Quản lý học sinh dịp hè: Để mùa hè trở thành ký ức mộng mơ
VHO - Hè không chỉ là khoảng thời gian học sinh rời xa bàn ghế lớp học, mà còn là lúc các em cần được định hướng để trải nghiệm, trưởng thành và phát triển toàn diện.
Trước thực trạng trẻ em đối mặt với nhiều nguy cơ trong mùa hè, chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý học sinh trong dịp hè không chỉ là hành động kịp thời, mà còn là lời hiệu triệu toàn xã hội chung tay gìn giữ tuổi thơ an toàn, lành mạnh và đầy ắp kỷ niệm.
Học sinh nghỉ hè: Trống trải phía sau cánh cổng trường
Khi tiếng trống tổng kết năm học 2024–2025 vang lên, tiếng ve râm ran trên hàng cây, phượng đỏ cháy rực khắp sân trường cũng là lúc hàng triệu học sinh chính thức khép lại một năm học căng thẳng để bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài gần ba tháng.

Với người lớn, hè chỉ là chuỗi ngày đi làm đều đặn. Nhưng với học sinh, đặc biệt là lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở, hè là khoảng trời riêng, là khoảng “chùng” trong lịch sinh hoạt vốn bị bó hẹp bởi thời khóa biểu, bài vở, thi cử.
Không còn kiểm tra miệng, không còn ánh mắt nghiêm nghị của thầy cô hay những tiết học dồn dập, nhiều em rơi vào trạng thái lơ lửng giữa nghỉ ngơi và buông thả.
Đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi, nơi cha mẹ làm nông, làm thuê xa nhà, trẻ em thường tự trông nhau, tự chơi cả ngày. Không ít phụ huynh thở dài: “Hè đến mà nhà vẫn phải đi làm suốt, không có người trông con, đành để các cháu chơi loanh quanh ở nhà, rất lo.”
Nỗi lo ấy hoàn toàn có cơ sở. Theo thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong vì đuối nước. Chưa kể hàng loạt vụ tai nạn thương tích khác như bỏng, điện giật, ngã từ tầng cao, tai nạn giao thông… Thực tế cho thấy, chỉ một khoảnh khắc sơ sẩy, hậu quả có thể không thể cứu vãn.
Tại tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2025 đến ngày 25.5, đã xảy ra 9 vụ tai nạn thương tích liên quan đến trẻ em, khiến 14 em thiệt mạng. Riêng đuối nước chiếm đến 89% tổng số vụ, cướp đi sinh mạng của 13 em, chiếm 92% số trẻ em tử vong.
Những con số đau lòng ấy không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về “khoảng trống” trong công tác quản lý, chăm sóc trẻ em khi rời xa mái trường, mà còn cho thấy sự mong manh của tuổi thơ nếu thiếu vắng sự đồng hành của người lớn.
Liên tiếp những vụ việc thương tâm xảy ra gần đây càng cho thấy mức độ đáng báo động. Ngày 27.3, tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (nay là xã Cẩm Vân), hai em nhỏ Lê Đình C. (sinh năm 2013) và Nguyễn Văn H. (sinh năm 2012) bị cuốn vào vùng nước sâu khi đang tắm sông, không ai kịp ứng cứu.
Chỉ hơn hai tuần sau, ngày 12.4, thêm hai học sinh lớp 10 và 11 tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (nay là xã Tân Ninh) là em L.A.T và N.V.D cũng mãi mãi không trở về sau buổi đá bóng, khi cùng nhau xuống hồ tắm và trượt chân vào vùng nước sâu.
Sự ra đi của các em để lại khoảng trống đau đớn cho gia đình và cũng là nỗi day dứt cho cả cộng đồng.
Hè đến, những vùng quê như Thanh Hóa, nơi có hệ thống sông ngòi, ao hồ dày đặc lại càng đối mặt với nguy cơ cao về đuối nước. Dù nhiều năm nay, các cấp, ngành đã tuyên truyền, tổ chức dạy bơi, nhưng trên thực tế, việc phổ cập bơi cho trẻ em vẫn chưa được thực hiện rộng rãi.
Nhiều trẻ em chưa từng được học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, chưa từng được tiếp xúc với các khóa học phòng tránh tai nạn mùa hè.
Không chỉ đuối nước, mùa hè còn đối mặt với những hiểm họa vô hình từ không gian mạng. Trẻ em ở nhà một mình, không người hướng dẫn, dễ rơi vào vòng xoáy của game online, clip độc hại, những hội nhóm tiêu cực, thậm chí là bị dụ dỗ, bắt nạt qua mạng.
Không ít học sinh sau mùa hè đã bị ảnh hưởng tâm lý, giảm sút học lực, thay đổi hành vi theo chiều hướng tiêu cực.
Bên cạnh đó, lối sống thiếu điều độ trong dịp hè, thức khuya, dậy muộn, bỏ bữa, lười vận động cũng khiến nhiều em mất đi nền nếp học tập, suy giảm thể lực, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Mùa hè đáng lẽ là quãng thời gian quý giá để phát triển năng khiếu, kỹ năng lại trở thành “vùng trũng” về giáo dục nếu không được định hướng đúng cách.
Hè an toàn, bổ ích, trách nhiệm không của riêng ai
Trước thực trạng trên, ngày 10.5.2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg, yêu cầu toàn ngành giáo dục và các địa phương khẩn trương triển khai biện pháp quản lý, định hướng học sinh trong dịp hè. Đây không chỉ là một văn bản chỉ đạo, mà là lời hiệu triệu toàn xã hội hành động vì thế hệ tương lai.

Công điện giao nhiệm vụ cho Bộ GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể, gia đình để tổ chức các hoạt động hè an toàn, sáng tạo.
Không chỉ dừng lại ở việc “tránh rủi ro”, Thủ tướng yêu cầu thiết kế mùa hè như một hành trình giáo dục toàn diện: từ thể chất đến tinh thần, từ kỹ năng sống đến năng khiếu, từ truyền thống đến sáng tạo.
Hưởng ứng tinh thần “hè chủ động” được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, nhiều địa phương và đơn vị ở Thanh Hóa đã sáng tạo, tổ chức các mô hình sinh hoạt hè phong phú, thiết thực cho thiếu nhi.
Trong số đó, Thư viện tỉnh Thanh Hóa nổi bật lên như một điểm sáng, một “khu vườn mùa hè” xanh mát, nơi trẻ em được vui chơi, học hỏi, khám phá tri thức và phát triển kỹ năng sống trong không gian văn hóa thân thiện và đầy cảm hứng.
Không chỉ đơn thuần là nơi lưu giữ sách, Thư viện đã trở thành sân chơi bổ ích cho các em nhỏ trong dịp hè. Qua từng hoạt động đọc sách, kể chuyện, vẽ tranh, làm thủ công… các em không chỉ được vui chơi thỏa thích mà còn được nuôi dưỡng tình yêu tri thức, rèn luyện sự khéo léo, kích thích óc sáng tạo và tinh thần sẻ chia.
Nằm trong chương trình hoạt động “Thiếu nhi – Hè 2025”, Thư viện tỉnh đã thiết kế nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Từ các buổi “vui học – vui đọc” với những chủ đề sinh động, các cuộc thi đố vui kiến thức, kể chuyện theo sách, sân khấu hóa truyện cổ tích, cho đến những trò chơi dân gian như ô ăn quan, cờ cá ngựa, kéo co, đua thuyền trên cạn,… tất cả đều được tổ chức khoa học, sinh động, cuốn hút các em nhỏ.
Không thể không nhắc đến “Góc sáng tạo”, nơi những đôi bàn tay nhỏ bé miệt mài làm đồ thủ công, lắp ghép giấy màu, cắt dán những mô hình xinh xắn. Góc nghệ thuật với các lớp vẽ, học hát, học nhạc cụ cơ bản luôn đầy ắp tiếng cười và ánh mắt say mê.

Các em không chỉ được vẽ tranh theo chủ đề mà còn được hướng dẫn kỹ thuật hội họa, tham gia triển lãm tranh thiếu nhi, một cơ hội để các “họa sĩ nhí” tự tin thể hiện mình.
Các buổi sinh hoạt chuyên đề như: Học tiếng Anh qua trò chơi, tìm hiểu lịch sử Việt Nam, “Giọng hát nhí”, khám phá nghề nghiệp tương lai… cũng mang đến không khí tươi mới, gợi mở niềm hứng thú khám phá thế giới xung quanh.
Em Nguyễn Gia Bảo, học sinh lớp 2, phường Hạc Thành, mắt sáng long lanh chia sẻ: “Em rất thích vẽ. Hè này bố mẹ cho em học vẽ ở đây, vui lắm ạ! Em được gặp bạn mới, được học nhiều điều mới. Em mong tuần nào cũng được đến Thư viện.”
Còn em Nguyễn Hoàng Mạnh Dũng, học sinh lớp 7, thì hào hứng bộc bạch: “Em thích đọc sách từ nhỏ. Ở đây có nhiều sách hay, thầy cô dạy vui nữa. Em hy vọng sau hè sẽ học được thêm nhiều kiến thức mới bổ ích và thiết thực.”
Điều đáng trân trọng là ngoài các nội dung hấp dẫn, Thư viện tỉnh Thanh Hóa còn chú trọng tính công bằng trong tiếp cận tri thức. Ông Lê Thiện Dương, Giám đốc Thư viện tỉnh, chia sẻ: “Chúng tôi huy động các nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi tài trợ để hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia các hoạt động hè tại Thư viên một cách thường xuyên. Quan điểm của Thư viện là không để em nhỏ nào bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển tiềm năng mùa hè.”
Ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá, đoàn thanh niên xã, hội phụ nữ đã tổ chức lớp hè tình nguyện nơi học sinh dân tộc thiểu số được học tiếng Việt, vẽ tranh, đọc thơ, kể chuyện Bác Hồ, làm đồ chơi từ phế liệu… Dù lớp học chỉ là gian nhà tạm, bàn ghế sơ sài, nhưng ánh mắt lấp lánh của các em cho thấy sức sống của mùa hè đang bừng lên trong từng bản nhỏ.

Không chỉ tổ chức hoạt động hè cho học sinh, nhiều nơi còn lồng ghép giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước, phòng cháy chữa cháy, kỹ năng ứng xử khi gặp người lạ…
Những bài học thiết thực ấy đang giúp học sinh bước vào đời sống xã hội một cách chủ động và bản lĩnh hơn.
Tuy nhiên, để tạo nên một mùa hè thực sự trọn vẹn cho học sinh, chỉ nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ. Gia đình, nơi gần gũi nhất với trẻ cần chủ động lên kế hoạch cho con: lập thời gian biểu hợp lý, hướng dẫn sử dụng mạng an toàn, tạo điều kiện tham gia hoạt động tập thể, thể thao, du lịch trải nghiệm, đọc sách...
Các tổ chức xã hội, doanh nghiệp cũng có thể chung tay bằng cách tài trợ học bổng hè, mở thư viện miễn phí, phát triển các ứng dụng học trực tuyến, tổ chức sân chơi online an toàn, bổ ích cho học sinh.
Ngành văn hóa, thể thao, du lịch cũng cần đẩy mạnh truyền thông giáo dục hè bằng nhiều hình thức sáng tạo, lan tỏa thông điệp bảo vệ trẻ em đến từng khu dân cư, từng nhóm đối tượng.
Một mùa hè đáng nhớ không cần phải có tiền nhiều, mà cần thật nhiều sự quan tâm. Chỉ khi cả xã hội cùng vào cuộc, từ thầy cô, cha mẹ, đến đoàn thể, chính quyền, doanh nghiệp thì học sinh mới có được một mùa hè an toàn, vui tươi và trưởng thành.
Mùa hè không chỉ là kỳ nghỉ, mà là ký ức. Ký ức ấy có thể là những buổi chiều đọc sách bên cửa sổ, buổi sáng chạy bộ cùng bố mẹ, hay buổi cắm trại đầu tiên với bạn bè.
Những mảnh ghép bình dị ấy sẽ theo học sinh suốt hành trình khôn lớn, trở thành hành trang sống, thành chất liệu tâm hồn, và có khi, là động lực để các em vươn xa trong tương lai.
Hãy cùng nhau hành động, để mỗi mùa hè trôi qua là một mùa hoa nở trong ký ức tuổi thơ.