Nghề thủ công “chuyển mình” trong thời đại số
VHO - Tọa đàm “Hội An- Làng nghề lên số” là cơ hội để kết nối các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ thủ công, chia sẻ những thông tin thiết thực, thú vị xoay quanh câu chuyện nghề thủ công “chuyển mình trong thời đại số”.
Hôm nay, 31.5, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam phối hợp với HoiAn Innovation Hub và Tonkin Media tổ chức tọa đàm “Hội An-Làng nghề lên số”.
Sự kiện thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều nghệ nhân, thợ thủ công, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực liên quan đến nghề thủ công. Đặc biệt là sự tham gia, hướng dẫn giới thiệu của các chuyên gia xây dựng chiến lược truyền thông, chuyên gia xây dựng mô hình du lịch, chuyên gia về truyền thông du lịch.
Qua đó, góp phần thấu hiểu và trân trọng giá trị trong hành trình lao động, sáng tạo của các thế hệ cư dân Hội An. Đồng thời cũng thúc đẩy giải pháp đầu ra cho các sản phẩm của làng nghề truyền thống, tái tạo dòng chảy mới – dòng chảy toàn cầu cho các sản phẩm thủ công mang bản sắc địa phương.
Tọa đàm chia thành 2 phiên, phiên tham luận chung xoay quanh các chủ đề như: Hội An - Thành phố sáng tạo UNESCO - Giá trị, cơ hội và trách nhiệm; Thách thức và làm thế nào để nghề thủ công có thể chuyển mình trong thời đại số; Kinh nghiệm phát triển chuỗi giá trị làng nghề từ doanh nghiệp Làng Củi lũ.
Khai thác hệ sinh thái truyền thông - bán hàng Tiktok để phát triển kênh bán hàng trực tiếp - tối ưu chuỗi giá trị sản phẩm làng nghề; Thương mại điện tử và bán hàng đa kênh - Giải pháp trọn gói cho doanh nghiệp để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm làng nghề; Nghệ thuật kể chuyện và phương thức quản trị câu chuyện của làng nghề trên không gian số và không gian trưng bày.
Trong phiên workshop, các chuyên gia đến từ Tiktok Việt Nam, Haravan,…đã chia sẻ về cách thức xây dựng kênh Tiktok cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; Xây dựng trang thương mại điện tử và bán hàng đa kênh cho doanh nghiệp siêu nhỏ,…
Thảo luận, đề xuất giải pháp, cung cấp kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu chuỗi giá trị làng nghề, hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững.
Trao đổi về cơ hội, thách thức, làm thế nào để làng nghề thủ công có thể chuyển mình trong thời đại số, ông Võ Quốc Hưng, Giám đốc tăng trưởng Tonkin Media chia sẻ: Sự thiếu quan tâm của thanh niên, thiếu thế hệ kế thừa là thách thức lớn nhất của ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và làng nghề truyền thống nói riêng.
Bên cạnh đó, các nghệ nhân đang thiếu nguyên liệu thô chất lượng, cùng với công nghệ và phương thức sản xuất ít được cải tiến nên khiến tăng chi phí sản xuất mà sản phẩm làm ra không có chất lượng tốt nhất.
Theo ông Hưng, kỹ thuật số (digtal) mang lại nhiều lợi ích cho thủ công truyền thông nhưng cũng mang lại nhiều thách thức như vi phạm bản quyền, hàng nhái chất lượng thấp và giá rẻ.
Chia sẻ về vai trò và cách ứng dụng digtal cho làng nghề, các ý kiến tại tọa đàm cũng nhìn nhận, trong thế giới thay đổi nhanh chóng, các nghề thủ công truyền thống mang đến sự kết nối với di sản của cha ông.
Các nền tảng kỹ thuật số, ví dụ như các nền tảng truyền thông xã hội và nền tảng trực tuyến cho phép các nghệ nhân thể hiện kỹ năng của mình với khán giả, với người tiêu dùng ở phạm vi toàn cầu. Việc tiếp xúc này không chỉ giúp xúc tiến thương mại, kích thích du lịch mà còn nâng cao nhận thức về bảo vệ các giá trị truyền thống.
Các làng nghề thủ công truyền thống đang phát triển và thích nghi để đáp ứng nhu cầu mỹ thuật đương đại. Các nghệ nhân cần pha trộn các kỹ thuật truyền thống với nguyên tắc thiết kế hiện đại để cho ra những sản phẩm đánh đúng thị hiếu người tiêu dùng nhưng vẫn giữ được nét độc đáo, sáng tạo đặc trưng.
Việc kết hợp này cũng thu hút người trẻ tốt hơn về việc quan tâm đến nghề thủ công truyền thống.
Di sản văn hóa thế giới Hội An có lợi thế là nơi hội tụ của hơn 50 nghề thủ công, truyền thống, trong đó có nhiều làng nghề được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia.
Các nghề như làm đèn lồng, đồ da, may mặc, đan võng từ cây ngô đồng, tạo hình, chế biến, sáng tạo các sản phẩm độc đáo từ đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa, gốc cây, các vật liệu tái chế hay từ rác thải… là những biểu hiện cho sự sáng tạo bền bỉ của con người Hội An
Kỹ thuật số phá vỡ mọi rào cản, các nghệ nhân từ ngôi làng xa xôi có thể kết nối người tiêu dùng khắp thế giới. Trong thế giới sản xuất hàng loạt, người tiêu dùng có xu hướng kết nối và tìm kiếm tính xác thực với người sản xuất.
Hàng thủ công đi kèm với những câu chuyện, lịch sử độc đáo làm cho những món đồ có ý nghĩa hơn. Với trợ giúp của kỹ thuật số cho phép nghệ nhân chia sẻ những câu chuyện này, tạo nên kết nối sâu sắc với khách hàng.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, chiến lược phát triển văn hóa nói chung và sáng tạo văn hóa trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian đã được triển khai tốt ở Hội An trong thời gian qua là nhờ vào sự thay đổi trong nhận thức của chính quyền và toàn thể nhân dân thành phố Hội An.
Việc Hội An gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO vào tháng 10.2023 vừa qua là một cột mốc đánh dấu việc bảo tồn và phát triển các làng nghề cần bước sang một giai đoạn mới: Giai đoạn phải hoàn thiện chuỗi giá trị làng nghề.
Trong đó, việc tái định vị sản phẩm, học cách kể các câu chuyện – tài sản của làng nghề để quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ để bán hàng tối ưu, hiệu quả là nhu cầu không thể thiếu. Đây là điều kiện quan trọng để các làng nghề phát triển bền vững. Chính quyền thành phố Hội An xác định đầu tư ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển các làng nghề và nghề thủ công là một mục tiêu quan trọng.