Diễn đàn chính sách địa phương tại Khánh Hòa:
Phát triển du lịch xanh và bền vững
VHO - Sáng 26.4, tại TP. Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn chính sách địa phương chuyên đề: “Phát triển du lịch xanh và bền vững”.
Tham dự diễn đàn có 150 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học, đại diện hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh.
Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu trao đổi, thảo luận, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư và kinh nghiệm của các địa phương về vấn đề phát triển du lịch xanh và bền vững; từ đó tìm kiếm những giải pháp, cơ chế, định hướng để phát triển du lịch Khánh Hòa theo mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết liên quan của Quốc hội, Chính phủ…
Đồng thời, diễn đàn cũng hướng đến việc bổ sung các luận cứ khoa học và thực tiễn cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; các Sở, ban, ngành rà soát, xây dựng các giải pháp, cơ chế, chính sách hoặc đề xuất, kiến nghị Trung ương theo thẩm quyền để thúc đẩy phát triển du lịch xanh và bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Trong thời gian qua, du lịch Khánh Hòa đã có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch, làm tiền đề tiếp nối thành công của giai đoạn trước, hình ảnh du lịch Khánh Hòa ngày càng được lan tỏa rộng rãi hơn và nhận được sự yêu mến của bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, du lịch hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như những vấn đề về quá tải cục bộ, tính mùa vụ, những vấn đề trong quản lý môi trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng.
Vì thế, để du lịch phát triển bền vững, điều tất yếu phải đi theo hướng du lịch xanh. Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.
Theo định hướng chung của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22.01.2020; Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18.5.2023 của Chính phủ và Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 04.7.2023 của Bộ VHTTDL về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, cũng như quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt
Đến năm 2030 Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển.
“Tỉnh Khánh Hòa mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu sẽ đề xuất những cơ chế, chính sách, những giải pháp liên quan đến lĩnh vực môi trường, để du lịch địa phương phát triển theo xu hướng xanh và bền vững”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đánh giá cao tính chủ động, tích cực UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc tổ chức Diễn đàn Chính sách địa phương chuyên đề Phát triển du lịch xanh và bền vững.
Đây là một trong những chuỗi các hoạt động xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nhằm tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23.2.2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh là xu hướng được nhiều quốc gia quan tâm, nhằm điều chỉnh và củng cố các khía cạnh khác nhau của các chính sách để đồng thời đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và đặc biệt là bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng xanh được hiểu là mô hình tăng trưởng nhằm biến những hạn chế về nguồn lực và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thành những cơ hội kinh tế giúp nâng cao tăng trưởng và giảm tác động xấu tới môi trường thông qua sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.
Trong xu thế phát triển chung hiện nay và tương lai thế giới, Việt Nam đã định hướng phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ.
Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định các nhiệm vụ chiến lược: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; và Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Hiệu quả hoạt động của ngành du lịch cũng phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài nguyên cũng như môi trường du lịch. Xu hướng tiêu dùng du lịch “xanh” cũng ngày càng quan tâm, đặc biệt là các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương.
Theo nghiên cứu của Trip Advisor cho thấy 34% số du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% số du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn.
Ðiều này khẳng định, du lịch “xanh” không những là sự bảo đảm cho phát triển bền vững, mà còn là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi đi du lịch.
Trong xu thế chung, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh được chú trọng dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu đồng thời có trách nhiệm trong bảo tồn văn hóa cộng đồng, chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng và các bên tham gia hoạt động du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội được quan tâm.
Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) (đổi tên từ Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO) đã xác định phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là con đường phát triển quan trọng, cần thiết và tất yếu và nhấn mạnh vai trò của du lịch là một trong những nhân tố thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh.
Để phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, các quốc gia phải chú trọng đến: Tiêu dùng trong du lịch; Sự hưởng lợi của người lao động du lịch và liên quan đến du lịch; Lợi ích về môi trường; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; và Mô hình hóa phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định những nội dung cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh: Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.
Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc…
Tuy vậy, từ định hướng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh đến hành động triển khai trong điều kiện thực tiễn mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đặc biệt là duy trì tốc độ tăng trưởng và bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Đây là quá trình lâu dài đòi hỏi nhận thức đầy đủ và sự tham gia của toàn xã hội để thay đổi phương thức khai thác tài nguyên, cung ứng dịch vụ du lịch cũng như tác động đến thói quen tiêu dùng du lịch, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý du lịch nói chung.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh: Khánh Hòa là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, có ưu thế nổi trội về tài nguyên du lịch biển và với hệ thống đảo, quần đảo, vịnh ven bờ nổi tiếng (Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang) cùng với các bãi tắm đẹp, vùng biển, đảo với đa dạng sinh học, tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển…
Khánh Hòa còn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế biển, có thể tiếp cận thuận lợi bằng đường bộ, đường không, đường biển, đường sắt.
Trong nhiều năm qua, Khánh Hòa đã trở thành trung tâm du lịch biển, đảo tầm cỡ của cả nước và khu vực với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch chất lượng cao hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Du lịch Khánh Hòa đã có những bước phát triển hiệu quả, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương và du lịch cả nước. Tuy nhiên, những kết quả chung đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của trung tâm du lịch biển đảo có nhiều ưu thế nổi trội; đại dịch Covid 19 xảy ra cho thấy khả năng thích ứng với biến động bất thường, khủng hoảng còn thấp, tính mùa vụ và phụ thuộc vào một số thị trường còn khá rõ rệt, đặc biệt thách thức về bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển.
Chính vì vậy, phát triển du lịch xanh và bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, lợi thế kinh tế biển để đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng thích ứng linh hoạt với biến động kinh tế, xã hội và môi trường, đưa Khánh Hoà trở thành trung tâm du lịch biển chất lượng cao của khu vực và thế giới là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới.
Đóng góp tại Diễn đàn nhằm phát triển du lịch Khánh Hoà xanh, ông Nguyễn Trùng Khánh đề nghị, Khánh Hoà quan tâm một số nội dung sau: Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý điểm đến, quản lý môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Khuyến khích áp dụng các giải pháp sản xuất du lịch “xanh”, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong hoạt động du lịch.
Kiểm soát việc xả thải, xử lý chất thải, khí thải trong hoạt động du lịch, giảm thiểu tác động với môi trường, đặc biệt môi trường biển. Lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu với các hoạt động phát triển du lịch biển, đảo, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố môi trường biển đến hoạt động du lịch…
Thứ hai, đa dạng sản phẩm du lịch hướng tới đa dạng thị trường khách du lịch, tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao, hướng tới đáp ứng nhu cầu đa dạng thị trường khách du lịch du khách, các sản phẩm có tính cá biệt phục vụ các nhóm thị trường mục tiêu có nhu cầu riêng biệt trong đó ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng sinh thái biển đảo, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, trải nghiệm, giáo dục môi trường.
Đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện, bảo vệ môi trường biển, thích ứng với biển đổi khí hậu, khai thác văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương; các sản phẩm du lịch có tính liên kết với các ngành kinh tế khác là thế mạnh của Khánh Hoà (kinh tế biển, nuôi trồng thuỷ hải sản, vùng sản xuất muối…) để đa dạng giá trị trải nghiệm và xây dựng chuỗi giá trị du lịch với các ngành khác.
Phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển, đảo và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tương xứng với trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, hội nhập kinh tế quốc tế, đây là nhân tố đột phá với nhận thức và hiểu biết sâu sắc về các nguyên tắc, mục tiêu phát triển du lịch bền vững để định hướng, dẫn dắt thị trường, hình thành chu trình sản xuất xanh của doanh nghiệp du lịch và nhu cầu tiêu dùng du lịch xanh của khách du lịch.
Thứ tư, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý điểm đến du lịch xanh, phát triển điểm đến du lịch thông minh, kiểm soát hoạt động du lịch nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, kiểm soát chất lượng môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để xúc tiến, quảng bá du lịch xanh.
Thứ năm, nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng, du khách và doanh nghiệp về du lịch xanh và bền vững. Công tác tuyên truyền, giáo dục về du lịch xanh, bền vững cần được tiến hành thường xuyên cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt cho cộng đồng, du khách và doanh nghiệp với các hình thức đa dạng, hiệu quả, thực chất, hướng tới hình thành lối sống “xanh” và tiêu dùng du lịch “xanh”.
“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Khánh Hoà đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, tăng cường thu hút khách du lịch trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp du lịch sẽ trình bày các tham luận: Phát triển du lịch biển xanh và bền vững (PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội thủ sản Việt Nam); Đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch xanh tại Việt Nam; Chuyển đổi xanh ngành Du lịch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024-2030…
Đồng thời đưa ra các góp ý phát triển du lịch Khánh Hòa kết hợp thể thao, di sản văn hóa, điện ảnh theo hướng đi xanh và bền vững.
Các đại biểu cũng đã chia sẽ những kinh nghiệm trong việc vận hành hệ thống kinh doanh theo mô hình thân thiện, gần gũi môi trường trong tình hình hiện nay; Giải pháp phát triển du lịch thông minh tại Khánh Hòa; Tiềm năng, cơ hội đột phá phát triển du lịch xanh và bền vững tại Khánh Hòa…
Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã lắng nghe, tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia du lịch. Các ý kiến của các đại biểu sẽ được thống kê để trình UBND tỉnh Khánh Hòa sau Diễn đàn.