Sau karaoke, loa phường cũng đang gây ức chế và ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi người

NHẬT TÂN

VHO - Đọc bài về Karaoke và “oan gia” ngõ hẹp, tôi cũng muốn đề cập đến chuyện “loa phường” hiện nay khá phiền phức trong các khu dân cư. Đã đến lúc chúng ta kêu gọi chuyển đổi số thì cũng cần có sự thay đổi cho hệ thống “loa phường”.

Không thể phủ nhận “loa phường”, hay loa của thôn, xóm nhiều năm qua đã mang đến hữu ích, như thông báo kịp thời những thông tin của cộng đồng dân cư như chủ trương chính sách của cấp trên, cho đến các thông tin sát sườn với đời sống người dân như: dịch bệnh, tìm tài sản, tiêm chủng, thuế đất, cho đến cáo phó...

Nhiều người nhờ những thông tin phát từ loa mà được cập nhật và thực hiện kịp thời, đúng hạn, đảm bảo nghĩa vụ, cũng như quyền lợi cá nhân và cả sự chia sẻ trong cộng đồng dân cư.

Sau karaoke, loa phường cũng đang gây ức chế và ảnh hưởng đến sức khỏe mỗi người - ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, phải thành thật nói rằng, ở một số thôn, xóm hiện nay, tình trạng “phát loa” quá sớm rất ảnh hưởng đến người dân. Thực sự mỗi lần nghe câu “thông báo…” từ lúc chưa đến 6 giờ sáng, nhiều người cảm thấy như một sự cưỡng bức, vô cùng khó chịu, gây ức chế và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hiện nay cơ cấu lao động tại các làng quê đã thay đổi. Ruộng đã bị thu hồi nhiều, lớp trẻ đã trở thành những công nhân, viên chức, người lao động với mỗi khung giờ lao động cũng như nghỉ ngơi, vui chơi giải trí khác nhau. Họ không giống thế hệ trước chỉ quanh quẩn vườn ruộng, ngủ sớm, dậy sớm, ít thông tin, thích nghe loa.

Trường hợp nhà chị Như, chỉ làm hành chính từ 8h sáng đến 5h chiều. Mỗi sáng phải tầm 6h30 hoặc 7 mới ngủ dậy để chuẩn bị ăn sáng và đi làm. Vì thế loa ở xã chưa đến 6h đã phát khiến gia đình chị rất khó chịu. Ngày thường đã vậy, ngày nghỉ cả gia đình muốn ngủ, nghỉ thêm chút nữa cũng không yên với tiếng loa bên tai vẫn cứ đều đặn giờ đó phát ra âm thanh.

Chị Như không ngần ngại phản ánh với bà Mai trưởng thôn, rằng tiếng loa quá ầm ĩ, ảnh hưởng đến sức khoẻ và thời gian nghỉ ngơi của gia đình. Chị Như đề nghị thời gian phát loa từ 7h sáng.

Nhưng bà trưởng thôn lại bảo vừa hôm qua nhà anh Bắc lại đề nghị không được phát loa giờ đó. Vì anh Bắc nhà hết ruộng, phải đi làm thêm trang trải cuộc sống mà công ty chỉ còn ca đêm thiếu nhân lực nên đành chấp nhận. Anh Bắc đi làm từ đêm (22h), đến hơn 6h sáng mới về nhà, vừa nằm xuống ngủ mà 7h loa phát thì quá bằng tra tấn. Không ngủ được anh sẽ không thể có sức khoẻ đi làm tiếp.

Anh Bắc đề nghị giờ phát loa là 18h -19h giờ, lúc ý anh cũng đã ngủ dậy, ăn uống và mọi người đều đi làm về rồi. Tuy nhiên bà trưởng thôn lại giãy nảy lên rằng giờ ý ai cũng xem thời sự, làm gì còn tâm trí nghe loa, chưa kể, có những thông tin như đám hiếu, tìm đồ thất lạc… phải phát từ sớm chứ làm sao đợi được đến gần hết ngày.

Còn có chuyện cười ra nước mắt, nhà anh Sửu tổ chức đám cưới nên ngay từ sáng anh em họ hàng đã đến đông đủ giúp gia chủ. Tiếng nhạc hoà lẫn tiếng nói cười vui vẻ bỗng chiếc loa bên cạnh phát “thông báo tin buồn”. Không khí chùng xuống hẳn, lại có người xi xao, nhộn nhạo hỏi ngược hỏi xuôi…

Nghe câu được câu chăng, mỗi người nói một thông tin khác nhau về ngày giờ viếng, cả họ nháo nhác hết cả lên, rằng người mất cũng là họ hàng, phải chia nhau rút khỏi đám cưới về phục vụ đám ma. Rồi có nên đưa ra phương án lùi ngày đám cưới không, vì chả nhẽ cùng một con đường mà trên đám ma, dưới đám cưới thì thật bi hài.

Nhưng rồi bình tĩnh hơn, sau khi hỏi lại mới vỡ lẽ nhà có đám tang đã tự lùi ngày giờ, không ảnh hưởng gì đám cưới trong họ. Vậy mà nghe qua loa không rõ cứ xôn xao hết cả lên.   

Giờ đây, riêng cái chuyện quyết định phát loa giờ nào cũng trở thành áp lực với bà Mai. Thế là bỏ ngoài tai những lời đề nghị, bà trưởng thôn phát thử loa vào khung 14 giờ. Ai ngờ “cuộc chiến” đề nghị lại giờ phát loa lại tiếp tục xảy ra. Rất nhiều nhà đang nghỉ trưa muộn, hoặc người đi làm ca 1 (khung giờ từ 6 -14h) về nhà nghỉ lại bị “loa” hành, không thể ngủ nổi.

Để dĩ hoà vi quý, bà Mai lại thay lịch phát loa sang 17 giờ, nhưng vẫn chưa yên. Nhà chị Vi có trẻ sơ sinh, bị loa chĩa thẳng vào nhà, phàn nàn giờ này cháu mới ngủ, mong bác trưởng thôn đừng phát loa. Nhà anh Bền cũng phản ánh mẹ già ở nhà đang dưỡng bệnh, đau nhức kêu la suốt ngày, đến tận chiều tối mới được nghỉ ngơi nên đề nghị phát loa giờ khác.

Quá mệt mỏi vì phải nhận những phản ánh về khung giờ phát loa, phù hợp với người này mà lại thành khó chịu với người khác. Bà Mai nhận ra, đúng là làng quê mình giờ đã thay đổi quá nhiều so với chục năm về trước. Giờ không phát loa thì không được, vẫn có người muốn nghe thông tin, mà phát thì kiểu gì cũng ảnh hưởng.

Mang tâm tư này bà Mai giãi bày với chị Yến hàng xóm. Chị Yến cười và bảo, bà nói đúng, giờ đây làng mình đã khác, không thể cứ phát loa cố định vào sáng sớm như hồi xưa nữa, phải thu hết loa ở đầu mỗi ngõ. Hơn nữa giờ ai cũng có điện thoại và kết nối mạng, bà trưởng thôn cứ lập một cái nhóm của thôn trên mạng (zalo hay Fb… cũng được), bà muốn thông báo gì cho hết vào đó, giờ nào cũng được, yên tĩnh, nhẹ nhàng, người nọ đọc sẽ nhắn cho người kia.

Còn nếu bà vẫn thiết tha phát loa thì tốt nhất chỉ để loa ở hai đầu chợ. Chợ vốn dĩ đông đúc, ồn ào rồi, nên không sợ ai phàn nàn ảnh hưởng đến sự yên tĩnh. Chưa kể thông tin từ chợ được lan truyền thì tốc độ rất nhanh. Thế là vẹn cả đôi đường, lại tiết kiệm hệ thống loa chằng chịt khắp thôn xóm như hiện nay.

Làng sắp thành phố, rồi cả đất nước đang chuyển đổi số, đang thay đổi từng ngày, không lẽ gì mà mỗi nơi lại không thích nghi và thay đổi. Đừng tưởng chuyện phát loa chỉ là chuyện nhỏ và không đáng thay đổi. Tôn trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân cũng là sự thể hiện lối sống văn minh thời hiện đại.

Bà Mai ngẫm thấy đúng quá và quyết tâm thay đổi từ ngay đầu tháng 7 này.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc