Hà Nội kiên trì, bền bỉ vì mái ấm không bạo lực

THẢO LAM; ảnh N.OANH

VHO - Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025, hướng tới xây dựng mái ấm an toàn - bình đẳng - yêu thương, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tổ chức lễ phát động Tháng hành động vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28.6.

Hà Nội kiên trì, bền bỉ vì mái ấm không bạo lực - ảnh 1
Các đại biểu bấm nút khai mạc Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 tại TP Hà Nội

 Chương trình có sự tham dự của ông Khuất Văn Quý, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VHTTDL), cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể và đông đảo người dân Thủ đô.

Những tín hiệu tích cực từ Hà Nội trong phòng, chống bạo lực gia đình

Tại lễ phát động, các đại biểu một lần nữa khẳng định vai trò không thể thay thế của gia đình - nơi nuôi dưỡng nhân cách, hình thành giá trị sống và là nền tảng cho một xã hội tiến bộ, bình đẳng và văn minh. Một gia đình ấm no, hạnh phúc, không có bạo lực vừa là mái ấm của từng cá nhân, vừa là tế bào lành mạnh của cả cộng đồng.

Trong những năm qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, với trọng tâm là nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới và xây dựng gia đình hạnh phúc. Hưởng ứng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL, cùng UBND TP Hà Nội, nhiều phường như Từ Liêm, Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ... đã triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính nền tảng và bền vững.

Từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, truyền thông thay đổi hành vi, đến xây dựng các mô hình hỗ trợ can thiệp cho nạn nhân bị bạo lực… tất cả đã tạo nên mạng lưới phòng ngừa và hỗ trợ tại chỗ vững chắc. Hiện trên địa bàn các phường này có 22 CLB “Gia đình phát triển bền vững” và 22 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình đang hoạt động hiệu quả, với sự vào cuộc tích cực của các tổ dân phố và người dân địa phương.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị, địa phương và đội ngũ cán bộ cơ sở đã kiên trì, bền bỉ vượt qua nhiều khó khăn để đưa công tác phòng, chống bạo lực gia đình lan tỏa mạnh mẽ và thực chất trong cộng đồng.

Minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực ấy chính là kết quả giảm sâu số vụ bạo lực gia đình tại Hà Nội trong suốt 10 năm qua: Từ 331 vụ năm 2014, xuống 263 vụ vào năm 2017, và chỉ còn 24 vụ trong năm 2024. Đáng chú ý, đa số nạn nhân đều được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, tư vấn tinh thần và chăm sóc y tế kịp thời.

Hà Nội kiên trì, bền bỉ vì mái ấm không bạo lực - ảnh 2
Phụ nữ Thủ đô đóng góp quan trọng trong phòng, chống bạo lực gia đình

Phòng, chống bạo lực gia đình - nhiệm vụ bền bỉ và lâu dài

Trong lễ phát động, ông Phạm Xuân Tài cũng nhấn mạnh vai trò cốt lõi của gia đình với việc hình thành nhân cách, gìn giữ lối sống và đạo lý truyền thống của dân tộc. Theo ông, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh không chỉ là giá trị văn hóa, mà còn là mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển gia đình Thủ đô đến năm 2030.

Thời gian qua, ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể để triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần phát triển toàn diện các giá trị gia đình, cả về vật chất lẫn tinh thần. Vị thế của phụ nữ được nâng cao, người cao tuổi và trẻ em được chăm sóc tốt hơn. Đặc biệt, việc xây dựng môi trường gia đình và cộng đồng an toàn, tôn trọng, yêu thương được chú trọng, coi đó là “pháo đài tinh thần” chống lại bạo lực ngay từ trong mỗi ngôi nhà.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thách thức vẫn còn nhiều, nhất là tình trạng bạo lực giới dưới nhiều hình thức vẫn âm ỉ tồn tại, gây tổn thương cho phụ nữ và trẻ em. Vì vậy, công tác phòng, chống bạo lực gia đình không thể dừng lại ở khẩu hiệu hay chiến dịch ngắn hạn, mà phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, bền bỉ trong cả hệ thống chính trị và từng cộng đồng dân cư.

“Mỗi người dân cần ý thức rõ vai trò của mình trong việc gìn giữ mái ấm, nói không với bạo lực. Đồng thời, các cấp lãnh đạo, các tổ chức chính trị - xã hội phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp xây dựng mạng lưới cộng tác viên dân số, chú trọng giải quyết kịp thời các vụ việc và tăng cường thanh tra, kiểm tra chính sách liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình”, ông Phạm Xuân Tài nhấn mạnh.