Giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống gia đình Huế trong đời sống đương đại
VHO - Ở vùng đất Cố đô Huế giàu bản sắc và văn hóa, việc lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống từ trong gia đình là yếu tố then chốt để phát huy sức mạnh cộng đồng xây dựng đời sống văn minh, ấm no, hạnh phúc.
Ngày 14.11, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo “Giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống gia đình Huế trong đời sống đương đại” và đón nhận nhiều ý kiến góp ý từ các đơn vị quản lý và các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Giữ gìn giá trị truyền thống
Theo khảo sát, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 313.017 hộ gia đình, trong đó số hộ gia đình có cha hoặc mẹ sống chung với con là khoảng 61.570 hộ, chiếm tỉ lệ 19,7%; số hộ gia đình có 2 thế hệ chiếm tỉ lệ 43,3%; số hộ gia đình có 3 thế hệ chiếm 19,8%...
Số lượng gia đình hạt nhân đang dần trở nên chiếm ưu thế hơn so với các gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” như thời kỳ trước đây. Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 96,6% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.
Gia đình Huế vẫn mang trong mình những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa gia đình truyền thống, có sự bảo tồn, cách tân, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và bổ sung các giá trị văn hóa mới.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Trưởng khoa Lịch sử - Đại học Khoa học Huế, nói đến gia đình Huế, người ta thường đề cập đến tính nền nếp, gia phong; và các giá trị đặc trưng của gia đình Việt Nam phần nào “hóa thạch” ở gia đình truyền thống Huế. Chính những giá trị truyền thống là yếu tố nội sinh góp phần xây dựng gia đình Huế nói riêng và gia đình Việt Nam nói chung thật sự trở thành tổ ấm, thành cái nôi nuôi dưỡng cuộc đời của mỗi con người.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những giá trị truyền thống của gia đình Huế cũng đứng trước không ít thách thức; việc giáo dục các thế hệ con cháu sống theo gia phong, nền nếp của tổ tiên bị hạn chế, lãng quên…
“Theo tôi, giải pháp hàng đầu để bảo tồn các giá trị đặc trưng của gia đình truyền thống Huế là xây dựng lối sống lành mạnh trong gia đình và ngoài xã hội, đừng để cho mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến mọi mối quan hệ của con người. Phối hợp giáo dục giữa gia đình - dòng họ - nhà trường - xã hội: gia đình, dòng họ phải giữ lấy nếp kỉ cương; nhà trường phải trong sạch, chuẩn mực; xã hội phải ổn định, lành mạnh”- PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh khẳng định.
Sự giáo dục và ứng xử trong gia đình rất quan trọng, tạo tiền đề, nền tảng cho việc hình thành phẩm chất, đạo đức, lối sống của con người và tác động chung đến xã hội.
Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhận định: việc giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình ở vùng đất Cố đô gắn với xây dựng những giá trị mới, tiên tiến của gia đình hiện đại được chú trọng.
Công tác gia đình ở Thừa Thiên Huế ngày càng tiệm cận đến các chuẩn mực mới, hiện đại hơn, văn minh hơn; góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, con người Huế.
Năm 2022, Bộ VHTTDL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phổ biến và triển khai hiệu quả, đặc biệt tại Thành phố Huế.
Theo Phòng VHTT TP. Huế, đến cuối năm 2023, Bộ tiêu chí đã được triển khai sâu rộng và đồng bộ trên địa bàn. Các hộ gia đình trên địa bàn TP. Huế đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí đạt tỉ lệ 92,8%.
Người dân đã được tiếp cận nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí trong gia đình và cam kết thực hiện. Từ đó, góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình.
Thống kê của Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có gần 500 câu lạc bộ gia đình văn hóa sinh hoạt thường xuyên ở các thôn, tổ dân phố; có gần 200 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, trong đó có những câu lạc bộ lồng ghép nội dung phòng chống bạo lực gia đình.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình; ngành văn hóa của tỉnh cũng đã tuyên truyền các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, phòng ngựa tế nạn xã hội xâm nhập và gia đình thông qua các hoạt động thực tế, phù hợp với từng địa phương cơ sở…
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT cho biết: quán triệt sâu sắc nội dung Hệ giá trị Việt Nam được đúc kết theo các văn kiện của Đảng, Kết luận của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; kết quả Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Kế hoạch số 284/KH-UBND ngày 16.7.2024 về Triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong thời đại mới, việc giừ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp, giàu bản sắc của gia đình Huế, con người Huế sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác gia đình, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển gia đình tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, lan tỏa tinh thần và trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, bền vững, tiến bộ, hạnh phúc đến cộng đồng; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.