Ninh Thuận kết nối du lịch với bang Kerala, Ấn Độ
VHO - Ngày 1.6, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đã diễn ra Hội nghị gặp gỡ kết nối doanh nghiệp du lịch Ninh Thuận và bang Kerala, Ấn Độ.
Ninh Thuận là viên ngọc tiềm ẩn ở Việt Nam
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và bang Kerala (Ấn Độ), Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM, đại diện doanh nghiệp du lịch bang Kerala (Ấn Độ) và tỉnh Ninh Thuận.
Hội nghị đã giới thiệu tiềm năng, lợi thế, các chính sách thu hút đầu tư, khách du lịch vào tỉnh Ninh Thuận và ngược lại; ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch Ninh Thuận và Ấn Độ, góp phần phát triển du lịch hai bên.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Tushar Garg – Phó Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM cho biết: Cuộc gặp gỡ này đánh dấu một thời điểm quan trọng trong nỗ lực của chúng ta nhằm củng cố mối quan hệ du lịch mạnh mẽ hơn giữa hai bên, cả hai đều nổi tiếng với vẻ đẹp độc đáo, sự phong phú về văn hóa và lòng hiếu khách nồng hậu.
Kerala, thường được gọi "Vùng đất của Chúa trời", là vùng đất có cảnh quan đa dạng và vẻ đẹp ngoạn mục. Từ “vùng nước đọng thanh bình” và những bãi biển hoang sơ đến những ngọn đồi xanh tươi và động vật hoang dã sôi động, Kerala mang đến nhiều trải nghiệm thu hút mọi du khách.
Di sản văn hóa phong phú của Kerala được đánh dấu bằng các loại hình nghệ thuật truyền thống, lễ hội và ẩm thực hấp dẫn đã làm tăng thêm sức hấp dẫn của nó như một điểm đến du lịch hàng đầu.
Tương tự, tỉnh Ninh Thuận là một viên ngọc tiềm ẩn ở Việt Nam và tự hào có những bờ biển tuyệt đẹp, những ngọn núi hùng vĩ và tấm thảm truyền thống văn hóa phong phú. “Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kiến trúc Chăm cổ và cộng đồng địa phương sôi động, Ninh Thuận sẵn sàng trở thành điểm đến ưa thích cho những du khách đang tìm kiếm những trải nghiệm đích thực và đa dạng trong thời gian sớm nhất”, ông Tushar Garg nói.
Theo ông Tushar Garg, ngày nay, chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên hợp tác du lịch mới giữa Kerala và Ninh Thuận. Tiềm năng tăng trưởng và phát triển chung trong lĩnh vực này là rất lớn. Bằng cách tận dụng những thế mạnh riêng biệt của chúng ta và học hỏi từ những kinh nghiệm tốt nhất của nhau, chúng ta có thể tạo ra một mạng lưới du lịch mạnh mẽ và bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai khu vực.
Tạo mọi điều kiện doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Ninh Thuận
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu và bước tiến quan trọng. Quan hệ song phương nói chung và quan hệ thương mại nói riêng đã được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi hai nước mở cửa thị trường và tự do hóa nền kinh tế.
Hai nước đã ban hành Tuyên bố chung về Hợp tác toàn diện vào năm 2003 và bắt đầu đối thoại chiến lược từ năm 2009. Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007, sau đó được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) vào năm 2016. Quan hệ song phương trên các kênh của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng mở rộng và sâu sắc.
Thời gian qua, tình hình quan hệ hợp tác đầu tư nước ngoài giữa Ninh Thuận với các đối tác Ấn Độ được tăng cường. Trong giai đoạn 2014-2023, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 8 dự án NGO do Đại sứ quán Ấn Độ tài trợ, với tổng kinh phí tài trợ 1.876.329 USD.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối thị trường khách du lịch Ấn Độ; các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Ninh Thuận và Ấn Độ được tăng cường, thông qua các sự kiện như: Ngày 7.12.2022 Ninh Thuận tiếp đoàn Văn hóa múa cổ điển Ấn Độ biểu diễn tại tỉnh Ninh Thuận.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên, Ninh Thuận với lợi thế là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, nằm ở giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, Cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên.
Về điều kiện tự nhiên, khí hậu có địa hình địa thế bao bọc bởi các dãy núi vươn sát ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp; Hệ sinh thái rừng khô hạn độc nhất Đông Nam Á; là một trong số ít tỉnh ở Việt Nam có 2 vườn quốc gia, trong đó vườn quốc gia Núi Chúa vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới (là 1 trong 9 Di sản thiên nhiên của thế giới); vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia; vùng biển Ninh Thuận nằm trong 18 vùng nước trồi của Thế giới; điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng ấm quanh năm, đặc biệt là không có bão. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển các ngành du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, khám phá.
Văn hóa Ninh Thuận là bức tranh đa màu sắc: Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp; 2 di tích quốc gia đặc biệt (tháp Pô Klông Garai và tháp Hòa Lai) cùng nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh bao gồm đình, chùa, di tích lịch sử, lễ hội...
Với những tiềm năng, lợi thế khác biệt, độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử, Ninh Thuận có thể phát triển đa dạng, phong phú các loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch thể thao lướt ván diều, golf, du lịch văn hóa… từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế bền vững, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương.
Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hơn nữa hợp tác giữa Ninh Thuận với Ấn Độ trong thời gian đến, tỉnh Ninh Thuận mong muốn tại Hội nghị ngày hôm nay đề nghị các doanh nghiệp du lịch bang Kerala, Ấn Độ đóng góp thêm cho các sản phẩm du lịch của tỉnh Ninh Thuận; đồng thời quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch Ấn Độ đến tìm hiểu, đầu tư, tổ chức các tour du lịch tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng tại Ninh Thuận.
Ông Nguyễn Long Biên khẳng định: "UBND tỉnh Ninh Thuận cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch Ấn Độ trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, kết nối, thu thập thông tin, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư, ưu đãi đầu tư theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.