Cơ hội nâng tầm sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Thành phố sáng tạo Hội An
VHO- Gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian là cơ hội tốt để thành phố Hội An quảng bá sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng sáng tạo, bồi đắp uy tín thương hiệu Hội An - thành phố văn hóa, sinh thái, du lịch xanh- sạch- đẹp, an toàn, thân thiện.
Sáng tạo trong từng sản phẩm thủ công
Với những nỗ lực không ngừng trong bảo tồn và phát huy, đến nay các nghề khai thác yến sào Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà và nghề trồng rau Trà Quế của Hội An đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Hội An cũng nổi tiếng với các nghề thủ công như: làm đèn lồng, da, may mặc, đầu lân, mặt nạ, hoa đăng, chạm trổ, điêu khắc, đắp vẽ… Đặc biệt gần đây, Hội An đã xuất hiện những nghệ nhân tiên phong trong các nghề thủ công sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo từ các vật liệu tái chế hay những thứ rác thải, những nguyên liệu thân thiện với môi trường như đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa nước, gốc cây,…
Thợ trẻ ở làng gốm Thanh Hà với các sản phẩm đa dạng mẫu mã
Thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo của các nghề thủ công, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm và thu nhập của người dân, tạo ra các sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo và hấp dẫn.
Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho các làng nghề truyền thống. Nguyên liệu sản xuất của các làng nghề truyền thống chủ yếu là khai thác tự nhiên hoặc các sản phẩm của nông nghiệp. Chính vì vậy, với những nguyên liệu tự nhiên, các làng nghề cần có kế hoạch khai thác hợp lý, hạn chế việc khai thác ồ ạt, có tính chất “tận diệt”, ảnh hưởng đến môi trường. Cần tìm kiếm những đối tác sản xuất nguyên liệu, có hợp đồng ký kết ràng buộc với những điều khoản cụ thể, rõ ràng để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và giá cả.
Đối với những nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp, trong điều kiện diện tích đất phục vụ cho sản xuất nguyên liệu ngày càng hạn hẹp thì cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất sản xuất, tăng cường các sản phẩm hữu cơ, xanh-sạch.
“Muốn giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề, điều kiện đầu tiên sản phẩm đó phải thực sự độc đáo, ấn tượng, đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ, yêu cầu của người mua, thị trường. Du khách rất thích thú với những sản phẩm kế thừa tri thức dân gian truyền thống trong quy trình chế tác, làm thủ công để tinh xảo, đặc trưng, độc đáo”, anh Nguyễn Khắc Hải- chủ một cơ sở chuyên mua bán, xuất khẩu các mặt hàng lưu niệm của Hội An chia sẻ.
Bồi dưỡng nguồn nhân lực cho làng nghề truyền thống
Theo ông Quảng Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Hội An, các sản phẩm thủ công truyền thống do tính độc đáo và độ tinh xảo đến kỳ lạ của nó, vẫn rất cần cho con người, nếu không nói là ngày càng cần hơn lên. Các làng nghề với những “bàn tay vàng” của thợ thủ công cần được coi trọng bảo tồn và phát triển. Những công nghệ truyền thống quan trọng và quý giá của dân tộc cần được bảo lưu, sử dụng và phát triển theo hướng hiện đại hóa.
Các sản phẩm điêu khắc với chất liệu gỗ từ củi lũ trưng bày trong "Khu vườn Hội An" tại Công viên nhân dân TP.Wernigerode ( CHLB Đức)
Do vậy, cần có cơ chế động viên khuyến khích, hỗ trợ, tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi trong việc đào tạo, truyền nghề, thực hành di sản văn hóa cho thế hệ trẻ; tạo sân chơi thúc đẩy sự sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi để không ngừng cải tiến các mẫu mã sản phẩm của các nghề thủ công, tạo ra những sản phẩm có giá trị văn hóa và thương phẩm cao, gắn với phục vụ du lịch, xuất khẩu tại chỗ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại; phát huy những lợi thế về thương mại điện tử trong điều kiện công nghệ số ngày càng phát triển như hiện nay;….
Cơ hội nâng tầm sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Cuối tháng 10.2023, Hội An chính thức là thành viên của UCCN trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Điều này đồng nghĩa Hội An sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa bằng tài nguyên sẵn có từ danh hiệu này, đồng thời cũng thúc đẩy thành phố này phải thực sự nhập cuộc, bắt tay vào triển khai rất nhiều kế hoạch cụ thể để danh hiệu này thực sự mang lại lợi ích, phát huy bền lâu cho cộng đồng.
Trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, danh hiệu này sẽ là cơ hội để nghề thủ công, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề ở Hội An có cơ hội được phát triển, tỏa sáng hơn nữa trên nền tảng truyền thống mà cộng đồng, người dân Hội An đã cố gắng gìn giữ bấy lâu.
Du khách thích thú trải nghiệm nghề điêu khắc tại Không gian Nghệ thuật Củi Lũ, Hội An
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, thời gian tới, Hội An sẽ tiếp tục các nội dung thúc đẩy hỗ trợ phát triển cho lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Trong đó, trên lĩnh vực thủ công sẽ xây dựng Đề án Phát huy sản phẩm thủ công đặc trưng Hội An, hình thành nên một gian hàng trưng bày, kinh doanh các sản phẩm thủ công, quà lưu niệm đặc sắc, đặc trưng của Hội An. Từ đó góp phần tạo sinh kế cho nghệ nhân nghề thủ công Hội An.
Hình thành Không gian sáng tạo Hội An, tổ chức các các chương trình hoạt động sáng tác, chế tác liên quan đến lĩnh vực thủ công nhằm thúc đẩy sự phát triển về mẫu mã, chất liệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tổ chức các khóa tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cho các nghệ nhân thợ thủ công, doanh nhân trẻ và đội ngũ hỗ trợ trong lĩnh vực sáng tạo thủ công.
Kêu gọi, hỗ trợ các Dự án cộng đồng, khuyến khích, ưu tiên phụ nữ trẻ em và các nhóm yếu thế tham gia vào lĩnh vực sáng tạo thủ công nhằm tạo sinh kế, thu nhập. Xa hơn nữa, sẽ là cơ hội để thành phố này hướng đến các ngành công nghiệp văn hóa ở ngành nghề thủ công, nghệ thuật biểu diễn,…
KHÁNH CHI