Gia đình truyền thống trước thách thức toàn cầu hóa

VHO - Gia đình truyền thống được hiểu là hình thức gia đình được hình thành và tồn tại qua lịch sử lâu đời, chứa đựng nhiều yếu tố bền vững được lưu truyền qua nhiều thế hệ, phản ánh nền văn hóa bản địa, mang tính nội sinh của Việt Nam… Thế nhưng, bối cảnh lịch sử, văn hóa mới cũng đồng thời nảy sinh mặt tiêu cực, đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thử thách.

Gia đình truyền thống trước thách thức toàn cầu hóa - Anh 1

Mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ hiện khá hiếm hoi trong xã hội hiện đại

Toàn cầu hóa tác động đến sự phá vỡ kết cấu gia đình truyền thống

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, những mặt trái của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa đã khiến cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên đã có những biểu hiện coi nhẹ hoặc không quan tâm đến những giá trị văn hóa của gia đình truyền thống, chạy theo lối sống, tâm lý, thị hiếu không lành mạnh, xa lạ với con người Việt Nam. Điều đó đã và đang làm băng hoại các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời làm nảy sinh hàng loạt các giá trị ảo, dẫn đến tình trạng loạn chuẩn giá trị của gia đình. Các mối quan hệ cốt lõi bảo đảm sự phát triển bền vững trước đây đang bị lung lay dữ dội, tạo nên những hệ lụy khó lường. 

Chuyên gia cho rằng, với thực trạng và những thách thức của bối cảnh mới, nhiệm vụ kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong việc xây dựng gia đình hiện đại có ý nghĩa then chốt trong mục tiêu xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.  

TS Nguyễn Thành Đạt, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM bày tỏ, trong lĩnh vực văn hóa, toàn cầu hóa tạo ra nhiều cơ hội để các quốc gia xích lại gần nhau hơn, gia tăng sự hiểu biết, học hỏi và làm giàu các giá trị truyền thống của mỗi dân tộc. Tuy nhiên toàn cầu hóa cũng mang lại nhiều thách thức, đặc biệt đối với các giá trị truyền thống gia đình. Hiện nay, những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam đang bị tác động, xâm hại và thậm chí nhiều giá trị bị phai nhạt, hòa tan trong làn sóng toàn cầu hóa. Nhận thức và tìm kiếm các giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống gia đình Việt Nam hiện nay là vấn đề cấp bách, thường xuyên cả về lý luận và thực tiễn. 

“Tác động của toàn cầu hóa trong kinh tế, cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng dẫn đến các giá trị truyền thống gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với sự phá vỡ kết cấu gia đình truyền thống. Toàn cầu hóa tạo ra những “mốt” trong lối sống sùng bái vật chất, tâm lý tiêu dùng dẫn đến nếp sống gia đình bị đứt gãy, mai một, phai nhạt tình cảm và sự gắn kết. Nền tảng giá trị giáo dục gia đình cũng đã thay đổi nhiều. Gia đình vốn dĩ đóng vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục các thế hệ con cháu, giờ đây đã phó mặc cho nhà trường và xã hội”, TS Đạt tâm tư.

Gia đình truyền thống trước thách thức toàn cầu hóa - Anh 2

Dù gia đình truyền thống hay hiện đại, dù có những biến đổi nhất định, nhưng sự đùm bọc, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau vẫn là vĩnh cửu

Toàn cầu hóa thật sự có ý nghĩa khi đó là sự giao lưu, tiếp biến để mang lại sinh khí mới cho các giá trị truyền thống Việt Nam

PGS.TS Đỗ Ngọc Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho rằng, ở Việt Nam, ảnh hưởng của các giá trị văn hóa truyền thống đến giáo dục gia đình rất sâu sắc về phương diện nội dung và phương pháp. “Hiện nay, các giá trị văn hóa hiện đại như tôn trọng quyền con người, đề cao cá nhân, tự do hôn nhân, bình đẳng giới đang là những giá trị được phát huy và tác động trực tiếp đến quan điểm, nội dung và phương pháp giáo dục gia đình. Tuy vậy, những giá trị văn hóa truyền thống về đạo hiếu, lễ nghĩa, bổn phận, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình vẫn phải được duy trì trong nội dung giáo dục gia đình”, PGS.TS Đỗ Ngọc Anh nhấn mạnh. 

Gợi ý giải pháp để giữ gìn giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện đại, TS Phạm Minh Lý, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng gia đình cần khen ngợi, cổ vũ những hành vi tốt của con em mình và cũng không ngần ngại phê bình nghiêm khắc với những sai trái của chúng. Bởi lẽ, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và thái độ của thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước bị lệch lạc hay bị “khúc xạ” so với giá trị vốn có của nó. 

Theo TS Nguyễn Thành Đạt, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, đã tạo ra nhiều cơ hội để Việt Nam tiếp nhận, làm giàu thêm vốn văn hóa dân tộc từ các giá trị, tinh hoa văn hóa gia đình và nhân loại. Tuy nhiên, để tồn tại và giữ được các giá trị bản sắc truyền thống của gia đình Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa của nhân loại. Toàn cầu hóa sẽ thật sự có ý nghĩa khi đó là sự giao lưu, tiếp biến để mang lại sinh khí mới cho sự phát triển và đa dạng các giá trị truyền thống Việt Nam. 

Các chuyên gia cũng bày tỏ, cần khuyến khích đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật tham gia tích cực vào đề tài gia đình. Thành lập những tổ chức nghiên cứu sâu về nội dung gia đình, lập Hội đồng chuyên gia về lĩnh vực này, để có thể gợi ý các đề tài quan trọng cho xã hội và văn nghệ sĩ quan tâm. Phát huy sở trường các thể loại, những đặc trưng thể hiện của từng loại hình văn học, sân khấu, điện ảnh, hội họa, âm nhạc, kiến trúc để khuyến khích hình thức biểu đạt ý tưởng thích hợp nhất. Song song đó, tổ chức và tạo điều kiện cho các đối tượng văn nghệ sĩ có đam mê và tâm huyết với đề tài được thâm nhập thực tế, tham gia những đợt công tác thu thập tài liệu cần thiết cho sáng tác. 

“Trước những thách thức to lớn đang đặt ra, những giải pháp giữ gìn và phát huy các giá trị của gia đình truyền thống cần phải được thực hiện đồng bộ, với sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh.

ANH HUY

Ý kiến bạn đọc