Ngành Du lịch Ninh Thuận về đích sớm hơn dự kiến
VHO - Với nỗ lực quảng bá, xúc tiến nhiều thị trường du lịch trong nước, quốc tế, xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng, ngành Du lịch Ninh Thuận đã về đích sớm hơn dự kiến khi đón 3,2 triệu lượt khách chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024.
Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách đến địa phương đạt hơn 3,2 triệu lượt, tăng 20% so cùng kỳ, đạt 100,1% so kế hoạch. Trong đó, khách lưu trú, nghỉ dưỡng ước đạt 2,3 triệu lượt, khách tham quan ước đạt 904 nghìn lượt. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 3.662 tỉ đồng.
Lượng khách đến Ninh Thuận chủ yếu là khách nội địa với hơn 3,11 triệu lượt, khách quốc tế ước đạt 87 nghìn lượt (tăng 194% so cùng kỳ, đạt 87% so kế hoạch của năm).
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhìn chung trong 9 tháng qua, hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp quan tâm cải thiện về chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, thái độ thân thiện luôn được ưu tiên chú trọng, công tác đảm bảo an toàn cho du khách cũng thường xuyên được tăng cường,... làm hài lòng du khách.
Năm 2024, Ninh Thuận đặt mục tiêu đón 3,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 100 nghìn lượt. Thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển thị trường quốc tế truyền thống là thị trường Nga và Đông Âu; chú trọng việc thu hút lại thị trường khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ; hướng tới những đối tượng khách cao cấp của các thị trường sẵn có, phát triển các thị trường mới theo các sản phẩm du lịch mới lạ, sản phẩm được nâng cao chất lượng,... qua đó hoàn thành mục tiêu đón khách quốc tế nêu trên.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các hãng hàng không; các tỉnh, thành phố để xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch hấp dẫn thu hút du khách.
Vào tháng 12.2024, Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh tổ chức sẽ diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận.
Đây được coi là sự kiện để bà con dân tộc Chăm giới thiệu những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của dân tộc mình. Dự kiến gần 500 nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên là đồng bào Chăm từ 9 tỉnh, thành phố tham gia, đại diện cho hơn 179.000 đồng bào dân tộc Chăm trong cả nước.
Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận bày tỏ sự kiện cũng là cơ hội để quảng bá những nét văn hóa đặc thù của Ninh Thuận, thế mạnh về danh thắng, tạo cơ hội thuận lợi để công chúng và du khách tham gia vào bất cứ thời điểm nào khi đến địa phương.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 213 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 4.700 phòng. Cơ quan chức năng thường xuyên có những chỉ đạo để đảm bảo an ninh du lịch, trong đó yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, bán đúng giá niêm yết, góp phần xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đề ra 4 quan điểm về phát triển du lịch với yêu cầu: Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội; có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Về mục tiêu chung, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh;
Có tính chuyên nghiệp; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch tương đối đồng bộ, hiện đại; đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có tính cạnh tranh cao, có thương hiệu.
Phát triển văn hoá du lịch tỉnh Ninh Thuận mang tính đặc thù, văn minh, thân thiện, an toàn gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống và đa dạng sinh học.
Hình thành khu du lịch quốc gia; quy hoạch rõ Khu vực phát triển du lịch chất lượng cao, du lịch phổ thông. Hướng tới hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, đẳng cấp cao, loại hình độc đáo với chất lượng dịch vụ tốt nhất, có tính cạnh tranh cao.
Tăng cường liên kết, kết nối với các tuyến du lịch quốc gia và các địa phương trong khu vực. Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến quan trọng trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung; phấn đấu thu hút du khách tăng 7-8%/năm.
Đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, trong đó: khách quốc tế chiếm khoảng 12-13%; doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tir đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh.
Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước.
Phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, trong đó: khách quốc tế chiếm khoảng 14-15%, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.