Những “rào cản” trong xây dựng hệ giá trị gia đình ở Thủ đô
VHO - Nhiều tệ nạn xã hội "tấn công" vào các gia đình, ảnh hưởng lớn đến lối sống, đến việc hình thành nhân cách của con người và các mối quan hệ trong gia đình; Vẫn còn những vụ mâu thuẫn gia đình chưa được kịp thời hòa giải, tháo gỡ nên số vụ ly hôn có chiều hướng gia tăng; Biểu hiện tiêu cực về công tác gia đình ở một số nơi có phần trách nhiệm không nhỏ từ một số cấp uỷ, chính quyền không quan tâm đúng mức... Nhiều “rào cản” được chính những người làm công tác quản lý nhà nước đặt ra tại Toạ đàm Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực trạng và giải pháp do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức.
Gia đình hạnh phúc là mục tiêu của mỗi con người trong xã hội
Báo động về giá trị truyền thống gia đình đang bị mai một
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận Long Biên Ngô Mạnh Điềm nhận định: “Một số giá trị truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội, của gia đình Thủ đô có phần bị mai một hoặc bị lai căng, biến tấu không phù hợp; thực trạng giao tiếp ứng xử lệch chuẩn, thiếu văn hóa trong gia đình và nơi công cộng; lối sống thực dụng, sa hoa, phô trương, hình thức của một bộ phận người dân nhất là giới trẻ. Chưa có nhiều giải pháp giáo dục đạo đức, nhân cách trong gia đình, nhà trường. Thực trạng ly hôn có chiều hướng gia tăng, kéo theo sự xuất hiện của các hình thức gia đình mới chỉ có mẹ và con, bố và con, đồng giới…”
Một thực tế đáng lo ngại hiện nay được các ý kiến tham luận tại Toạ đàm từ các quận, huyện của Hà Nội như Quận Nam Từ Liêm, Huyện Mê Linh, Huyện Quốc Oai đều cho rằng mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang tác động tiêu cực đến đạo đức xã hội, nhiều tệ nạn xã hội "tấn công" vào các gia đình, ảnh hưởng lớn đến lối sống, đến việc hình thành nhân cách của con người và các mối quan hệ trong gia đình.
Tam giác vàng phối hợp giữa các cấp chính quyền địa phương với gia đình, nhà trường không chặt chẽ tạo nên nhiều bất cập trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ em. Đại diện UBND Quận Nam Từ Liêm cho rằng gia đình Việt Nam phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực của kinh tế thị trường và sự biến đổi xã hội, tình trạng khủng hoảng kinh tế, lạm phát do đại dịch kéo dài, những rủi ro, thách thức liên tiếp tác động, làm thay đổi cục diện đời sống con người.
Giới trẻ có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con, thậm chí không sinh con bởi những áp lực của xã hội về cơ hội nghề nghiệp, tài chính, chi phí chăm sóc, nuôi dạy con cái và cách nhìn của họ về hệ thống giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội. Vấn đề chăm sóc người cao tuổi trong gia đình cũng rất đáng quan tâm. Ở đô thị do con cháu phải lo cuộc sống nên một số gia đình đưa bố mẹ vào các trung tâm chăm sóc người cao tuổi và phó mặc họ cho trung tâm. Điều này dẫn đến sự khủng hoảng về tâm lý, tình cảm của người già.
Một hiện tượng gây nhức nhối dư luận và xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây là những vụ việc liên quan đến cha mẹ, anh em, vợ chồng chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, tranh giành lợi ích đất đai, tài sản, dẫn đến bất đồng, xô xát, đẩy nhiều gia đình vào cảnh tang thương, đổ máu vì những toán tính nhỏ nhen, ích kỷ. Vì lợi ích vật chất nhiều người sẵn sàng đánh đổi, thậm chí chà đạp lên giá trị, danh dự của gia đình, dòng họ, bất chấp chuẩn mực đạo đức cộng đồng.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức gặp mặt, giao lưu các gia đình văn hóa tiêu biểu với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người” nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20.3.2023
Tháo gỡ những bất cập nhằm xây dựng hệ giá trị gia đình ở Thủ đô
Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng về xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh tại Toạ đàm đã đánh giá một trong những hạn chế trong xây dựng hệ giá trị gia đình ở Hà Nội chính là do: Trong nhận thức, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn quá đề cao các giá trị kinh tế, chưa đánh giá đúng mức đời sống. Thực trạng suy thoái đạo đức lối sống là một vấn đề đặt ra, đặc biệt là trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên...
Về vấn đề này, đại diện Quận Long Biên, Huyện Mê Linh, Huyện Quốc Oai đều có chung nhận định những biểu hiện tiêu cực về công tác gia đình ở một số nơi có phần trách nhiệm không nhỏ từ một số cấp uỷ, chính quyền không quan tâm đúng mức. Việc vận dụng, cụ thể các nội dung của Chỉ thị cũng như các chuyên đề, chương trình của Quận, Huyện về công tác gia đình vào thực tế tại cơ sở còn chậm, có việc còn lúng túng, làm hình thức, qua loa.
Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình còn phải kiêm nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ hạn chế nên chưa đảm bảo việc tham mưu, theo dõi công tác gia đình. Bên cạnh đó, lĩnh vực gia đình khá nhạy cảm và tế nhị nên việc nắm bắt những vụ bạo lực gia đình tương đối khó khăn. Những bạo lực về thể chất thì còn dễ để phát hiện nhưng bạo lực tinh thần, kinh tế khó nhận biết nên công tác tư vấn, hòa giải có lúc chưa kịp thời, bỏ sót.
Hội thi “Món ngon gia đình” với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” của Quận Bắc Từ Liêm Hà Nội
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận Long Biên Ngô Mạnh Điềm cho rằng: “Văn hóa chưa được các ngành, các cấp nhận thức một cách sâu sắc, chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng, vai trò của văn hóa mới nặng về chức năng giải trí, nâng cao đời sống tinh thần, chưa nhận ra đây là kênh giáo dục con người, nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn chậm trễ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có lúc, có nơi còn hình thức, chưa đặt chất lượng lên mục tiêu hàng đầu, việc bình xét, đánh giá các mô hình Gia đình văn hóa – TDP văn hóa chưa thực chất, làm mai một dần giá trị cao đẹp của các mô hình văn hóa”.
Một trong những mấu chốt của công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác gia đình nói chung, xây dựng hệ giá trị gia đình nói riêng phụ thuộc rất lớn vào vai trò người “đứng đầu” ở các quận, huyện của Thủ đô. Có thể thấy bài học kinh nghiệm chính là nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thì nơi đó phong trào xây dựng gia đình phát triển và mang lại kết quả tốt.
Có rất nhiều những giải pháp được đặt ra, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo quản lý của các cấp chính quyền đối với công tác gia đình. Đưa công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương cơ sở, gắn các chỉ tiêu về gia đình với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình; Đẩy mạnh giáo dục, cung cấp cho các thành viên gia đình về chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình; kỹ năng sống (kỹ năng làm cha, mẹ, nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng, xây dựng gia đình là một môi trường an toàn cho trẻ em); trách nhiệm của nam giới đối với công việc trong gia đình, đối với việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong gia đình; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ...
Toạ đàm Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực trạng và giải pháp do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức
Đại diện UBND Quận Cầu Giấy cho rằng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VHTTDL ban hành là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh.
Bên cạnh đó cần quan tâm tới việc nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó chú trọng công tác xây dựng gia đình văn hóa.
Việc xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô nói riêng, xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam nói chung trong thời kỳ mới là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự phát triển chung của đất nước. Để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, bản thân mỗi cấp chính quyền địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt để phát huy vai trò quản lý nhà nước trong công tác gia đình hiện nay.
Đổi mới và hoàn thiện việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình kết hợp với nhà trường và địa phương. Phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc ngay từ trong gia đình để tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đúc ý chí tinh thần dân tộc. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng một ngành nào, mà cần sự quan tâm, đầu tư của tất cả các cấp, các ngành, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội.
THUÝ HIỀN