát triển không ngừng và thị hiếu của khán giả ngày càng đa dạng, nghệ thuật sân khấu cũng cần phải thay đổi và thích nghi.

Nếu chỉ dừng lại ở những đề tài xưa cũ, thiếu câu chuyện phản ánh xã hội đương đại, sân khấu sẽ dần mất đi tính ứng dụng. Vì thế, các đơn vị cần mạnh dạn hơn trong việc sáng tác kịch bản, đề cập đến những vấn đề mà dư luận quan tâm, để sân khấu thực sự là nơi phản ánh, dẫn dắt và gợi mở về cuộc sống. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc