Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới
VHO- Sáng 29.11, tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ VHTTDL; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức đã diễn ra Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề: “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Phiên thảo luận này do GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, điều hành.
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa hàng đầu Việt Nam
Tại đầu cầu Hà Nội, các diễn giả, đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về: Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng, thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Về vấn đề xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam; Xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn mới: thực trạng và những vấn đề cần quan tâm; Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới; Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Các tham luận được trình bày ở đầu cầu TP.HCM và Huế lần lượt gồm: Xây dựng hệ chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay để đưa vào cuộc sống; Hệ giá trị gia đình Việt Nam - Những đóng góp từ truyền thống gia đình Huế.
Hình thành thang giá trị theo một hệ thống
Bàn về “Tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng, thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Đứng ở góc độ khoa học, cần tập trung nghiên cứu, xác định nội hàm của các giá trị và triển khai xây dựng trong thực tiễn. Hết sức chú ý nghiên cứu đặc trưng của từng hệ giá trị, nội hàm của các hệ giá trị, đồng thời đặt 4 hệ giá trị này trong chuẩn mực chung và trở thành một thang giá trị có quan hệ bổ sung, biện chứng, đồng bộ với nhau”.
GS.TS Đinh Xuân Dũng gợi ý về thang giá trị được sắp xếp thành một hệ thống. Trong đó, hệ giá trị quốc gia là sự tổng hợp có tầm khái quát cao nhất, tiêu biểu và mang ý nghĩa đặc trưng của quốc gia – dân tộc được đúc kết từ lịch sử, truyền thống, từ thực tiễn và có giá trị định hướng tương lai. Hệ giá trị con người Việt Nam sẽ nhấn mạnh và xác định những phẩm chất, đặc tính bao trùm và căn cốt tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh của con người Việt Nam. Kết quả nghiên cứu những năm qua đã gợi mở cho các cuộc thảo luận để đi tới sự đồng thuận cao. Chuẩn mực văn hóa là sự cụ thể hóa giá trị con người Việt Nam cho các đối tượng khác nhau, phù hợp với đặc trưng của từng đối tượng (giới, lứa tuổi, nghề nghiệp, vùng miền,…). Hệ giá trị gia đình Việt Nam như một thành tố cơ sở trong thang giá trị.
GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, điều hành Phiên thảo luận
Tham luận về việc “Xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, PGS.TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) nhận định: “Việc xây dựng, phát huy và phát triển hệ giá trị và chuẩn mực con người ở nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh mới cả trên phương diện quốc tế lẫn trong nước”.
Thứ nhất, nền kinh tế thị trường thế giới đã bước sang giai đoạn phát triển mới với nhiều đặc điểm, tính chất khác trước, trên nền tảng công nghiệp và các công nghệ mới. Thứ hai, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ cùng với các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư đang làm thay đổi nhanh chóng các lực lượng sản xuất toàn cầu, các quan hệ xã hội từ cấp vĩ mô toàn cầu đến cấp vi mô trong từng gia đình. Thứ ba, quá trình toàn cầu hóa, dù vài năm gần đây xu hướng dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy, vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, không thể đảo ngược, đang tác động mạnh đến sự phát triển của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, cả về phương diện cơ hội lẫn thách thức. Thứ tư, những vấn đề toàn cầu ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các quốc gia và toàn nhân loại, vừa đang có thêm những nội dung và biểu hiện mới. Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn nền kinh tế của nhiều quốc gia và của thế giới chỉ là một ví dụ. Thứ năm, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng cuộc đấu tranh giành quyền ảnh hưởng giữa các cường quốc, các quan hệ quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường cũng có thêm nhiều nội dung và biểu hiện mới. Tất cả những quá trình đó đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự nghiệp phát triển con người và xã hội ở nước ta.
PGS.TSKH Lương Đình Hải cũng cho rằng, các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng, là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia - dân tộc, là nguồn lực nội sinh đặc biệt. Các nguồn lực hệ giá trị nói chung, đặc biệt, nguồn lực hệ giá trị con người nếu không sử dụng, không khai thác, không khơi dậy và phát huy, nó sẽ không những không phát triển mà còn dần lu mờ, tàn lụi, suy giảm và mất dần vai trò, sức mạnh. Đó là nguồn lực rất đặc biệt, nếu liên tục dùng thì không bao giờ hết, không bao giờ cạn kiệt. Hơn thế, nhiều thế hệ, nhiều chủ thể có thể cùng dùng, cùng khai thác. Chúng càng được khai thác, càng được khơi dậy, càng được phát huy, thì càng trở nên phát triển, phồn thịnh, càng bùng dậy mạnh mẽ. Các giá trị, hệ giá trị Việt Nam như là những viên ngọc, thỏi vàng quý giá, “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Các thế hệ ông, cha, trong lịch sử đã khai thác, phát huy và phát triển rất hiệu quả các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng. Chính vì thế các thế hệ, các chủ thể, cả hôm nay và ngày mai cần biết trân trọng, khơi dậy, khai thác, phát huy và phát triển nguồn lực nội sinh đặc biệt, vô giá này.
GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tham luận tại Hội thảo
Hệ giá trị con người Việt Nam là nội dung cấu thành quan trọng nhất, quyết định nhất chất lượng nhân lực và nguồn lực con người trong mọi thời đại. Dù nhận thức và sử dụng có ý thức được vai trò của nó hay không thì đây vẫn là điều tất yếu. Nguồn nhân lực chất lượng cao trước hết là nguồn nhân lực có hàm lượng hệ giá trị con người và các hệ giá trị Việt Nam rất cao. Nếu muốn đột phá trong phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể không có giáo dục, trao truyền, khơi dậy, phát huy, phát triển hệ giá trị con người Việt Nam và các hệ giá trị Việt Nam khác.
Chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn 2021- 2030 với tầm nhìn đến 2045 trong bối cảnh nói ở phần trên muốn thành công tất yếu phải phát huy cao độ tất cả các nguồn lực có thể có của dân tộc và thời đại. Trong số đó có các nguồn lực nhân văn, mà đặc biệt quan trọng và quyết định là nguồn lực con người Việt Nam. Trong bối cảnh cách mạng KHCN và CMCN 4.0 hiện nay thì nguồn lực này càng có ý nghĩa quyết định, bởi khoa học và công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và là yếu tố luôn động, là động lực luôn phát triển của lực lượng sản xuất ở quy mô toàn cầu, đang làm biến đổi toàn bộ nền kinh tế và đời sống xã hội toàn thế giới với tốc độ ngày càng nhanh. Xét từ góc độ con người và văn hóa thì hệ giá trị con người là yếu tố then chốt, cốt lõi và căn bản của nhân lực, của nguồn lực con người nói chung.
Ban chủ tọa điều hành Phiên thảo luận 1
Rất cần một Nghị quyết chuyên đề về Xây dựng và phát triển con người chủ đề: “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”
Về thực trạng xây dựng, phát huy và phát triển hệ giá trị con người trong giai đoạn hiện nay, PGS.TSKH Lương Đình Hải lưu ý một số điểm quan trọng. Thứ nhất, từ trước đến nay, trong các tài liệu, kể cả văn kiện Đảng mấy nhiệm kỳ gần đây đều đã nhấn mạnh “điểm nghẽn” của sự phát triển đất nước nói chung và của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hóa là nguồn nhân lực; đột phá của sự phát triển cũng là nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao - hiện đang là “điểm nghẽn” đối với sự phát triển đất nước.
Trong đó, “nghẽn” về khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam- nội dung rất quyết định trong phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao, lại chưa được nghiên cứu, chưa được nhận thức, và chưa được thể hiện thành chính sách, giải pháp cụ thể. Hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây đã chú ý nhiều hơn, nhưng chưa triển khai được bao nhiêu. Cần nhận thức rằng đây là khiếm khuyết, thiếu sót chủ quan quan trọng cần được khắc phục sớm. Nếu không chú ý đến điểm trọng yếu này thì không thể có đột phá trong phát triển nhân lực và nguồn nhân lực, do vậy đất nước cũng chưa thể có đột phá trong phát triển.
Thứ hai, tất cả các chủ trương chính sách về con người và về nguồn nhân lực, nhân lực cho đến nay vẫn chưa chú ý đến hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam, càng chưa chú ý trực tiếp đến khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển các hệ giá trị đó trong việc đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, phát triển bền vững.
“Đại hội Đảng các kỳ gần đây đếu nhấn mạnh vai trò chủ thể của con người, xem con người là mục tiêu, động lực, con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển. Nhưng vai trò chủ thể, động lực của con người lại bị quy định bởi các hệ giá trị mà con người mang trong mình, lại không được nói đến. Xây dựng và phát triển con người mà không nói đến xây dựng và phát huy các hệ giá trị nói chung, hệ giá trị con người nói riêng cũng là thiếu sót quan trọng, rất cần sớm được khắc phục”, ông Lương Đình Hải nói.
PGS.TSKH Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tham luận tại Hội thảo
Thứ ba, hệ giá trị con người và hệ giá trị Việt Nam là một trong những nội dung cốt lõi nhất của xây dựng phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Các hệ giá trị đó đều trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra các sản phẩm có giá trị và có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong thực tế, giá trị của các sản phẩm không thể không có sự tham gia của các hệ giá trị Việt Nam, nhất là hệ giá trị con người. Công nghiệp điện ảnh, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, lịch sử, sinh thái... là những thí dụ về hệ giá trị Việt Nam tạo nên giá trị của cải vật chất.
Đã qua thời gian dài chúng ta không chú ý điểm này nên nhiều sản phẩm của công nghiệp, của nền kinh tế nước nhà không có chất lượng tốt, không thể gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Trong điều kiện kinh tế thế giới bước sang giai đoạn phát triển mới với đặc tính mới là hao mòn giá trị, hao mòn vô hình, nhanh hơn hao mòn hữu hình thì sự tham gia của các hệ giá trị con người, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia có vai trò rất đặc biệt đối với việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường hiện đại.
Thứ tư, trong hiện thực, chúng ta đang “khủng hoảng” hệ giá trị con người ở những mức độ khác nhau. Suy thoái về tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tư duy, của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Việc xác định, xây dựng và phát huy các hệ giá trị văn hóa, con người là rất cấp thiết, rất quan trọng, rất có ý nghĩa đối với việc phòng chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Không xác lập rõ, không củng cố được và không phát huy được các hệ giá trị Việt Nam, nhất là hệ giá trị con người trong thực tế, chúng ta khó có thể đẩy lùi được tình trạng suy thoái nói trên. Xác lập và xây dựng, phát huy các hệ giá trị sẽ củng cố sự ổn định xã hội, đảm bảo an ninh con người, “giảm sốc” cho các biến động kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng… giúp con người và xã hội “vững vàng”, bản lĩnh hơn, định hướng tốt hơn, hiệu quả hơn trước mọi biến động, khủng hoảng của đời sống.
Tọa đàm bàn tròn về Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới
Thứ năm, cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội là những chủ thể xã hội đặc biệt quan trọng trong việc hình thành hệ giá trị con người. Các chủ thể xã hội này có chứng năng, vai trò đặc biệt, to lớn trong việc khơi dậy, trao truyền, bồi đắp, phát triển, tiếp biến và phát huy, hệ giá trị con người, các hệ giá trị Việt từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ cá nhân, cộng đồng này qua cá nhân, cộng đồng khác. Sự kết nối liên hoàn vai trò giáo dục hệ giá trị con người của các chủ thể cá nhân, gia đình, nhà trường, xã hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tiếp nhận, hình thành và phát triển các hệ giá trị Việt Nam nói chung và hệ giá trị con người nói riêng, đặc biệt là giữa các thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi của đất nước, đang xuất hiện sự “đứt gãy”, gián đoạn về giáo dục, trao truyền hệ giá trị con người giữa các thế hệ. Trước đây công việc này, chủ yếu do gia đình đảm nhận, là vai trò, chức năng căn bản của gia đình, ông bà, bố mẹ. Ngày nay, trẻ em, nhất là trẻ em ở các thành phố, khu công nghiệp, thời gian trẻ em ở trường, giao tiếp với cô thầy, bạn bè, học tập kiến thức nhiều hơn ở nhà với ông bà, bố mẹ, anh chị em. Trong khi đó, nhà trường chưa sẵn sàng, chủ động với giáo dục các hệ giá trị thì vai trò, chức năng của gia đình về việc này đang bị rút bỏ. Xã hội chưa sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ trực tiếp, chủ động trao truyền, giáo dục hệ giá trị con người và các hệ giá trị khác thì gia đình đã bị tước bỏ chức năng này. Đây là khuyết khuyết lớn cần phải nhanh chóng được khắc phục càng sớm càng tốt.
Thứ sáu, Đảng ta đã ra nhiều nghị quyết rất quan trọng, rất kịp thời, rất sát, rất đúng, rất trúng vào thực tiễn về nhiều vấn đề của đời sống xã hội trong các thời kỳ khác nhau, từ khi đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước. Trong giai đoạn đổi mới, mặc dù Đảng đã xác định con người là mục tiêu, là động lực, là trung tâm của sự phát triển; công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều phải do con người, vì con người. Nhưng trong thực tế, chủ trương đó vẫn chưa được các chủ thể xã hội khác nhau thực sự xem con người, nhân lực là khâu quyết định. Đảng chưa có Nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người, dù tất cả các nghị quyết đều có nói về con người. Đã đến lúc cần có một Nghị quyết chuyên đề về Xây dựng và phát triển con người với đầy đủ các nội dung phong phú về con người đối với phát triển bền vững đất nước đến 2030 và tầm nhìn đến 2045. Trong đó, các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người Việt Nam nói riêng, là những nội dung cơ bản không thể thiếu.
Các đại biểu đã làm rõ hơn các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó
Với Nghị quyết đó điểm nghẽn và những bất cập về nguồn lực con người, về nhân lực, cũng như đột phá về nguồn nhân lực trong phát triển đất nước sẽ được giải quyết ở tầm chiến lược chứ không phải là sự chắp vá, ngắn hạn, phiến diện và ít hiệu quả như thời gian qua. Động lực, nội dung cốt lõi của xây dựng và phát triển con người trong giai đoạn hiện nay chính là xác lập, khơi dậy và phát huy các hệ giá trị con người, gia đình, cộng đồng, văn hóa, quốc gia trong mỗi con người, mỗi chủ thể xã hội khác nhau. Mô hình và chiến lược, phương thức, giải pháp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước từ nay cho đến 2030, tầm nhìn đến 2045 phải gắn kết thực sự với chiến lược xây dựng và phát triển con người với những nội dung về các hệ giá trị Việt, nhất là hệ giá trị con người Việt Nam trong Nghị quyết đó.
PGS.TSKH Lương Đình Hải cho rằng: “Sự nghiệp xây dựng, phát triển bền vững đất nước không thể thành công nếu không có những con người và nhân lực tương ứng. Sẽ là sai lầm nếu chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh kỹ thuật, công nghệ mà xem nhẹ khía cạnh con người, nhân lực, hệ giá trị. Nghị quyết chuyên đề về Xây dựng và phát triển con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cấp thiết, rất quan trọng, rất có ý nghĩa, cần được ra đời sớm, định hướng cho tất cả các quá trình chuyển đổi, từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, xây dựng con người và đột phá nguồn nhân lực, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay”.
THÚY HÀ - THU TRANG; ảnh TRẦN HUẤN