Mái ấm của những đứa trẻ chậm phát triển
VHO- Được thành lập từ năm 2001, đến nay Trung tâm Phúc Tuệ (Hà Nội) đã trở thành địa chỉ tin cậy cho những gia đình không may có con em bị chậm phát triển hoặc mắc chứng tự kỷ. Cũng tại nơi đây, nhiều giáo viên đã và đang âm thầm cống hiến nhằm đem lại nụ cười hạnh phúc.
Một buổi sinh hoạt văn nghệ tại Trung tâm Phúc Tuệ
Tâm sự về những ngày đầu thành lập, bà Vũ Thị Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phúc Tuệ cho hay: “Những ngày đầu Trung tâm chỉ có 5, 6 em theo học. Sau đó, phía Trung tâm Sao Mai đã cử giáo viên có kinh nghiệm trong nuôi dạy trẻ thiểu năng, chậm phát triển… xuống để hướng dẫn giáo viên cũ của tôi các kỹ năng giao tiếp với trẻ. Tôi và các cô cũng chủ động tìm hiểu thêm về các kiến thức nuôi dạy trẻ tự kỷ cũng như tham vấn ý kiến của các chuyên gia để áp dụng sao cho phù hợp. Rồi dần trung tâm phát triển được như hiện nay”.
Cũng theo bà Hương, hiện Trung tâm Phúc Tuệ có hai cở sở ở 67Y Phó Đức Chính (quận Ba Đình) và số 3 Thạch Cầu (quận Long Biên). Với phương châm “đã cứu trợ thì không làm kinh doanh”, hiện trung tâm chỉ thu mức học phí sao cho phù hợp với các gia đình có thu nhập vừa hoặc thấp. Bà Hương cho biết: “Với những gia đình nghèo mà cứ thu 4 triệu đồng/tháng, có chỗ thu đến cả chục triệu thì tiền đâu mà họ đóng? Những lúc như vậy, họ lại để con mình ở nhà rồi lâu dần, bệnh nặng lên thì tội lắm. Bọn trẻ cũng là con người, cũng phải được hưởng đầy đủ những quyền của một đứa trẻ”.
Được biết, mức học phí trung tâm thu đối với các học viên chỉ hơn 1 triệu đồng/em. Hiện ở Trung tâm Phúc Tuệ có tới 1/4 số em theo học được giảm học phí do có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Với những gia đình có cả hai con bị mắc chứng tự kỷ, các cô ở đây cũng không nỡ thu tiền cả hai mà chỉ thu một em.
Quả thực, dạy được một đứa trẻ bình thường vốn đã vất vả, nhưng dạy một đứa trẻ phát triển không bình thường lại càng khó khăn gấp bội. Nhất là với những em bị tự kỷ, việc dạy cho các em trở nên khó khăn rất nhiều bởi khả năng giao tiếp của các em bị hạn chế. “Ngay cả những hành động tưởng chừng như cơ bản với mọi đứa trẻ từ cầm nắm, ăn, nhai… các cô đều phải dạy lại từ đầu. Giáo án cũng phải điều chỉnh linh hoạt theo từng em bởi mỗi em một thể trạng, một cách phản ứng khác nhau”, bà Hương nói.
Nhiều em khi giao tiếp không nhìn vào mắt người đối diện, nhiều em thì lại nhất quyết không chịu nghe người khác nói. Có những em còn có biểu hiện chống đối, tự xâm hại chính mình, thậm chí còn đánh cả giáo viên. Những lúc như vậy, nếu không vì tình thương với các em học sinh thì các cô đã không bám trụ với nghề này. Bên cạnh đó, các giáo viên ở đây cũng thường xuyên tổ chức những lớp trị liệu tâm lý, các buổi học vận động, văn nghệ giúp các em phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần.
Vất vả là vậy nhưng các cô luôn lấy sự tiến bộ của các em làm động lực để tiếp tục nuôi dạy. Không gì hơn, các giáo viên của Trung tâm Phúc Tuệ chỉ mong những học trò đặc biệt của mình có thể dần hòa nhập với cộng đồng. Đó cũng là mong muốn của những người làm cha, làm mẹ không may có con em kém may mắn.
NGUYỄN NAM